Các cuộc tranh luận về việc phương Tây nên phản ứng thế nào đối với cuộc xung đột Ukraine đang càng ngày càng nóng?
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra như: Liệu các biện pháp trừng phạt Nga có hiệu quả? Nên giữ ở mức hiện tại hay tăng trừng phạt?
Với điều kiện nào thì nên nới lỏng các biện pháp trừng phạt? Phương Tây có nên hỗ trợ quân sự tối đa cho Ukraine hay không?
Nhiều đề xuất khác cũng được đưa ra nhưng hầu hết đều có chung một suy nghĩ sai lầm đó là coi cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ là cuộc khủng hoảng một chiều.
Tuy nhiên, theo Washington Post, đây là một "trận cờ" 3 chiều với 3 “bàn cờ” đang diễn ra cùng một lúc. Do vậy, thứ khiến cho tình hình phức tạp hơn chính là tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt không đồng nhất trên 3 “trận cờ” khác nhau.
Việc coi thường hay phớt lờ sự phức tạp vốn có của cuộc khủng hoảng sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề và khiến các cuộc tranh luận ngày càng trở nên vô ích.
Hiện, 3 “trận cờ” ở Ukraine là:
Chiến thắng hoặc thỏa hiệp theo Minsk
"Cuộc chơi" này có thể được tóm gọn là sự lựa chọn giữa tiếp tục cuộc chiến cho đến khi Kiev khôi phục được lại toàn quyền kiểm soát đối với các lãnh thổ do ly khai chiếm đóng hay đàm phán. Lựa chọn đầu tiên yêu cầu Kiev phải giành chiến thắng quân sự.
Hiện, đây đang là cuộc tranh luận chủ đạo tại Kiev. Nhiều người muốn tiếp tục hoạt động chống khủng bố hay chống ly khai ở miền Đông Ukraine vì họ thấy rằng thỏa thuận ngừng bắn Minsk chỉ là một sự nhượng bộ của Kiev và trên thực tế chính là chấp nhận mất các lãnh thổ ly khai kiểm soát.
Theo Washington Post, Nga đang kiểm soát cuộc chơi này. Mỗi khi Kiev tưởng chừng như sắp chiến thắng thì ly khai lại được tiếp thêm sức mạnh để chứng minh rằng họ sẽ tiếp tục hành động cho đến khi Kiev đồng ý đàm phán về tình trạng của hai khu vực Donetsk và Luhansk.
Mỹ, Anh, các nước Baltic và nhiều nước khác đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn Nga. Họ hy vọng dùng các biện pháp trừng phạt làm công cụ để Moscow ngồi vào bàn đàm phán.
Tuy nhiên, có nhiều lý do để tin rằng điều đó không cần thiết bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nóng lòng ngồi đàm phán. Moscow đã liên tục khẳng định muốn làm dịu căng thẳng nếu có được một phần chiến thắng, ít nhất là lấy được quyền tự trị cho hai khu vực ly khai.
Các biện pháp trừng phạt khiến cho cuộc chơi này phức tạp hơn bởi Moscow luôn tự tin rằng tất cả các biện pháp trừng phạt cuối cùng sẽ bị rút lại, do đó, Nga không khoan nhượng và luôn quyết tâm hành động mạnh mẽ ở Ukraine.
Tình trạng của Donetsk và Luhansk
“Trận cờ” này là về tình trạng trong tương lai của Donetsk và Luhansk. Trong trường hợp này, các lệnh trừng phạt có thể sẽ hiệu quả. Nếu quân bài trừng phạt được sử dụng tốt thì xác suất thành công của phương Tây và Kiev sẽ tăng.
Tuy nhiên, cả hai "trận cờ" trên đều đang ngày càng phức tạp bởi các bên có liên quan đều không nắm quyền kiểm soát hoàn toàn quân bài của mình.
Theo Washington Post, Nga không kiểm soát được hoàn toàn ly khai; Kiev không kiểm soát hoàn toàn các tiểu đoàn tình nguyện viên và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan; còn Washington và châu Âu cũng không hoàn toàn kiểm soát được các chính sách của mình.
Điều này làm tăng khả năng căng thẳng leo thang, một điều mà cả 3 bên đều không mong muốn.
Trong cả hai "trận cờ" trên, Ukraine luôn ở vị trí bất lợi vì nó là bên sẽ phải tiếp tục cuộc chiến chống ly khai ở miền Đông bất chấp những hậu quả không thể tránh khỏi. Trước tình hình đó, Kiev có thể muốn thay đổi toàn bộ tình hình theo 2 phương án.
Thứ nhất, các nhà lãnh đạo Ukraine có thể chuyển trọng tâm từ chiến dịch chống ly khai sang tiến hành các cải cách kinh tế và chính trị.
Xét cho cùng, đây chính là động lực chính của những người đã tham gia biểu tình chống chính phủ ở Quảng trường Maidan hồi cuối năm 2013 và đầu năm 2014, cũng như các đối tác phương Tây.
Đây cũng là yếu tố đóng vai trò quyết định đối với tương lai của Kiev. Cải cách thành công có thể giúp tăng cường và củng cố sự ủng hộ của công chúng đồng thời giúp chính phủ dễ dàng hơn trong việc kêu gọi sự ủng hộ của các quốc gia khác.
Thứ hai, chính phủ Kiev có thể suy nghĩ về việc đàm phán về tình trạng của hai vùng ly khai. Tuy nhiên, bất kì cuộc đàm phán nào về vấn đề này cũng sẽ đẩy Ukraine vào thế bất lợi.
Nó có thể dẫn tới sự thay đổi hiện trạng ở tất cả các vùng khác của Ukraine. Hơn nữa, nếu quyền tự chủ chỉ được giao cho hai khu vực này, đó sẽ được xem là phần thưởng đối với ly khai.
Các nguyên tắc cơ bản của hệ thống quốc tế
Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine đã được khái niệm hóa như là một thách thức của Nga đối với các nguyên tắc cơ bản của hệ thống quốc tế.
Ý đồ hay ý nghĩa chiến lược rộng lớn hơn trong các hành động của Nga chính là mối quan tâm của Mỹ, Anh và một số nước khác. Điều này dẫn đến khả năng các biện pháp trừng phạt sẽ không được gỡ bỏ ngay cả khi Ukraine giành chiến thắng trong 2 “trận cờ” đầu tiên.
Nếu như vậy, sẽ có khả năng xuất hiện một cuộc xung đột giữa các thành viên EU.
Trong trường hợp này, các biện pháp trừng phạt không chỉ là nguyên do khiến cuộc khủng hoảng Ukraine phức tạp hơn mà còn phản tác dụng, gây tác động xấu đến EU.
Theo quan điểm của nhiều nhà phân tích, các biện pháp trừng phạt chỉ có tác dụng trong một số hoàn cảnh nhất định, thậm chí đôi khi còn phản tác dụng.
Để có thể thành công khi áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga, phương Tây cần cẩn trọng lựa chọn hoàn cảnh để áp dụng những biện pháp đó cũng như xác định chính xác mục tiêu cần đạt tới.