Bài học Iraq buộc Obama phá cam kết rút quân khỏi Afghanistan

Các nhà phân tích nhận định Tổng thống Mỹ Barack Obama từ bỏ cam kết rút quân khỏi Afghanistan do lo ngại đất nước này cũng sẽ rơi vào hỗn loạn, đổ máu như Iraq thời gian qua.

Theo báo New York Times, với việc quyết định giữ 9.800 binh sĩ ở Afghanistan năm 2016 và giảm xuống còn 5.500 vào năm 2017, ông Obama đã tự tay phá bỏ cam kết chấm dứt hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq mà ông “kế thừa” từ cựu tổng thống George W. Bush.

Đó là những cam kết lớn ông Obama đưa ra khi tranh cử tổng thống và được người dân Mỹ rất ủng hộ.

Giới quan sát nhận định ông Obama không muốn lặp lại bài học Iraq. Năm 2011, chính quyền Obama đàm phán với chính quyền Thủ tướng Iraq Nuri Kamal al-Maliki về việc duy trì lực lượng Mỹ tại nước này.

Nhưng ông Obama quyết định từ bỏ và rút quân Mỹ về nước.

Tuy nhiên do không có sự hiện diện của người Mỹ, ông al-Maliki áp dụng hàng loạt chính sách đàn áp người Hồi giáo Sunni, thiên vị người Shiite, dẫn đến làn sóng bạo động dữ dội và các vụ tấn công đẫm máu.

Khoảng trống mà lực lượng Mỹ để lại đã mở đường cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy và chiếm nhiều vùng lãnh thổ tại Iraq.

Đến nay, ông Obama đã phải triển khai trở lại 3.000 binh sĩ Mỹ tại Iraq để giúp chính phủ mới ở Baghdad chống IS. Và tình hình ở Afghanistan cũng tương tự.

Sau nhiều năm giao tranh, lực lượng Taliban vẫn không bị tiêu diệt mà đang trỗi dậy trở lại, thậm chí mới đây gây chấn động khi chiếm thành phố Kunduz. IS cũng đang bắt đầu triển khai sức mạnh tại Afghanistan.

Do đó, ông Obama buộc phải duy trì lực lượng Mỹ tại đây để ngăn chặn cả Taliban và IS. Ông cho biết khác với chính quyền Iraq hồi năm 2011, chính quyền Afghanistan cũng bày tỏ thiện chí muốn người Mỹ giúp đỡ, do đó hai bên nhanh chóng đạt được thỏa thuận.

NYT dẫn lời ông Stephen Hadley, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Bush, nhận định quyết định của ông Obama cũng sẽ giúp Đảng Dân chủ tránh được đòn công kích của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Thời gian qua, Đảng Cộng hòa liên tục chỉ trích rằng vì ông Obama rút quân khỏi Iraq nên IS mới trỗi dậy.

“Ông Obama không muốn tạo gánh nặng cho bà Hillary Clinton (ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Dân chủ)” - ông Hadley cho biết.

Với việc duy trì binh sĩ ở Afghanistan, ông Obama sẽ giúp người kế nhiệm mình không hứng thêm gánh nặng Afghanistan chồng lên hai gánh nặng lớn khác là xung đột Syria và Iraq.

Một số chuyên gia an ninh cho rằng số binh sĩ Mỹ trên chỉ có thể duy trì tình thế hiện nay ở Afghanistan, giúp nước này tránh nguy cơ rơi vào hỗn loạn như Iraq, chứ không đủ sức đập tan mối đe dọa Taliban.

Dù vậy, nhiều nhà hoạt động phản đối chiến tranh rất thất vọng với quyết định của ông Obama. “Đây là một quyết định thảm họa” - chuyên gia Phyllis Bennis thuộc Viện Nghiên cứu chính sách bày tỏ sự phản đối.

Chính vì quan điểm phản đối chiến tranh và chấm dứt hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan nên ông Obama mới được trao giải Nobel hòa bình. Tuy nhiên sau khi rời Nhà Trắng vào năm 2017, ông sẽ vẫn là một tổng thống chiến tranh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại