Trong buổi tranh luận của đảng Dân chủ vào tối chủ nhật vừa qua, bà Hillary Clinton đã dựa vào những chính sách của Tổng thống Obama để ngăn đối thủ là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders vượt lên dẫn trước.
Tận dụng buổi tranh luận cuối cùng trước vòng bầu cử ở Iowa và New Hampshire, bà Clinton cố gắng thu hút những người ủng hộ trung thành của Tổng thống Obama, với nỗi lo rằng họ sẽ chuyển sang bầu cho Thượng nghị sĩ Sanders.
Nếu muốn giành chiến thắng trong vòng đề cử của đảng Dân chủ và cuộc đua giành chức Tổng thống, cựu Ngoại trưởng Mỹ cần họ.
"Tôi ủng hộ Tổng thống Obama trong việc giành quyền kiểm soát Wall Street, kiểm soát tài chính quốc gia". - bà Clinton tuyên bố.
Về phần Thượng nghị sĩ Sanders, ông tăng cường chỉ trích đối thủ của mình hơn hẳn các buổi tranh luận trước đây. Buổi tranh luận vừa qua ở Charleston, South Carolina có lẽ đáng nhớ hơn vì những "đòn tấn công" hai người giành cho nhau thay vì cho đảng Cộng hòa.
Ông Sanders đã phản bác lại tuyên bố của đối thủ bằng việc khẳng định Tổng thống Obama là bạn của ông, đồng thời lên tiếng chỉ trích về quãng thời gian đi diễn thuyết kiếm tiền sau khi rời khỏi Bộ Ngoại giao của cựu Ngoại trưởng Mỹ.
Buổi tối vừa qua ở Charleston, South Carolina có lẽ đáng nhớ hơn vì những "đòn tấn công" hai người giành cho nhau thay vì cho đảng Cộng hòa. Ảnh: AP
Ứng viên Clinton vẫn đang dẫn trước khá xa đối thủ của mình là Thượng nghị sĩ Sanders. Tuy nhiên, con số bình chọn gần đây ở bang Iowa và New Hampshire cho thấy rằng vị trí của bà Clinton hiện nay hoàn toàn không chắc chắn.
Chiến lược của bà Clinton vào ngày chủ nhật vừa qua là cố gắng “bấu víu” vào Tổng thống Obama, mặc cho mâu thuẫn của bà với ngài Tổng thống trong chiến dịch năm 2008.
Tám năm sau, những người đã từng bầu cho vị Tổng thống da màu đầu tiên ấy sẽ giúp bà tạo nên một bức tường ngăn bước của Nghị sĩ Sanders.
Bà gọi Đạo luật Affordable Care Act (đạo luật về chăm sóc sức khỏe với giá cả hợp lí, hay còn gọi là Obamacare - PV) là “một trong những thành tựu tuyệt vời nhất của Tổng thống Obama, của đảng Dân chủ và của nước ta.”
Chính sách ngoại giao
Nhắc tới chính sách ngoại giao, câu hỏi về mối quan hệ giữa bà Hillary Clinton và Tổng thống Vladimir Putin ngay lập tức được đặt ra khi bà đề cập đến việc cải thiện quan hệ ngoại giao với Nga
Khi người dẫn chương trình của đài NBC là Lester Holt đề nghị bà Clinton giải thích về mối quan hệ với Tổng thống Putin, bà chỉ ngừng lại một chút và cười trước khi trả lời rằng: “Nó...cũng khá thú vị.”
Về việc bắt đầu lại mối quan hệ với Nga, bà Clinton nói rằng bà sẽ xem xét lại tùy theo "những gì tôi có."
“Trong ngoại giao, ai cũng đều cố gắng tìm ra điều đối phương muốn.” – Bà Clinton nói. Bà cũng chỉ ra những thành tựu của bản thân trong việc đàm phán với Nga, bao gồm thỏa thuận START và những trừng phạt đối với Iran.
Năm 2011, Tổng thống Putin đã buộc tội bà Clinton, khi đó giữ chức Ngoại trưởng, kích động phản đối bầu cử nghị viện Nga do trực tiếp bày tỏ sự nghi ngờ đối với tính hợp lệ của các cuộc bầu cử.
“Phản ứng đầu tiên của Mỹ tôi nhìn thấy chính là bà Ngoại trưởng lên tiếng kết tội các cuộc bầu cử không công bằng và thành thực trong khi còn chưa hề nhận được số liệu từ các giám sát viên.” Tổng thống Putin nói
“Bà ấy kích động và đưa tín hiệu với các nhà hoạt động trong nước chúng tôi. Sau khi nhận được tín hiệu và sự ủng hộ của Bộ ngoại giao Mỹ, họ bắt đầu hành động.”
Bà Clinton cũng đề cập đến vấn đề này trong buổi tranh luận ngày Chủ nhật: “Tôi lên tiếng ngay sau khi một vài cuộc bầu cử gian lận đã diễn ra.
Khi người Nga đổ ra đường đòi quyền tự do, ông ấy lại nổi giận, rồi buộc tội tôi kích động họ.”
Bà Clinton công nhận rằng mối quan hệ giữa bà và Tổng thống Putin được gây dựng một phần dựa trên “sự tôn trọng”, dù làm việc với Tổng thống Nga cũng khá khó khăn. Bà nhận xét rằng Tổng thống Putin là “một người sẽ chiếm đoạt mọi thứ ông có thể trừ khi bạn làm gì đó.”
Tuy nhiên, nhìn chung, ứng viên Clinton, người đã từng giữ chức Ngoại trưởng Mỹ, có vẻ thoải mái hơn Thượng nghị sĩ Sanders khi nhắc tới chính sách ngoại trong nửa sau của buổi tranh luận.
Bà “tự hào” về thỏa thuận hạt nhân Iran vừa được thực thi trong tuần này. Bà nhắc tới công sức “dọn đường” cho thỏa thuận trên khi còn giữ chức Ngoại trưởng bằng việc kêu gọi đặt lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran.
Dù vậy, ứng viên của đảng Dân chủ này cũng cảnh báo rằng không nên vội vàng trong tiến trình hòa giải với Tehran.
“36 năm rồi chúng ta mới có một ngày tốt lành” – Bà Clinton nói, sau tuần căng thẳng của quan hệ ngoại giao hai nước do sự kiện 10 thủy thủ Mỹ bị Iran bắt giữ và 4 tù nhân Mỹ được Iran thả tự do.
Bà Clinton cũng nhấn mạnh việc đã có sẵn chiến lược 3 điểm nhằm đập tan lực lượng IS ở Syria và Iraq, tiến tới kết thúc nội chiến Syria.
Người dân Iraq đốt cờ Mỹ tại quận Baghdad thuộc thành phố Sadr. Ảnh: AFP
Thể hiện quan điểm cá nhân trong chính sách ngoại giao của mình, ông Sanders cảnh báo rằng việc điều động thêm quân đội Mỹ đến “vũng lầy Syria” là sai lầm, và một lần nữa gợi lại cuộc chiến ở Iraq mà bà Clinton, khi còn là Nghị sĩ, đã bỏ phiếu ủng hộ năm 2002.
Ông nói rằng việc Mỹ lại một lần nữa can thiệp vào Trung Đông sẽ trở thành “thảm họa.”