Aung San Suu Kyi và hành trình từ tù nhân tới đỉnh cao chính trị

Đức Huy |

Đảng đối lập Liên minh Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu đã giành được thắng lợi ban đầu trong cuộc bầu cử mang tính lịch sử tại Myanmar.

Với bà Aung San Suu Kyi, "câu chuyện cổ tích" đã tiến rất gần tới hiện thực. Hôm nay (9/11), một ngày sau cuộc bầu cử lịch sử trên đất nước Myanmar, nữ tù nhân chính trị ngày nào đã chạm một chân tới đỉnh cao quyền lực.

Với việc đảng đối lập NLD do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đang giành tới hơn 80% số phiếu ủng hộ ở khu vực trung tâm, cộng với việc đảng cầm quyền USDP tuyên bố thua cuộc, NLD đang tiến rất gần đến chiến thắng.

Kết quả kiểm phiếu chính thức sẽ được công bố vào thứ ba (10/11) tới. Nhưng ngay từ lúc này, rất nhiều người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi đã đổ ra đường ăn mừng, mặc cho cơn mưa nặng hạt đang đổ xuống nhiều vùng miền trên đất nước Myanmar.


Sự mừng rỡ hiện trên nét mặt một người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi khi cô nhìn vào kết quả kiểm phiếu sơ bộ trên màn hình. Ảnh: Bloomberg

Sự mừng rỡ hiện trên nét mặt một người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi khi cô nhìn vào kết quả kiểm phiếu sơ bộ trên màn hình. Ảnh: Bloomberg

Về phần mình, bà Aung San Suu Kyi vẫn nói với cử tri ủng hộ mình rằng "vẫn còn quá sớm" để ăn mừng, nhưng bà cũng không giấu nổi một nụ cười mãn nguyện trong bài phát biểu trước công chúng hôm nay.

"Tôi nghĩ các bạn đều biết kết quả rồi" - bà nói.

Đám đông cử tri ủng hộ bà Aung San Suu Kyi đã đổ ra đường để hi vọng được chứng kiến tận mắt hình ảnh người phụ nữ mà họ gọi với cái tên trìu mến "Mẹ Suu". Khi bà bước ra từ trụ sở đảng NLD, họ hò hét, ăn mừng, và vẫy cờ để bày tỏ sự ủng hộ của mình.


Cử tri ủng hộ bà Aung San Suu Kyi đổ ra đường ăn mừng. Ảnh: AFP

Cử tri ủng hộ bà Aung San Suu Kyi đổ ra đường ăn mừng. Ảnh: AFP

Năm 1990, khi đảng của bà Aung San Suu Kyi giành thắng lợi tuyệt đối trong cuộc bầu cử, các tướng quân đội Myanmar đã từ chối không công nhận kết quả. Không những vậy, bà còn phải chịu sự quản thúc tại gia hơn 15 năm.

Kết nối duy nhất của bà với thế giới bên ngoài là một chiếc radio chập chờn. Khi chồng bà, học giả người Anh Michael Aris, trong cơn nguy kịch, bà vẫn bị cấm không được gặp chồng.

Dù có "thù riêng", nhưng bà Aung San Suu Kyi kêu gọi các cử tri ủng hộ giữ bình tĩnh và không kích động bạo lực với các cử tri của đảng cầm quyền USDP sau khi kết quả chính thức được công bố.

Về phần mình, quân đội Myanmar đã cam kết sẽ tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử, và sẽ không ngăn cản đảng của bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền nếu đảng này giành chiến thắng.

Trước thềm cuộc bầu cử, bà Aung San Suu Kyi đã lên án các tướng lĩnh quân đội Myanmar, đồng thời tuyên bố sẽ điều hành đất nước ở cương vị "trên Tổng thống" nếu đảng NLD giành thắng lợi. Tuy nhiên, hiến pháp nước này quy định "không ai có thể trên quyền Tổng thống".

Sở dĩ bà tuyên bố như vậy là vì theo hiến pháp Myanmar, một công dân không được phép giữ chức Tổng thống nếu có chồng hay vợ là người ngoại quốc.

Myanmar sẽ chọn ra Tổng thống mới vào tháng 2/2016, khi Quốc hội nước này nhóm họp.

Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn lúc này đây, ánh hào quang chính trị Myanmar đang đổ dồn về nữ tù nhân chính trị ngày nào, Aung San Suu Kyi.

Bà Aung San Suu Kyi sinh ngày 19/6/1945 tại Rangoon, Myanmar, trong một gia đình có truyền thống chính trị.

Cha của bà, Aung San, là người sáng lập lực lượng vũ trang hiện đại Myanmar (Tatmadaw) và cũng là người đàm phán về độc lập cho Miến Điện (Burma) khỏi sự thống trị của Đế quốc Anh năm 1947. Ông bị đảng đối lập ám sát cũng trong năm đó. Mẹ bà, Khin Kyi, cũng là một chính trị gia nổi tiếng.

Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1990, bà chịu sự quản thúc tại gia của chính quyền quân sự trong gần 15 năm trong tổng số 21 năm quản chế cho đến khi được thả lần gần đây nhất vào tháng 11 năm 2010.

Bà nhận giải Nobel Hòa bình vào 1991. Năm 2014, bà xếp thứ 61 trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất theo tạp chí Forbes.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại