Assad đã sẵn sàng, Mỹ thờ ơ

Đào Cảnh |

Tổng thống Syria Bashar al-Assad mới đây đã lên tiếng kêu gọi các lực lượng ở Syria (ngoại trừ các lực lượng khủng bố) cùng phối hợp thành lập Chính phủ thống nhất dân tộc nhằm giải quyết cuộc xung đột hiện nay.

Al-Assad đã sẵn sàng cho phương án này nhưng Mỹ và phương Tây lại đang thờ ơ khi đưa ra một loạt các điều kiện khó chấp nhận đối với Damascus.

Tổng thống Syria Al-Assad trong buổi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn El Pais của Tây Ban Nha mới đây đã lên tiếng khẳng định rằng Chính phủ Syria đã sẵn sàng phối hợp với tất cả các lực lượng, ngoại trừ lực lượng khủng bố IS, để thông qua một bản Hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử ở nước này.

Người Mỹ giết hại nhiều dân thường Syria nhất

Theo Tổng thống Syria, Mỹ là nước phải chịu trách nhiệm cho cái chết của những người dân thường Syria. Việc phương Tây đổ lỗi cho Nga là hoàn toàn vô căn cứ.

“Không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy người Nga tấn công vào các mục tiêu dân sự. Họ tấn công rất chính xác và hàng ngày chỉ tấn công vào các mục tiêu của lực lượng khủng bố. Người Mỹ giết hại nhiều dân thường nhất ở miền Bắc Syria” - Tổng thống al-Assad nhấn mạnh.

Để chấm dứt cuộc chiến hiện nay, Tổng thống Al-Assad lên tiếng kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, không gửi các phần tử khủng bố và vũ khí đến Syria.

Quân Chính phủ Syria sẵn sàng thực hiện quy chế ngừng bắn để các phần tử khủng bố không lợi dụng tình hình này như là cái cớ nhằm “củng cố vị thế của mình”.

Ông Al-Assad cũng lên tiếng khẳng định rằng nếu như Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi đưa bộ binh tiến vào Syria dưới cái cớ thực hiện cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, Damascus sẽ coi các lực lượng này là các phần tử khủng bố vì “không có nước nào có quyền can thiệp vào Syria.

Tổng thống Syria còn cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa các phần tử khủng bố vào Syria, còn Arab Saudi hỗ trợ tài chính cho các hoạt động này, đồng thời cung cấp cho các phần tử khủng bố các máy bay chiến đấu để nhằm phá hoại tình hình Syria.


Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Syria al-Assad

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Syria al-Assad

Syria đã sẵn sàng cho bản Hiến pháp mới

Để thực hiện giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay, ông Al-Assad đề nghị thành lập một Chính phủ thống nhất dân tộc mới mà tất cả các lực lượng chính trị ở Syria đều có thể tham gia vào quá trình này.

“Chính phủ này sẽ tạo ra các điều kiện để soạn thảo một bản Hiến pháp mới. Nếu như chúng ta muốn bàn bạc về tương lai Syria với tất cả các lực lượng chính trị khác nhau thì điều cần thiết là phải thảo luận về bản Hiến pháp mới”- ông Al-Assad khẳng định.

Bản Hiến pháp mới này, theo Tổng thống Syria, cần phải được thông qua bằng một cuộc trưng cầu dân ý và để thực hiện điều này cần phải tổ chức các cuộc bầu cử trước thời hạn.

Để tổ chức các cuộc bầu cử này, chính quyền Syria sẵn sàng ân xá cho các thành viên đối lập chịu hạ vũ khí đầu hàng và tham gia vào tiến trình chính trị ở Syria, lực lượng còn lại sẽ bị chính quyền Syria coi là các phần tử khủng bố.

Đáng chú ý, ý tưởng về việc thành lập Chính phủ thống nhất dân tộc ở Syria cũng đã được phương Tây đề cập từ trước nhưng với điều kiện ông Al-Assad phải ra đi.

Ý tưởng này được các ngoại trưởng Liên đoàn các quốc gia Arab (LAG) đưa ra từ năm 2012. Theo kế hoạch này, ông Al-Assad sẽ phải từ chức và chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống.

Nửa năm sau khi chính phủ này được thành lập, Syria sẽ tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ. Kế hoạch này tương tự như kế hoạch được đưa ra với chính quyền ở Yemen khi tổng thống nước này từ chức và chuyển giao quyền lực cho cấp phó của mình.

Tuy nhiên, Damascus nhanh chóng bác bỏ kế hoạch này và coi đây là sự “vi phạm chủ quyền quốc gia và can thiệp vào công việc nội bộ của Syria”, không đáp ứng các lợi ích của dân tộc Syria.

Mùa hè năm 2012, một kịch bản tương tự cũng đã được ông Kofi Annan đưa ra. Tiếp đến, Ngoại trưởng Pháp khi đó là Loran Fabius cũng đưa ra kịch bản tương tự nhưng đều bị Tổng thống Syria Al-Assad bác bỏ.

Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (giữa) và Tổng thống Mỹ Obama.
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (giữa) và Tổng thống Mỹ Obama.

Phương Tây sẽ không chấp nhận

Theo chuyên gia nghiên cứu thế giới Arab thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga - Boris Dolgov, đề xuất của Tổng thống Syria về việc thành lập Chính phủ thống nhất dân tộc là quan điểm khá tích cực vì nó đưa ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.

Tuy nhiên, bản thân ông Al-Assad cũng hiểu rõ rằng phương Tây sẽ khó lòng chấp nhận kịch bản này.

“Trên thực tế, phương Tây sẽ áp một loạt điều kiện để thực hiện đề xuất của ông Al-Assad. Vấn đề chính là ở chỗ lực lượng nào thì được coi là khủng bố và lực lượng nào thì được coi là phe đối lập ôn hòa.

Hiện danh sách các tổ chức khủng bố vẫn chưa được các bên thống nhất. Nga, Iran, Iraq và Syria có quan điểm khác, còn Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi và phương Tây lại có quan điểm khác.

Nếu các bên tìm được sự nhượng bộ lẫn nhau thì mới có thể nói đến các bước đi tiếp theo cho tiến trình chính trị ở Syria” - Boris Dolgov nhận định.

Theo Boris Dolgov, ngay cả khi Chính phủ thống nhất dân tộc được thành lập thì cũng không có bất cứ đảm bảo nào rằng chính phủ này sẽ đem lại các bước đột phá.

Điển hình là các sự kiện ở Yemen, khi quyền lực đã được chuyển giao nhưng Arab Saudi và liên quân vẫn tiến hành can thiệp và nội chiến ở nước này vẫn kéo dài cho đến hiện nay.

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra tại Libya khi chính quyền đã được chuyển giao nhưng xung đột vẫn tiếp diễn.

Chính vì vậy, hy vọng vào một tiến trình giải pháp chính trị cho Syria khi thành lập Chính phủ thống nhất dân tộc của Tổng thống Al-Assad là khá mong manh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại