APEC 2014 và "núi" tham vọng của Trung Quốc

Đức Huy |

Với vị thế nước chủ nhà, Trung Quốc dự kiến sẽ đến với Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần này với nhiều tham vọng.

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ chính thức khai mạc tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Tờ Bloomberg hôm 29/10 đưa tin, để chuẩn bị cho sự kiện này,  Bắc Kinh đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ các nhà máy và trường học xung quanh địa điểm cuộc họp, cũng như cắt giảm một nửa lưu lượng giao thông trong thành phố. Điều này cho thấy quyết tâm của chính quyền nước chủ nhà trong việc ngăn chặn bất kì yếu tố ngoại cảnh nào có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự kiện vô cùng quan trọng này.

Với vị thế nước chủ nhà, Trung Quốc, ngoài những công tác chuẩn bị về mặt tổ chức, cũng đem tới APEC rất nhiều tham vọng. Về các vấn đề nội bộ, phía Trung Quốc dự định sẽ yêu cầu sự hỗ trợ của các nước thành viên trong chiến dịch chống tham nhũng của chủ tịch Tập Cận Bình.

Trong bài phát biểu mang tựa đề "APEC Bắc Kinh: Trung Quốc đã sẵn sàng" hôm 29/10, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết một hiệp định hợp tác sẽ được kí kết, mà trong đó các nước thành viên sẽ giúp Trung Quốc truy bắt nghi phạm cũng như thu hồi tài sản liên quan đến tham nhũng hiện đang ẩn náu bên ngoài lãnh thổ nước này.

Tuy nhiên, theo Elizabeth Economy, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề châu Á của diễn đàn phân tích quan hệ quốc tế CFR (Mỹ), những mục tiêu quan trọng nhất của Trung Quốc tại APEC lần này nằm ở các vấn đề đối ngoại. Bà cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Bắc Kinh thuyết phục những nền kinh tế phát triển trong khu vực như Australia, Indonesia, hay Hàn Quốc tham gia vào Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đề xuất và đồng sáng lập.

Ngoài ra, APEC cũng là cơ hội để phía Trung Quốc giải tỏa căng thẳng liên quan đến các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển với các nước láng giềng.

Cuộc đối thoại Shinzo Abe - Tập Cận Bình sẽ là một trong các điểm nóng tại APEC sắp tới Ảnh: Reuters
Cuộc đối thoại Shinzo Abe - Tập Cận Bình sẽ là một trong các "điểm nóng" tại APEC sắp tới Ảnh: Reuters

Trong đó, theo chuyên gia Shannon Tiezzi của trang phân tích các vấn đề chính trị ngoại giao The Diplomat, cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hàn gắn mối quan hệ Trung-Nhật đã bị rạn nứt do những tranh chấp xoay quanh Senkaku/Điếu Ngư. Đây cũng là lần đầu tiên nhà lãnh đạo hai nước chính thức gặp mặt kể từ khi họ lên nắm quyền năm 2012.

Cuối cùng, Tập Cận Bình - Barack Obama cũng là một cuộc gặp mặt được trông đợi. Đây là cơ hội để Bắc Kinh đề xuất nguyện vọng gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với phía Mỹ. Tuy nhiều lần cáo buộc TPP kìm hãm tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực, gần đây phía Trung Quốc lại bày tỏ ý định muốn gia nhập hiệp định này. Phát biểu với China Daily hôm 29/10, Thứ trưởng bộ Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu nhận định, "TPP chưa thể coi là hoàn chỉnh nếu thiếu vắng Trung Quốc."

Với chỉ ba ngày làm việc trong khuôn khổ diễn đàn, đạt được tất cả những tham vọng này sẽ là một thử thách không nhỏ đối với chính quyền Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại