Người Ấn Độ muốn chấm dứt mô hình kinh tế thiếu tính cạnh tranh của mình, và hướng tới một nền kinh tế năng động như Trung Quốc, họ đã chọn một người hướng tới cải cách như ông Modi vào vị trí thủ tướng.
Ấn Độ cũng đang tham gia tích cực hơn vào các vấn đề quốc tế như một cách nâng cao ảnh hưởng của mình và cạnh tranh với Trung Quốc.
Đó là lý do vì sao người Ấn Độ đang lao vào cuộc chiến quyền lực mềm một cách kiên quyết nhất, khi mà quyền lực mềm đang thực sự trở thành một dấu hiệu không thể thiếu để nâng cao vị thế và ảnh hưởng của quốc gia.
Trung Quốc đang thất bại trong chiến lược mở rộng quyền lực mềm của mình, còn Ấn Độ thì không.
Vấn đề truyền bá ảnh hưởng về văn hóa ra ngoài thế giới đã là một điều được nhắc đến từ lâu ở Ấn Độ.
Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ là một trong những trung tâm khởi phát của nền văn minh châu Á, và là một trong những nền văn minh lớn nhất trên thế giới.
So với Trung Quốc, ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ trên thế giới thậm chí còn rộng lớn hơn rất nhiều.
Nền văn minh và văn hóa Trung Quốc chủ yếu chỉ lan tỏa trong một số ít các quốc gia lân cận có quan hệ chính trị và văn hóa với Trung Quốc trong lịch sử, như Việt Nam, Triều Tiên hay Nhật Bản.
Thế giới ít người biết tới Nho giáo hay Lão giáo, nhưng rất nhiều nước trên thế giới biết đến Phật giáo.
Sự phát triển của Phật giáo được xem như mối dây liên kết thế giới với văn hóa Ấn Độ, và giúp văn hóa Ấn Độ mở rộng ảnh hưởng của mình ra toàn thế giới.
Vì thế chẳng có lý do gì để Ấn Độ không tham gia vào cuộc chiến mở rộng quyền lực mềm trên thế giới ở thời điểm hiện tại.
Và thực tế là văn hóa Ấn Độ đã có một mức độ ảnh hưởng rộng lớn trên khắp thế giới một cách tự phát, mà không cần đến sự hỗ trợ của chính phủ bằng những chính sách cụ thể.
Môn Yoga là một ví dụ, khi mà môn này đang có mặt tại 170 quốc gia trên toàn cầu, sự hiện diện và ảnh hưởng của Yoga lớn đến mức Liên Hợp Quốc đã ra một nghị quyết công nhận ngày 21 tháng 6 hàng năm là ngày Yoga.
Đó được xem là một chiến thắng dành cho những giá trị của văn hóa Ấn Độ, nhất là khi chính phủ nước này chẳng cần động tay động chân trong sự kiện này.
Sự kiện này vì thế đang tạo nên sự ghen tỵ lớn từ phía Trung Quốc, khi mà chính phủ nước này đã dồn rất nhiều công sức cho việc truyền bá văn hóa ra thế giới, nhưng đến giờ công sức bỏ ra vẫn chưa thu được thành quả tương xứng.
Ngoài Yoga, các giá trị của văn hóa Ấn Độ cũng đang ngày càng được biết đến nhiều hơn ở châu Á và trên thế giới, bao gồm phim ảnh, các tôn giáo đặc trưng như Phật giáo và Hindu, các món ăn và thậm chí là những nguyên tắc dân chủ của nền chính trị Ấn Độ.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc về vấn đề mở rộng ảnh hưởng văn hóa ra thế giới nằm ở chỗ, ở Ấn Độ nó được hình thành và phát triển một cách tự do, trong khi ở Trung Quốc nó lại nằm dưới sự chi phối của nhà nước.
New Delhi gần như không đóng một vai trò gì trong việc truyền bá những đặc trưng văn hóa Ấn Độ ra ngoài thế giới, ngoại trừ một bộ phận văn hóa trong bộ ngoại giao mà có lẽ nước nào cũng có.
Những đặc trưng văn hóa Ấn Độ như Yoga hay Phật giáo thường lan tỏa ra khắp thế giới một cách tương đối tự do và thường do những cá nhân và tổ chức phi chính phủ thực hiện.
Nó giúp cho những người tiếp xúc được trực tiếp cảm nhận những giá trị tự thân của các đặc trưng văn hóa này, thay vì truyền bá theo kiểu nhồi nhét và vô cảm như người Trung Quốc đang làm với các viện Khổng Tử trên khắp thế giới.
Hiệu quả giữa hai hình thức quảng bá văn hóa này cũng đang có sự khác biệt rõ nét.
Trong khi các viện Khổng tử trên khắp thế giới đang dần trì trệ và có không ít nơi đã phải đóng cửa, thì những đặc trưng văn hóa Ấn Độ như Yoga hay Phật giáo lại đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng của mình trên thế giới.
Sự khác biệt này cũng xuất phát từ đặc điểm lịch sử giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong quá khứ, các giá trị văn hóa Trung Quốc thường đi theo con đường bành trướng và xâm lược, những quốc gia như Việt Nam hay Triều Tiên chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc một phần bắt nguồn từ những sức ép xâm lược từ phía các triều đại Trung Quốc.
Những quốc gia tự nguyện chấp nhận ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc mà không bị sức ép xâm lược là rất hiếm, như Nhật Bản là một ví dụ hiếm hoi.
Trong khi đó, việc thường xuyên thiếu đi những triều đại mạnh đã khiến cho Ấn Độ thường chọn cách truyền bá văn hóa của mình một cách ôn hòa, như Phật giáo là một ví dụ.
Chỉ trong vài trăm năm, các tu sĩ Ấn Độ chỉ bằng những lời rao giảng đã truyền bá Phật giáo ra khắp miền Đông Á, và sau đó lan ra khắp thế giới.
Cách tiếp cận dựa trên sự ôn hòa và hướng tới các giá trị phổ quát mà dân tộc nào cũng biết đến là chìa khóa để Ấn Độ quảng bá các đặc trưng văn hóa của mình một cách vô cùng hiệu quả.
Chính đặc trưng này đang được xem là một vũ khí lợi hại để Ấn Độ mở rộng quyền lực mềm của mình trên thế giới hiện nay.
Nó có những ưu điểm gần như vượt trội, khi tự động mở rộng ảnh hưởng của các đặc trưng văn hóa mà gần như không cần đến sự hỗ trợ từ phía chính phủ Ấn Độ.
Việc mà New Delhi cần làm chỉ là dọn đường để quá trình này diễn ra tốt đẹp hơn và hiệu quả hơn, mà điển hình là việc chấp thuận cho các tín đồ Phật giáo đến hành hương các thánh địa ở Ấn Độ được thuận tiện hơn, như các tín đồ ở Sri Lanka là một ví dụ.
Ấn Độ có thể đang thua kém Trung Quốc về sự hiệu quả của mô hình phát triển kinh tế, nhưng về vấn đề quảng bá văn hóa của mình ra thế giới thì Ấn Độ đang cho Trung Quốc hít khói dài dài.