Ảnh minh họa
Mỹ tích cực gia tăng hiện diện quân sự
Các căn cứ quân sự trên Ấn Độ Dương là “điểm tựa” cực kỳ quan trọng cho lực lượng Hải quân và Không quân của Mỹ và Anh tăng cường sự hiện diện quân sự ở nước ngoài.
Tính từ năm 2000 đến nay, Mỹ và Anh đã tăng cường gấp 2 lần tiềm lực quân sự của mình ở khu vực này để sẵn sàng can thiệp vào tình hình toàn bộ châu Phi và các nước châu Á liền kề Ấn Độ Dương.
Tình hình bất ổn ở Iraq, Sudan, Somali; sự gia tăng hoạt động của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS); cuộc khủng hoảng quan hệ Ấn Độ-Pakistan; Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ toàn diện với các nước Cận Đông và châu Phi; Nga gia tăng ảnh hưởng về đối ngoại và kinh tế-chính trị ở Ai Cập, Iran, Sudan, Thái Lan, Nam Phi… là các nhân tố khiến Mỹ và Anh đang ngày càng tích cực trong việc củng cố tiềm lực quân sự của mình ở Ấn Độ Dương.
Ấn Độ Dương là khu vực rất quan trọng về giao thương hàng hải. Có đến 80% sản lượng trung chuyển dầu mỏ và khí đốt hóa lỏng phải đi qua Ấn Độ Dương (trong đó 40% đi qua eo biển Hormuz và 40% đi qua eo biển Malacca).
Ngoài ra, các tuyến đường ống vận chuyển dầu khí đến Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Kenya… cũng dự định sẽ được đặt dưới đáy biển Ấn Độ Dương.
Chính từ vị trí chiến lược này của Ấn Độ Dương nên Mỹ và Anh đã tích cực củng cố, gia tăng sự hiện diện quân sự ở khu vực này từ những năm 1960.
Điểm tựa chính cho kế hoạch này của Mỹ và Anh là quần đảo Chagos của Anh nằm ở vị trí trung tâm của Ấn Độ Dương.
Quần đảo này do Anh chiếm được của Mavrikia từ đầu những năm 1960 và sau khi giành độc lập, quốc gia này đã nhiều lần kiến nghị lên Liên Hợp Quốc để đòi lại Chagos nhưng không có kết quả.
Ngày 30/12/1966, Anh và Mỹ đã ký hiệp định thiết lập trên đảo Diego Garsia căn cứ không quân và hải quân hỗn hợp của Anh-Mỹ.
Đây chính là căn cứ quân sự lớn nhất trong khu vực này và sau đó nó thường xuyên được mở rộng. Sau đó một trạm radar trinh sát lớn nhất trong khu vực cũng được xây dựng trên đảo.
Trạm radar này có thể quét toàn bộ châu Phi, các quốc gia châu Á ở xung quanh Ấn Độ Dương, Australia, 1/3 Trung Quốc, cũng như Trung Á và Kazakhstan.
Căn cứ quân sự ở Diego Garsia là địa điểm xuất phát để Mỹ thực hiện các chiến dịch quân sự quy mô ở Somali, Sudan, Afghanistan, Iraq, vùng vịnh Persic và Biển Đỏ.
Theo các nguồn thông tin của Mỹ và Anh (năm 2015), hiện trong thành phần của Hải quân Mỹ ở Diego Garsia có 20 tàu chiến, trong đó có 2 tàu sân bay cỡ lớn với sức chứa của mỗi chiếc là 80 máy bay.
Ngoài ra, Mỹ còn có các loại tàu khác chứa vũ khí hạng nặng, đạn dược và các trang thiết bị cho hải quân đánh bộ. Đó là chưa kể đến các số lượng các loại vũ khí của Hải quân và Không quân Anh ở quần đảo Chagos.
Theo thông tin của truyền thông Trung Quốc và Iran, trong năm 2010, Mỹ đã đưa đến căn cứ ở Diego Garsia 400 siêu bom, trong đó có 195 bom thông minh có độ chính xác cao Blu-110 và 192 bom hạng nặng Blu-117.
Tàu ngầm Mỹ ở căn cứ quân sự Chagos
Các đối thủ cạnh tranh
Nhận thấy tầm quan trọng của khu vực này, mặc dù đã thiết lập quan hệ đồng minh với Anh và Pháp, Mỹ liên tục thực hiện các nỗ lực để chi phối toàn bộ khu vực.
Từ giữa những năm 1970, sau khi Anh tuyên bố thực hiện chính sách “chuyển sự hiện diện quân sự từ khu vực này đến Đông Suez” (Ai Cập) thì phần lớn các căn cứ quân sự của Anh ở đây đều chuyển giao cho Mỹ.
Cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, Mỹ đã rất tích cực trong việc hiện đại hóa các căn cứ này.
Tuy nhiên, chiến dịch tấn công Iraq của Kuwait đầu những năm 1990 đã trở thành cái cớ để Anh quay lại hiện diện quân sự tại hầu hết các nước Ả rập ở vùng vịnh Persic và đang tích cực triển khai thực hiện các kế hoạch gia tăng hiện diện tại đây.
Về phía Pháp, Pháp đã giữ được phần lớn các đảo của mình ở Ấn Độ Dương, nơi bố trí các căn cứ quân sự và trinh sát. Tuy nhiên, Mỹ đã dần thâm nhập vào các căn cứ then chốt của Pháp từ những năm 1990.
Một trong những căn cứ quân sự hỗn hợp Hải quân-Không quân của Pháp ở trong khu vực này (nằm gần cảng Dzibuti (thủ đô cũ của Somali) gần như đã trở thành căn cứ hỗn hợp Pháp-Mỹ.
Các tàu chiến và máy bay của Mỹ từ những năm 1990 đã thường xuyên sử dụng các căn cứ của Pháp ở Nam và Đông Nam Ấn Độ Dương.
Nhận thức được đe dọa này, Pháp luôn cố gắng không đẩy mạnh hợp tác quân sự với Anh và Mỹ tại Ấn Độ Dương.
Từ cuối những năm 1970, Pháp đã đưa ra ý tưởng thiết lập tại khu vực Ấn Độ Dương một tổ chức có cơ cấu tương tự như APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương).
Bước đầu tiên chính là thành lập Ủy ban liên kết liên quốc gia ở Ấn Độ Dương (KIO) vào năm 1984 và hiện tất cả các đảo của Pháp ở khu vực này cùng với Madagaskar, Mavrikia, Cộng hòa Seychelles, cộng đồng các đảo Comoros đã gia nhập Ủy ban này.
Hiện Dzibuti đang sắp gia nhập vào KIO. Giữa các quốc gia và khu vực lãnh thổ trong KIO đang tồn tại thể chế tự do thương mại do Pháp bảo trợ.
Theo chuyên gia phân tích chính trị người Pháp Charl Vuare, sự tham gia của Mavrikia vào KIO cho thấy “Pháp chắc chắn đồng cảm với mong muốn đòi lại quần đảo Chagos” để có thể hất cẳng Mỹ và Anh khỏi quần đảo này.
Về phía Trung Quốc, một loạt phương tiện truyền thông trong khu vực đã đưa ra thông tin về các kế hoạch thiết lập các căn cứ quân sự tại Seychelles, Bangladesh, Pakistan, Tazania, Nam Sudan, Madagaska.
Mặc dù Trung Quốc không có tuyên bố chính thức nào nhưng với việc nước Trung Quốc mua nhiều dầu nhất từ Sudan thống nhất (cũ, hiện thành Sudan và Nam Sudan) và nhu cầu nhập khẩu dầu từ các quốc gia này ngày càng tăng, những thông tin trên không phải không có cơ sở.
Rõ ràng, Ấn Độ Dương đang thực sự trở thành khu vực quan trọng mà cả Anh, Mỹ, Pháp và Trung Quốc đều có những kế hoạch để tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện của mình ở đây.
Do đó, các chuyên gia phân tích Nga cho rằng, với sự tham gia của Trung Quốc, khu vực này sẽ trở thành điểm cạnh tranh địa chiến lược mới đầy căng thẳng trong thời gian tới.