AFP viết về thực trạng nạn buôn bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc

Hãng tin AFP vừa đăng tải một bài viết nói về tình trạng buôn bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc, để phục vụ nhu cầu hôn nhân ngày một gia tăng ở đất nước đông dân nhất thế giới nhưng hiện đang mất cân bằng giới tính một cách nghiêm trọng.

Vietnam+ xin đăng tải bài viết này, như một lời cảnh báo về nạn buôn người qua biên giới mà cơ quan chức năng đang tích cực ngăn chặn, triệt phá.

Khi mới 16 tuổi, Kiab (tên của nhân vật đã được thay đổi), một cô gái người dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã bị anh trai mình bán sang Trung Quốc làm cô dâu.

Thiếu nữ người H'mông này đã ở Trung Quốc gần một tháng trước khi trốn được gia đình chồng và được cảnh sát địa phương giúp đưa về Việt Nam.

"Giờ em không coi anh trai mình là con người nữa. Anh ta bán cả em gái sang Trung Quốc," Kiab trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP khi đang tạm trú tại nhà bảo hộ cho nạn nhân buôn người ở tỉnh Lào Cai.

Nhiều phụ nữ ở những quốc gia láng giềng với Trung Quốc như Việt Nam, Triều Tiên, Lào, Campuchia và Myanmar đang bị gả bán cho những người chồng Trung Quốc.

Chính sách chỉ sinh một con ở quốc gia này khiến tỷ lệ nam nữ mất cân bằng nghiêm trọng.

Ngày càng có nhiều đàn ông Trung Quốc không lấy được vợ là người Trung Quốc, dẫn đến việc buôn bán phụ nữ các nước khác sang Trung Quốc để phục vụ nhu cầu hôn nhân ngày càng gia tăng.

Nhà bảo hộ ở Lào Cai hiện là nơi trú ngụ của nhiều cô gái người dân tộc thiểu số.

Tất cả đều bị họ hàng, bạn bè, thậm chí là người yêu lừa bán sang Trung Quốc làm cô dâu.

"Em từng nghe nói nhiều về nạn buôn người, nhưng em không ngờ chuyện này lại xảy ra với mình," Kiab cho biết.

Theo các chuyên gia, do việc buôn người được thực hiện lén lút và thường xảy ra ở những vùng sâu vùng xa nghèo khó.

Các nhà hoạt động cho biết sự tồn tại của đường dây buôn bán phụ nữ có tổ chức sang Trung Quốc làm cô dâu là có thật.

"Các nhà chức trách Trung Quốc đều che giấu phần lớn sự thật về những đường dây buôn người này," Phil Robertson, phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực châu Á cho biết.

Các cô gái Việt Nam bị bán sang Trung Quốc làm cô dâu hoặc bị bán vào nhà chứa có thể có giá tới 5.000 USD/người.

Michael Brosowski, người sáng lập và điều hành tổ chức Blue Dragon Children từng giải cứu 71 phụ nữ bị bán sang Trung Quốc từ năm 2007 cho biết: "Những cô gái này bị những kẻ buôn người tiếp cận, giả vờ kết thân hoặc hứa hẹn tìm cho họ một công việc."

Nhiều người đã bị ép phải làm việc trong các nhà chứa, nhưng để bảo vệ danh dự, họ thường khai là mình bị ép làm cô dâu.

Trung Quốc và Việt Nam có chung biên giới trên bộ. Vùng biên giới này là nơi diễn ra nhiều hoạt động buôn lậu, từ hoa quả, gia cầm sống tới phụ nữ.  

"Hầu hết những phụ nữ bị bán sang Trung Quốc là những người sống ở vùng núi cao, hẻo lánh và không được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin," Lang, 18 tuổi, một cô gái người Tày vượt biên trái phép và bị bán làm dâu cho một gia đình Trung Quốc kể lại.

Ở vùng núi phía bắc Việt Nam, nạn buôn người diễn ra nghiêm trọng tới nỗi những cộng đồng dân cư ở đây luôn sống trong sợ hãi.

"Tôi cùng những bà mẹ khác trong làng đều rất lo lắng về nạn buôn người. Đã có nhiều cô gái bị bán đi rồi.

Tôi có một đứa cháu gái, và chúng tôi luôn phải hỏi kỹ nó đi đâu mỗi lần nó ra ngoài, cũng như dặn dò nó không được trả lời điện thoại hay dễ dàng tin người lạ," bà May, một phụ nữ cao tuổi người Dao đỏ cho biết.

Các nhà hoạt động chống nạn buôn người ở Việt Nam cho biết công an và các nhà chức trách Việt Nam rất nghiêm túc trong việc đối phó với nạn buôn người.

Nhà bảo hộ ở Lào Cai đã được lập ra từ năm 2010 và là nơi trú ngụ của rất nhiều phụ nữ bị bán sang Trung Quốc.

Giám đốc nhà bảo hộ, ông Nguyễn Tường Long nhận định, sự nghèo đói là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc có nhiều phụ nữ bị lừa bán vì tin tưởng vào những lời hứa hẹn về công việc có thể kiếm ra tiền.

"Quê nhà của các cô gái tới đây đều rất nghèo khó, đến cái ăn còn chẳng đủ," ông cho biết.

Kiab, một thiếu nữ người H'mông khác cũng là nạn nhân của nạn buôn người. (Nguồn: AFP)

May Na (tên của nhân vật đã được thay đổi), một cô gái người dân tộc H'mông mới 13 tuổi khi bị chú đưa sang Trung Quốc và ép gả cho một người đàn ông ở đây.

"Em không thể chịu được cuộc sống ở Trung Quốc. Tranh thủ lúc họ để em ở nhà một mình, em đã trèo tường bỏ trốn.

Em lang thang hơn một ngày, phải ngủ trên đường, không biết làm gì ngoài khóc lóc," Na kể lại.

Cuối cùng, Na cũng tìm đến được một đồn cảnh sát, nhưng vì cô không thể nói được tiếng Trung Quốc hay tiếng Việt vì chỉ biết ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng H'mông, cảnh sát Trung Quốc phải mất tới một tháng trời mới biết chuyện gì đã xảy ra với cô và đưa được cô về Việt Nam.

Năm nay 16 tuổi, Na đang học tiếng Việt tại nhà bảo hộ ở Lào Cai. Chú của cô đã bị bắt, nhưng cô vẫn quyết định không quay trở về nhà.  

"Ở Trung Quốc, em rất buồn và sợ. Đó là một trải nghiệm đau đớn," Na chia sẻ.  

Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình giáo dục cho người dân ở vùng nông thôn và vùng biên giới, cũng như giáo dục nhận thức cho các cô gái trẻ ở các vùng này về việc phải cảnh giác với người lạ mặt.

Theo ông Long, số lượng các vụ buôn bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc đang có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, những nhóm hoạt động chống buôn người ở Việt Nam cho biết rất khó để cảnh báo các cô gái về nguy cơ bị bán sang Trung Quốc khi người lừa họ là người thân trong gia đình hay bạn bè.

Họ cho rằng cần có những hình phạt nghiêm khắc hơn cho những kẻ buôn người, như tiến hành khởi tố từ cấp địa phương để nâng cao nhận thức cũng như răn đe và ngăn chặn những hành động tương tự tiếp tục xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại