Một ngày có 86.400 giây.
Nhưng vào ngày 30/6/2015 tới đây, con số đó sẽ là 86.401, sau khi Tổ chức quốc tế về Sự xoay của Trái đất và Các hệ thống tham chiếu (IERS) tại Paris tuần qua thông báo chính thức quyết định bổ sung thêm 1 giây vào phút cuối cùng của ngày này.
Cụ thể, khi đồng hồ chỉ 23:59:59 ngày 30/6 năm nay, thay vì chuyển sang 00:00:00 ngày 1/7 ở giây kế tiếp, sẽ có một khung thời gian 23:59:60 được chèn vào giữa.
Tất cả sự khác biệt chỉ gói gọn trong 1 giây ngắn ngủi.
Tại sao phải làm như vậy?
Sự điều chỉnh này được hiểu là thêm vào một "giây nhuận" (leap second), được IERS áp dụng nhằm mục đích bù trừ cho vận tốc quay giảm dần của Trái đất.
Núi lửa phun trào, động đất, và các hiện tượng tự nhiên khác là nguyên nhân dẫn đến sự giảm vận tốc quay của Trái đất. Tuy sự thay đổi này là rất nhỏ, nhưng lâu dài sẽ cộng dồn lại thành một khoảng thời gian đáng kể.
Để tránh việc khái niệm ngày-đêm của Trái đất bị ảnh hưởng từ hiện tượng này, các nhà khoa học đã áp dụng giây nhuận từ năm 1972. Cho đến nay đã có 25 lần biện pháp này được thực hiện, lần gần đây nhất là ngày 30/6/2012.
"Tác dụng phụ"
Việc thay đổi một giây đồng hồ thật ra không có quá nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của con người. Đại đa số bạn đọc nhiều khả năng chưa hề biết đến khái niệm giây nhuận.
Tuy nhiên, đối với các hệ thống máy tính đã được lập trình sẵn, chỉ lệch một giây thôi cũng có thể dẫn đến nhiều trục trặc.
Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng đối với Unix, một hệ điều hành nguồn mở (open-source) đã được đưa vào sử dụng từ trước khi IERS bắt đầu áp dụng giây nhuận.
Trong quá khứ, vào những ngày được chọn để chèn giây nhuận đã xảy ra nhiều sự cố liên quan đến mạng Internet. Các trang web thông dụng như Reddit, Yelp, hay LinkedIn đã phải tạm dừng hoạt động. Hệ điều hành Mozilla Firefox cũng gặp sự cố.
Nghiêm trọng hơn, trong lần chèn giây nhuận ngày 30/6/2012, hệ thống máy tính của hàng không Qantas Airways (Australia) gặp sự cố, khiến nhân viên sân bay phải chấm công bằng cách thủ công thay vì dùng máy tính. Hệ quả là hơn 400 chuyến bay bị chậm.
Chính phủ một số quốc gia, trong đó đi đầu là Mỹ, từ lâu đã có ý muốn chấm dứt việc chèn thêm giây nhuận vì theo họ, điều này làm rối loạn các hệ thống định vị và viễn thông, cũng như gây ảnh hưởng đến các hoạt động trao đổi tiền tệ có độ chính xác đến từng giây.
Một cách giải quyết sự cố giây nhuận đã được Google áp dụng hiệu quả từ nhiều năm nay. Họ sử dụng một thủ thuật đánh lừa máy tính bằng cách chèn thêm một vài tích tắc vào các khoảng thời gian nhất định trong ngày chèn giây nhuận.
Vì độ chia nhỏ nhất của đa số máy tính được lập trình theo từng giây nên việc thêm một hai tích tắc vào không có ảnh hưởng gì đến hệ thống, và những tích tắc này khi cộng dồn lại sẽ bù trừ cho giây nhuận được thêm vào.