Quốc hội thảo luận Luật Cảnh sát biển Việt Nam: Phải đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền và ngư dân

Văn Kiên |

Trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông, cộng với việc “tàu lạ” xua đuổi, ngăn cản, thậm chí gây tổn thất tài sản, thương vong đối với ngư dân Việt Nam, thảo luận về Dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam (sáng 8/6) ĐBQH đồng tình ban hành luật, làm cơ sở pháp lý để các lực lượng chức năng đấu tranh có hiệu quả các hoạt động xâm phạm chủ quyền và tội phạm trên biển…

Nhiều “tàu lạ” tấn công ngư dân

Theo ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu), hiện nay biển Đông được đánh giá là một trong những vùng biển có nhiều tranh chấp phức tạp, không chỉ liên quan đến lợi ích của nhiều nước mà còn liên quan đến lợi ích chính trị của nhiều cường quốc trên thế giới.

Vụ giàn khoan HD 981 năm 2014, HD 760 năm 2017 và các vụ nổ súng vào ngư dân Việt Nam … cho thấy tình hình trên biển rất phức tạp. Điều này đòi hỏi nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam ngày càng nặng nề hơn.

Vì thế, để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho cảnh sát biển hoạt động phù hợp với thực tiễn lập pháp trên thế giới, thì việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách”, ĐB Cúc nói.

ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) phản ánh thực trạng, nước ngoài tăng cường tôn tạo đảo, sử dụng tàu công vụ tổ chức xua đuổi ngăn cản, thậm chí sử dụng biện pháp cứng rắn làm tổn thất tài sản, gây thương vong cho ngư dân các nước và Việt Nam.

Đặc biệt, theo ông Hưng, gần đây còn xảy ra việc, nước ngoài nâng cấp tàu du lịch đưa khách thường xuyên ra đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và nhiều điểm khác trên biển Đông một cách trái phép, xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Do đó, ông Hưng cũng tán thành việc sớm ban hành Luật Cảnh sát biển làm cơ sở pháp lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn để nâng cao năng lực, trách nhiệm của Cảnh sát biển Việt Nam, hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam.

“Cần phải xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và thực hiện mục tiêu cương quyết, kiên trì khẳng định bảo vệ chủ quyền các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, các đảo, vùng biển của nước ta đang bị tranh chấp; ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của chúng ta”, ĐB Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) nhấn mạnh.

Đi vào các nội dung cụ thể, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị hiện đại hóa vũ khí, khí tài trang bị cho lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam, việc chấp hành pháp luật bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự an toàn, đấu tranh chống tội phạm trên biển, tham gia bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ trung tâm của lực lượng cảnh sát biển.

“Hiện nay cảnh sát biển đang phải đối mặt với những khó khăn, bất cập do địa bàn hoạt động rộng, lực lượng trải dài trên cả nước, điều kiện công tác, vật chất bảo đảm tại nhiều khu vực, đặc biệt là vùng đảo, hải đảo chưa đáp ứng yêu cầu.

Cùng với đó cơ sở hạ tầng, doanh trại, cầu cảng, trang thiết bị tàu thuyền còn thiếu, khả năng hoạt động hạn chế trong điều kiện thời tiết phức tạp”, ông Tiến nhấn mạnh.

Quốc hội thảo luận Luật Cảnh sát biển Việt Nam: Phải đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền và ngư dân - Ảnh 1.

Tàu ngư dân tự bảo vệ nhau ở vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương.

Phải đủ mạnh

Dẫn khoản 1, Điều 9 dự thảo luật quy định nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam có nội dung bảo vệ tính mạng, tài sản của tổ chức, cá nhân, ĐB Đỗ Văn Bình (TP Hải Phòng) cho là chưa đầy đủ.

Ông Bình ví dụ, ngư dân đánh cá ở vùng biển Việt Nam theo đúng quy định, xuất hiện tàu lạ xua đuổi hoặc tranh chấp khai thác nguồn lợi biển với ngư dân Việt Nam, lúc đó, có thể chưa xuất hiện tình huống xâm hại, đe dọa đến tính mạng, tài sản nhưng đã xâm hại đến quyền, lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam thì xử lý ra sao?

Từ đó, ông Bình đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân đang hoạt động, sản xuất, khai thác tài nguyên biển hợp pháp trên vùng biển Việt Nam.

Về quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang, ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) cho rằng “không nhất thiết phải ghi trong luật”.

“Nếu chúng ta ghi trong luật lực lượng cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân là vấn đề rất nhạy cảm. Vì hiện nay trên thế giới nhiều nước có lực lượng giống ta, với tên gọi khác nhau nhưng họ không để trực thuộc Bộ Quốc phòng”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, cảnh sát biển tương tự như biên phòng trên đất liền, cũng một anh làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển và một anh làm chấp pháp trên đất liền.

“Liên quan đến phòng thủ đất nước, khi có chiến tranh xảy ra, khi đất nước bị tấn công thì lực lượng cảnh sát biển, lực lượng biên phòng bao giờ cũng phải nổ súng đầu tiên nếu nước ta bị tấn công. Từ xưa đến nay biên phòng đã là lực ượng vũ trang rồi nên cảnh sát biển không lý gì không xác định là lực lượng vũ trang được”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.

Phải đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền và ngư dân - ảnh 2

Cần phải xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và thực hiện mục tiêu cương quyết, kiên trì khẳng định bảo vệ chủ quyền các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, các đảo, vùng biển của nước ta đang bị tranh chấp; ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của chúng ta".

ĐB Lê Ngọc Hải (Quảng Nam)

Phải đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền và ngư dân - ảnh 3

Liên quan đến phòng thủ đất nước, khi có chiến tranh xảy ra, khi đất nước bị tấn công thì lực lượng cảnh sát biển, lực lượng biên phòng bao giờ cũng phải nổ súng đầu tiên nếu nước ta bị tấn công. Từ xưa đến nay biên phòng đã là lực lượng vũ trang rồi nên cảnh sát biển không lý gì không xác định là lực lượng vũ trang được".

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ

Giải trình rõ thêm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho hay, quy định vị trí, chức năng của cảnh sát biển trong dự thảo luật nhằm thể chế Nghị quyết 09 ngày 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định xây dựng lực lượng vũ trang nòng cốt là hải quân, không quân, cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển.

Phải đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền và ngư dân - ảnh 4

Theo Bộ trưởng, 20 năm qua, cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bằng các biện pháp mang tính dân sự, hòa bình là chủ yếu, như pháp luật, ngoại giao, tuyên truyền vận động, áp dụng biện pháp nghiệp vụ tương đồng với vị trí chức năng của cảnh sát biển các quốc gia khác nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại