Với tỷ lệ tán thành 91,10%, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác sáng ngày 19/6.
Theo đó, Quốc hội đồng ý giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
Đối tượng được giảm thuế gồm: doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập.
Như vậy, Quốc hội đã bỏ tiêu chí về số lao động đóng bảo hiểm để bảo đảm tính công bằng cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và bổ sung đối tượng được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có quy mô vừa.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, với việc thực hiện mở rộng đối tượng được giảm thuế nêu trên thì số giảm thu ngân sách nhà nước năm 2020 tăng từ 15.840 tỷ đồng lên khoảng 23.000 tỷ đồng so với phương án Chính phủ trình.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.
Trước khi Quốc hội biểu quyết, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cần có các giải pháp khác có tác dụng lớn và trực tiếp để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trình bày báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay, để hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19, Chính phủ đã chủ động xây dựng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đề xuất về chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Trong đó gói giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất có giá trị khoảng 180.000 tỷ đồng.
"Thời gian tới, Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các bộ, ban ngành ban hành và thực hiện nhiều giải pháp khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp", Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải thông tin.
Quốc hội thông qua cơ chế tài chính ngân sách đặc thù với Hà Nội
Trong sáng nay, với 91% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội.
Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc ban hành Nghị quyết này nhằm khai thác có hiệu quả nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền tạo chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách là cần thiết trong điều kiện hiện nay.
Đối với một số ý kiến đề nghị quy định mức trần thu phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép HĐND TP được quyền quyết định mức thu cụ thể, phù hợp với thực tế nhưng phải đảm bảo nguyên tắc.
Đối với lo ngại liên quan quy định cho phép TP hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trung ương trong ngắn hạn, vừa đẩy nhanh việc sắp xếp cơ sở nhà, đất nhằm sử dụng tiết kiệm hiệu quả, có thêm nguồn lực để xử lý các vấn đề liên quan đến quy hoạch đô thị, đầu tư hạ tầng.
Với ý kiến đề nghị cho phép ngân sách Hà Nội hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chưa có cơ sở pháp lý sử dụng các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ các tổ chức kinh tế.
Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, Nghị quyết cho phép bổ sung vấn đề này theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn chỉnh Nghị định 163/2016 để việc tổ chức thu thoái vốn từ các đơn vị trực thuộc TP quản lý được thực hiện đúng quy định.
Nghị quyết thông qua cũng cho phép Hà Nội quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư. Quy định tổng mức vay và bội chi ngân sách TP hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước….