Quốc hội Hungary bắt đầu thảo luận về đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan, Thụy Điển

Ngọc Biên |

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, Quốc hội Hungary ngày 1/3 đã bắt đầu thảo luận về việc Phần Lan và Thuỵ Điển xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đảng Fidesz cầm quyền ở Hungary trước đó đã bày tỏ lo ngại và cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội nước này có thể tiếp tục bị trì hoãn.

Quốc hội Hungary bắt đầu thảo luận về đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan, Thụy Điển - Ảnh 1.

Cờ của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ảnh minh họa: Reuters

Quốc hội Hungary dự kiến tiến hành cuộc bỏ phiếu phê chuẩn nghị định thư kết nạp Phần Lan và Thuỵ Điển vào NATO trong khoảng thời gian từ ngày 6-9/3 tới. Tuy nhiên, Chính phủ Hungary cho biết có thể hoãn cuộc bỏ phiếu đến nửa cuối tháng 3. Tới nay, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa phê chuẩn các hồ sơ kết nạp 2 quốc gia Bắc Âu vào NATO, vốn cần sự chấp thuận của toàn bộ 30 quốc gia thành viên.

Cũng trong ngày 1/3, Tổng thống Hungary Katalin Novak đã kêu gọi các nghị sĩ nước này thông qua dự luật cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Trên trang Facebook, Tổng thống Novak viết: “Lập trường của tôi rất rõ ràng: trong tình hình hiện nay, việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập (NATO) là chính đáng. Tôi tin rằng Quốc hội sẽ đưa ra quyết định sáng suốt một cách sớm nhất có thể!”.

Trước đó, hôm 27/2, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto thông báo một cuộc họp giữa phái đoàn Quốc hội Hungary và Thụy Điển để “làm rõ mối quan tâm của các nghị sĩ Hungary về việc phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO” sẽ được tổ chức trong vài tuần tới. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban thừa nhận “các nghị sĩ không nhiệt tình lắm” với đơn xin gia nhập NATO của Helsinki và Stockholm. Theo ông, một số nghị sĩ Hungary lo ngại đường biên giới kéo dài hơn 1.000 km giữa Nga và Phần Lan có thể gây ra nguy cơ chiến tranh tiềm tàng.

Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5/2022. Theo quy định, việc kết nạp một thành viên mới yêu cầu sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên NATO. Chính phủ Hungary đã đệ trình vấn đề nàylên Quốc hội từ tháng 7/2022.

Đảng Fidesz cầm quyền của Thủ tướng Orban cùng đối tác Dân chủ Kitô giáo (KDNP) hiện kiểm soát 2/3 số ghế tại Quốc hội Hungary. Phe đối lập Hungary cáo buộc đảng Fidesz sử dụng cuộc tranh luận nội bộ nhằm trì hoãn việc phê chuẩn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại