Quốc gia nào nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất, mua những gì từ Việt Nam?

Pha Lê |

Trong năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa 2 nước dự đoán sẽ tiếp tục vượt mốc 100 tỷ USD.

Theo số liệu từ Tổng Cục thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD.

Trong đó xuất siêu của một số mặt hàng là: Điện thoại các loại và linh kiện 20,84 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 4,95 tỷ USD; thủy sản 2,87 tỷ USD; rau quả 1,85 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 1,72 tỷ USD; dây điện và cáp điện 403,5 triệu USD.

Theo số liệu xuất khẩu phân theo nước, khối nước và vùng lãnh thổ chủ yếu sơ bộ các tháng năm 2023 vừa được Tổng Cục thống kê công bố thì Mỹ là quốc gia nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất từ Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm, trị giá hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ thị trường Việt Nam liên tục tăng. Tổng chung, nửa đầu năm 2023, thị trường này đã nhập hơn 44,2 tỷ USD từ Việt Nam.

Quốc gia nào nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất, mua những gì từ Việt Nam? - Ảnh 1.

Hình minh họa

Các sản phẩm Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam khá đa dạng, từ nông - lâm - thủy sản cho đến các sản phẩm công nghiệp, công nghệ, kim loại.

Về nông nghiệp, các loại nông sản của Việt Nam được Mỹ khá ưa chuộng. Trong 6 tháng đầu năm, quốc gia này nhập khẩu cà phê trị giá 180 triệu USD, hạt điều 432 triệu USD, hạt tiêu 103 triệu USD. Gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Mỹ đạt 3,27 tỷ USD, hàng rau quả 118 triệu USD, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc 71,7 triệu USD, hải sản 705,8 triệu USD. Mỹ cũng nhập 33,2 triệu USD thức ăn gia súc và nguyên liệu.

Các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp: Xơ, sợi dệt các loại 72,5 triệu USD, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy 73,3 triệu USD, sản phẩm mây, tre, cói và thảm 134 triệu USD, sản phẩm từ cao su 162,5 triệu USD, hàng dệt may 6,95 tỷ USD, giày dép các loại 3,34 tỷ USD, giấy và các sản phẩm từ giấy 252,6 triệu USD, túi xách, ví, vali, mũ và ô dù 716 triệu USD, vải mành, vải kỹ thuật khác 82,9 triệu USD.

Sắt thép các loại 386,9 triệu USD, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh 44,2 triệu USD, sản phẩm gốm sứ 9,67 triệu USD, kim loại thường khác và sản phẩm 255 triệu USD. Sản phẩm từ chất dẻo 955 triệu USD, sản phẩm từ sắt thép 566 triệu USD. Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận 772,7 triệu USD, dây điện và dây cáp điện 367,7 triệu USD, đá quý, kim loại quý và sản phẩm 267,4 triệu USD.

Đối với thế mạnh của Việt Nam là sản xuất các thiết bị, linh kiện điện tử, trong nửa đầu năm 2023, Mỹ nhập điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,08 tỷ USD, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 417,8 triệu USD, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác 7,93 tỷ USD, máy vi tính và linh kiện 7,36 tỷ USD, Phương tiện vận tải và phụ tùng 1,3 tỷ USD.

Hoa Kỳ là một thị trường lớn và có tiềm năng xuất khẩu nhiều mặt hàng. Trong năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa 2 nước dự đoán sẽ tiếp tục vượt mốc 100 tỷ USD. Tuy nhiên, khi xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia này, cần hết sức lưu ý vì Hoa Kỳ là thị trường khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

"Khi các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ thì cần đặc biệt chú ý vấn đề về xuất xứ hàng hóa, xuất xứ nguồn nguyên liệu và cần chủ động nghiên cứu, đánh giá rủi ro cũng như theo dõi các cảnh báo về khả năng điều tra phòng vệ thương mại do cơ quan hữu quan của Việt Nam.

Đặc biệt là Cục Phòng vệ Thương mại của bộ Công thương hiện nay vẫn đang đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của bộ để góp phần sao cho việc xuất khẩu hàng hóa được ổn định, bền vững sang Hoa Kỳ và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới", ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ, Thám tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ về thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại