Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7 năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 57,07 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 30,07 tỷ USD, tăng 2,1% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 27 tỷ USD, tăng 2,4%.
Tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 7 tháng năm 2023 đạt 374,36 tỷ USD, giảm 13,8% (tương ứng giảm 60,14 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 195,42 tỷ USD, giảm 10,3% (tương ứng giảm 22,5 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu đạt 178,94 tỷ USD, giảm 17,4% (tương ứng giảm 37,64 tỷ USD).
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7 năm 2023 thặng dư 3,07 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thặng dư lũy kế trong 7 tháng năm 2023 lên 16,48 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số thặng dư 1,34 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh thương mại suy giảm, Trung Quốc cũng là thị trường lớn hiếm hoi đạt mức tăng trưởng dương về xuất khẩu. Tổng cục Hải quan thống kê, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 7 đạt hơn 4,56 tỷ USD, giảm 18,4% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này vẫn đạt 30,8 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,5 tỷ USD, tăng 13,6% chiếm 24,4% tỷ trọng xuất khẩu.
Các nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 7,1 tỷ UD, chiếm 23,3% tỷ trọng xuất khẩu, giày dép 1,02 tỷ USD, tăng hơn 10%...
Đặc biệt, xuất khẩu nông sản sang thị trường láng giềng có nhiều khởi sắc. Hàng rau quả tăng 128,5% (đạt gần 2 tỷ USD). Riêng mặt hàng sầu riêng đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng khoảng 18 lần so với năm 2022. Ngoài ra, xuất khẩu gạo đạt 413 triệu USD, tăng 70,3%; hạt điều đạt hơn 300 triệu USD tăng 33,3%.
Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng khoảng 18 lần so với năm 2022.
Ngoài ra, các nhóm hàng như giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 100,1%; xăng dầu đạt 92,5 triệu USD tăng 48%; than các loại tăng 159,3%.
Ở chiều ngược lại, trong 7 tháng, Việt Nam cũng chi 58,6 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập siêu từ Trung Quốc đạt 27,8 tỷ USD, giảm 33% so với năm 2021.
Nhận định về xuất khẩu những tháng còn lại, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho rằng, hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục ổn định, hiệu suất thông quan nâng cao, cùng với nhu cầu tiêu dùng của thị trường này tiếp tục gia tăng trong mùa cuối năm, những yếu tố này sẽ có tác động tích cực trong hoạt động xuất khẩu.