Quốc gia Đông Nam Á này trở thành "chiến địa" ngành ô tô châu Á: Những tay chơi mới từ Trung Quốc thách thức các tượng đài Nhật Bản

Minh Khôi |

Quốc gia Đông Nam Á tự nhận mình là Detroit (bang ở Mỹ, nổi tiếng nhờ ngành công nghiệp xe hơi), đang trở trành chiến địa của các doanh nghiệp ô tô non trẻ Trung Quốc với những gã khổng lồ của ngành tới từ Nhật Bản.

Quốc gia Đông Nam Á này trở thành chiến địa ngành ô tô châu Á: Những tay chơi mới từ Trung Quốc thách thức các tượng đài Nhật Bản - Ảnh 1.

Thái Lan - "thủ phủ" công nghiệp xe hơi của Đông Nam Á

Toyota Motor đã kỷ niệm 60 năm hoạt động tại Thái Lan vào tháng trước với một buổi lễ quy lớn được tổ chức tại một trung tâm hội nghị quốc gia. Buổi lễ có sự xuất hiện của chiếc xe bán tải chạy điện Hilux đầu tiên, một chiếc Corolla 1970 và các mẫu xe khác mà Toyota đã sản xuất tại Thái Lan trước 1.500 quan khách.

Chủ tịch công ty Akio Toyoda tuyên bố trên sân khấu khi giới thiệu chiếc xe bán tải chạy điện đầu tiên của Toyota dành cho các thị trường mới nổi được sản xuất tại Thái Lan: “Tương lai của Toyota và Thái Lan rất tươi sáng và triển vọng này sẽ còn tiếp tục phát triển. Cá nhân tôi luôn coi Thái Lan là như ngôi nhà thứ hai của mình. Nếu tôi không phải sống ở Nhật Bản vì công việc của mình, thì tôi sẽ sống ở đây!"

Quốc gia Đông Nam Á này trở thành chiến địa ngành ô tô châu Á: Những tay chơi mới từ Trung Quốc thách thức các tượng đài Nhật Bản - Ảnh 2.

Chủ tịch hãng Toyota Akio Toyoda trong lễ kỷ niệm 60 năm có mặt tại Thái Lan hồi tháng 12/2022. Ảnh: Nikkei.

Bài phát biểu của Toyoda nhấn mạnh mối quan hệ sâu sắc giữa công ty và Thái Lan. Không có quốc gia nào khác đã đầu tư nhiều như vậy ở Thái Lan. Trên thực tế, các công ty Nhật Bản đã đổ rất nhiều tiền vào đất nước này đến mức họ đã tạo ra một trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu khu vực.

Toyota và các công ty thuộc tập đoàn sử dụng 275.000 lao động ở Thái Lan. Theo một số ước tính, hoạt động này chiếm tới 4% tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia Đông Nam Á. Tính đến tháng 3/2022, Nhật Bản chiếm đến 32% nguồn vốn FDI đổ vào Thái Lan và là nhà đầu tư lớn nhất, theo dữ liệu từ JETRO (Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản).

Trung Quốc xuất hiện

Nhưng những thay đổi về cấu trúc trong ngành công nghiệp xe hơi - và trong nền kinh tế toàn cầu nói chung - đang đặt ra những câu hỏi hóc búa về mối quan hệ giữa Nhật Bản với Thái Lan.

Đặc biệt, sự trỗi dậy của Trung Quốc và các nhà sản xuất xe điện ngày càng tham vọng của họ đã mang đến cho Nhật Bản đối thủ nặng ký đầu tiên tại một quốc gia tự gọi mình là Detroit (kinh đô một thời của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ) của Đông Nam Á.

Vài tháng trước chuyến thăm của Toyoda đến Thái Lan, nhà sản xuất xe điện BYD của Trung Quốc đã ký thỏa thuận mua gần khu đất với diện tích gần 1km2 ở Rayong, trên bờ biển phía đông của Vịnh Thái Lan.

Công ty dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất xe điện ở đây vào năm 2024. Nhà phát triển bất động sản công nghiệp Thái Lan WHA, cho biết đây là giao dịch lớn nhất của công ty trong 25 năm qua.

Giao dịch này cũng có khả năng đưa Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Thái Lan vào năm 2022, lần đầu tiên soán ngôi Nhật Bản kể từ năm 1994, theo dữ liệu của JETRO.

David Nardone, Giám đốc điều hành bộ phận phát triển công nghiệp của WHA cho biết: “Điều đó cho thấy tham vọng của họ. Người Trung Quốc là nhà đầu tư năng nổ nhất, và họ đến từ một thị trường nơi có thị phần xe điện lớn nhất thế giới".

Xe điện hiện chiếm chưa đến 1% doanh số bán xe mới của Thái Lan, nhưng trong phân khúc nhỏ đó, các thương hiệu đến từ Trung Quốc đang chiếm ưu thế.

Great Wall Motor, công ty đã mua lại một nhà máy GM ở Rayong vào năm 2020, đã chiếm được 45% thị phần trong 9 tháng đầu năm 2022 với mẫu xe điện nhỏ gọn và giá cả phải chăng Good Cat. SAIC Motor của Trung Quốc.

Dự kiến sự cạnh tranh sẽ còn trở nên khốc liệt hơn trong thời gian tới. Tháng 9/2022, Foxconn của Đài Loan đã công bố kế hoạch sản xuất xe điện ở Thái Lan vào năm 2024.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc được thúc đẩy một phần bởi nhu cầu phải vượt qua các hạn chế thương mại do Mỹ áp đặt, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

"Các công ty Trung Quốc đang cố gắng tìm kiếm cơ hội ở mọi thị trường tiềm năng," Nardone giải thích.

Ông cho biết có tới 40% khách hàng của WHA trong 3 năm qua đến từ Trung Quốc và Đài Loan.

Thái Lan cũng cung cấp một chuỗi cung ứng phát triển tốt mà những nhà đầu tư mớ có thể dễ dàng tận dụng. "Tất cả đến đây đều muốn sử dụng các nhà cung cấp Thái Lan cho các bộ phận kim loại, ghế ngồi, hệ thống nội thất, nhựa," Nardone nói.

Thái Lan chắc chắn đang trải thảm chào đón nhà đầu tư Trung Quốc. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha rất muốn chứng tỏ rằng nền kinh tế Thái Lan đang hiện đại hóa trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 5 tới.

"Chiến địa" nơi 2 nền kinh tế hàng đầu châu Á cạnh tranh

Thái Lan cũng nhận thức được sự cạnh tranh từ các đối thủ trong khu vực. Nước này có lượng vốn FDI cam kết lớn hơn Indonesia hay Việt Nam, nhưng xét về khoản đầu tư mới, Thái Lan đã bị các nước láng giềng vượt xa kể từ năm 2014.

Ngoài ra, Thái Lan phải đối mặt với bất lợi về nhân khẩu học. Quốc gia này có 71 triệu dân so với 97 triệu của Việt Nam và 273 triệu của Indonesia.

Thái Lan cũng là quốc gia có dân số già nhất ở Đông Nam Á, sau Singapore, và xu hướng này dự báo sẽ còn kéo dài. Một số chuyên gia cảnh báo nếu không có nguồn cung lao động mới và quy mô thị trường lớn hơn, vị thế của Thái Lan trong khu vực có thể gặp nguy hiểm.

Nhưng điều đó dường như không ngăn cản hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đổ tiền vào nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô.

"Sự cạnh tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc có thể sẽ trở nên khốc liệt hơn khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chuyển sản xuất sang Thái Lan để hạn chế tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung," Hajime Yamamoto, nhà phân tích ô tô tại Viện nghiên cứu Nomura có trụ sở tại Bangkok, dự đoán.

Đối với các công ty là một phần của chuỗi cung ứng ô tô Nhật Bản, tình hình trên mang lại rủi ro nhưng cũng là cơ hội đối với họ.

Tại nhà sản xuất phụ tùng ô tô Denso, Naoto Inuzuka - Giám đốc điều hành - đang theo dõi sát sao bối cảnh cạnh tranh đang thay đổi nhanh chóng.

Nhưng ông cũng nhìn thấy một cơ hội đầy tiềm năng. “Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô mới gia nhập thị trường,” ông nói thêm, đề cập đến các nhà đầu tư mới như BYD, Great Wall, SAIC và Foxconn.

Inuzuka nói rằng Denso đang chuẩn bị để có thể đáp ứng nhu cầu từ các nhà sản xuất xe điện ở Thái Lan, theo đó ông dự kiến họ sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2024 - 2025, dù ban đầu ở quy mô nhỏ.

Các nhà đầu tư Nhật Bản khác vẫn đang đặt cược lớn vào Thái Lan.

Vào tháng 11, Sony đã tiết lộ kế hoạch mở rộng sản xuất tại một nhà máy chip ở phía bắc Bangkok với nguồn vốn đầu tư tăng 70% và mở rộng số lượng nhân viên từ 1.000 lên 3.000 vào năm 2024. Nhà máy này sản xuất các cảm biến hình ảnh được sử dụng trong các hệ thống lái xe tự động.

Trong khi đó, Honda Motor đã công bố vào tháng 11 rằng họ có kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt xe SUV chạy hoàn toàn bằng điện ở Thái Lan vào năm 2023. Hãng sản xuất ô tô và xe máy ở Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ, nhưng chỉ có các cơ sở nghiên cứu và phát triển ở Thái Lan.

Yamamoto, chuyên gia về xe ô tô, cho biết các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản không muốn đi quá nhanh. Ông nói: “Thời đại của xe điện sẽ đến. Hy vọng của họ là sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp đủ dài để có thể tích lũy đủ vốn cho các khoản đầu tư mới."

Nhưng những người khác cho rằng thời gian không chờ đợi ai.

Stanley Kang, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Nước ngoài ở Thái Lan, người điều hành một doanh nghiệp sạc pin cho xe điện, cho biết: “Điều quan trọng là phải thực hiện bước đi đầu tiên”.

Ông đề cập đến công nghiệp điện thoại thông minh là một ví dụ. “Ngày nay, chỉ có Apple, Huawei và Samsung - không thương hiệu nào khác có thể hấp dẫn được khách hàng. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng bất cứ ai tham gia thị trường sớm hơn có thể nắm bắt được thị phần và củng cố hình ảnh thương hiệu của họ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại