Quốc gia chiếm hơn 20% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu bỗng rút khỏi thỏa thuận quan trọng, giá lương thực thế giới chịu áp lực tăng giá mới

Khánh Vy |

Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc là một đòn giáng mạnh vào thị trường lương thực vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Quốc gia chiếm hơn 20% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu bỗng rút khỏi thỏa thuận quan trọng, giá lương thực thế giới chịu áp lực tăng giá mới - Ảnh 1.

Hôm thứ Hai (17/7), Nga cho biết sẽ không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian vào tháng 7/2022 là một bước đột phá ngoại giao hiếm hoi được thiết kế để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết hôm 17/7: “Hôm nay là ngày cuối cùng của thỏa thuận ngũ cốc. Khi các phần tương ứng vì lợi ích của Nga được hoàn thành, Nga sẽ quay trở lại thỏa thuận”.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã nhiều lần được gia hạn trong thời gian ngắn, trong bối cảnh Nga ngày càng bất bình về những hạn chế được cho là hạn chế xuất khẩu đầy đủ ngũ cốc và phân bón của họ.

Giá lúa mì, ngô và đậu tương đều tăng sau thông tin thỏa thuận không được gia hạn. Hợp đồng tương lai lúa mì đã tăng 3% vào thứ Hai (17/7) và đạt mức cao nhất là 689,25 cent/giạ, mức cao nhất kể từ ngày 28/6. Tuy nhiên, giá lúa mì vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất 1.177,5 cent/giạ đạt được vào tháng 5/2022.

Quốc gia chiếm hơn 20% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu bỗng rút khỏi thỏa thuận quan trọng, giá lương thực thế giới chịu áp lực tăng giá mới - Ảnh 2.

Diễn biến giá lúa mì trong 1 năm qua

Hợp đồng tương lai ngô tăng vọt lên mức cao 526,5 cent/giạ, trong khi giá đậu tương tăng lên mức cao 1.388,75 cent/giạ.

“Sự sụp đổ của Thỏa thuận Biển Đen là một đòn giáng mạnh đối với các quốc gia tìm nguồn cung ứng lúa mì rẻ hơn của Ukraine. Trong chu kỳ thu hoạch vừa qua và hiện tại, Nga là nhà cung cấp lớn nhất thế giới khi xuất khẩu khoảng 45 triệu tấn”, Simon J. Evenett, chuyên gia về thương mại toàn cầu và là giáo sư kinh tế tại Đại học St. Gallen cho biết.

Áp lực tăng giá lương thực

Peter Ceretti, nhà phân tích của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho rằng, việc đình chỉ thỏa thuận có thể sẽ không kích hoạt một đợt lạm phát lương thực toàn cầu và gây bất ổn mới trong thời gian tới.

“Các chuyến hàng ngũ cốc của Nga sẽ tiếp tục và sự sụp đổ của thỏa thuận sẽ không ngăn chặn hoàn toàn các chuyến hàng của Ukraine qua Biển Đen hoặc những chuyến hàng qua châu Âu. Tuy nhiên, trong tương lai, việc kết thúc thỏa thuận ngũ cốc sẽ gây thêm một số áp lực tăng giá lương thực khác, chẳng hạn như hạn hán ở châu Âu và sự khởi đầu của hiện tượng thời tiết El Nino. Các thị trường bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự sụp đổ của thỏa thuận sẽ là các quốc gia ở Bắc Phi và Levant nhập khẩu khối lượng lớn ngũ cốc từ khu vực Biển Đen”, ông cho biết.

Kể từ khi được ký kết vào tháng 7/2022, Liên Hợp Quốc cho biết Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã cho phép hơn 32 triệu tấn lương thực được xuất khẩu từ ba cảng Biển Đen của Ukraine là Odesa, Chornomorsk và Pivdennyi đến 45 các quốc gia trên toàn thế giới.

Chính vì lý do này mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã mô tả thỏa thuận này đóng một “vai trò không thể thiếu” trong an ninh lương thực toàn cầu.

Quốc gia chiếm hơn 20% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu bỗng rút khỏi thỏa thuận quan trọng, giá lương thực thế giới chịu áp lực tăng giá mới - Ảnh 3.

Giá lương thực có nguy cơ tăng cao

Đầu tháng 7, ông Guterres cho biết thỏa thuận “phải tiếp tục” vào thời điểm xung đột, khủng hoảng khí hậu, giá năng lượng và các yếu tố khác làm ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng chi trả lương thực, trong khi 258 triệu người phải đối mặt với nạn đói ở 58 quốc gia trên toàn thế giới.

Carlos Mera, người đứng đầu thị trường hàng hóa nông nghiệp tại ngân hàng Rabobank cho biết, trong khi các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho việc thỏa thuận bị hủy bỏ, việc Nga rút khỏi thỏa thuận là "một đòn giáng" vào thị trường.

Sáng kiến này đã hỗ trợ ổn định giá cả và ngăn chặn tình trạng thiếu hụt trên khắp thế giới đang phát triển.

“Ukraine hiện sẽ buộc phải xuất khẩu hầu hết các loại ngũ cốc và hạt có dầu của mình qua biên giới đất liền và các cảng sông Danube. Điều này sẽ làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển và gây thêm áp lực lên lợi nhuận của nông dân Ukraine. Hiệu ứng dây chuyền của việc này là nó có thể khiến họ trồng ít hơn trong mùa tới, gây thêm áp lực lên nguồn cung trong tương lai”, ông cho biết.

Ngoài ra, sự phát triển này có nghĩa là các nước có thu nhập thấp ở châu Phi và Trung Đông có thể sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào lúa mì của Nga - quốc gia chiếm hơn 20% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.

Tham khảo: CNBC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại