Quốc gia 1 năm tàu chỉ trễ 54 giây-Việt Nam nhiều lần đề nghị hỗ trợ làm đường sắt tốc độ cao 58 tỷ USD

Thiên Sơn |

Trong nhiều cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản, lãnh đạo Việt Nam luôn ưu tiên, đề cập đến việc đề nghị phía bạn hỗ trợ xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp ODA dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam

Quốc gia 1 năm tàu chỉ trễ 54 giây-Việt Nam nhiều lần đề nghị hỗ trợ làm đường sắt tốc độ cao 58 tỷ USD - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko hôm 10/10- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mới đây, vào ngày 10/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Bà Kamikawa Yoko, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản đang thăm Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao; đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp ODA thế hệ mới cho các dự án hạ tầng quy mô lớn của Việt Nam như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.

Về một số dự án hợp tác còn gặp vướng mắc như dự án Bệnh viện Chợ Rẫy 2, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Tuyến đường sắt đô thị tại TP. Hồ Chí Minh…, Thủ tướng đề nghị hai bên nghiên cứu thành lập tổ công tác liên Chính phủ để tiếp tục tháo gỡ.

Đây không phải lần đầu Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra lời đề nghị liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam với phía Nhật. Hơn một tháng trước, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã có cuộc gặp tại Thủ đô Jakarta, Indonesia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản cùng phối hợp triển khai hiệu quả các dự án hợp tác kinh tế, dự án viện trợ phát triển (ODA), trong đó có việc nghiên cứu khả năng hỗ trợ Việt Nam phát triển dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM.

Quốc gia 1 năm tàu chỉ trễ 54 giây-Việt Nam nhiều lần đề nghị hỗ trợ làm đường sắt tốc độ cao 58 tỷ USD - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 6/9 tại Thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: VOV

Cũng liên quan đến việc thúc đẩy việc phát triển dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, trước đó, ngày 13/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi và đưa ra đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Trong khi đó, vào giữa năm 2022, Thủ tướng cũng từng nêu đề xuất này với ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC)...

Nhật Bản ngỏ ý hợp tác với Việt Nam làm đường sắt tốc độ cao

Cuối năm 2022, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng có buổi làm việc với ông Yamada Takio - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam và ông Shimizu Akira - Trưởng Đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam.

Quốc gia 1 năm tàu chỉ trễ 54 giây-Việt Nam nhiều lần đề nghị hỗ trợ làm đường sắt tốc độ cao 58 tỷ USD - Ảnh 3.

Một tuyến đường sắt tốc độ cao tại Nhật Bản. Ảnh: Central Japan Railway Company

Tại buổi làm việc trên, ông Yamada Takio cho biết, phía Nhật Bản rất quan tâm đến Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ.

Về phía Bộ GTVT, ông Thắng mong muốn Đại sứ quán Nhật Bản sẽ chia sẻ thông tin về các dự án đường sắt trên của Việt Nam tới các doanh nghiệp Nhật Bản, hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ cũng như cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản về vấn đề này.

"Nhật Bản là một trong những nước rất phát triển về lĩnh vực đường sắt. Việt Nam mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xây dựng và khai thác hệ thống đường sắt", ông Thắng nói.

Hiện Nhật Bản là đối tác hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ ODA song phương số 1, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư thứ 3, đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam. Nhiều công trình, dự án của Việt Nam có sự hỗ trợ của Nhật Bản.

Nhật Bản đi đầu thế giới về phát triển tàu cao tốc- 1 năm trung bình chỉ trễ 54 giây

Nhật Bản có một hệ thống đường sắt chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 27.000km. Tính đến năm 2021, trung bình mỗi năm đường sắt Nhật Bản chuyên chở 22,65 tỷ lượt hành khách. Nếu chia đều cho 125 triệu dân, bình quân mỗi người dân đi 200 chuyến tàu/năm. Gần 60% lượng hành khách đường sắt là di chuyển gần hoặc trong phạm vi trung tâm những đô thị lớn.

Theo thống kê, Nhật Bản hiện có hơn 8.500 nhà ga đường sắt. Đáng chú ý, trong danh sách 50 nhà ga đông đúc nhất thế giới có tới 44 ga tại Nhật Bản.

Quốc gia 1 năm tàu chỉ trễ 54 giây-Việt Nam nhiều lần đề nghị hỗ trợ làm đường sắt tốc độ cao 58 tỷ USD - Ảnh 4.

Chuyến tàu Shinkansen thương mại tốc độ cao đầu tiên – ở Tokyo, Nhật Bản khởi chạy vào tháng 10/1964, thời điểm đó, đây là chuyến tàu nhanh nhất và tiên tiến nhất trên thế giới. Ảnh: Central Japan Railway Company

Theo TS. KTS Tô Kiên (Chuyên gia Quy hoạch và Nghiên cứu đô thị tại Nhật Bản), Nhật Bản luôn đi đầu thế giới về phát triển tàu cao tốc. Lần "đầu tiên thế giới" thứ nhất là vào năm 1964 khi tàu shinkansen tốc độ tối đa 220km/h ra đời, và giờ đã tăng lên 320km/h.

Shinkansen tiện lợi đến mức dù đắt hơn máy bay nhưng vẫn được ưa chuộng bởi tần suất chuyến chỉ chừng 20 phút, giờ giấc linh hoạt, điểm đi và đến đều trong trung tâm đô thị.

Đường sắt Nhật cũng nổi tiếng về độ đúng giờ "khủng". Năm 2017, một câu chuyện lan nhanh trên truyền thông quốc tế khi công ty vận hành tuyến Tsukuba Express đăng trên trang chủ lời xin lỗi hành khách vì đã khởi hành một chuyến tàu chậm mất... 20 giây.

Theo thống kê, tổng thời gian trễ tàu trung bình ở Nhật chỉ vỏn vẹn 54 giây trong một năm. Tàu xe đúng giờ chính là một yếu tố giúp tạo nên tác phong công nghiệp cho người dân.

Nhật Bản cũng từng thử nghiệm loại tàu siêu tốc từ khoảng cuối 2015, trong đó kỷ lục đạt được là 603 km/h và tàu chạy trên 600 km/h trong khoảng 11 giây.

Quốc gia 1 năm tàu chỉ trễ 54 giây-Việt Nam nhiều lần đề nghị hỗ trợ làm đường sắt tốc độ cao 58 tỷ USD - Ảnh 5.

Nhật Bản đã thử nghiệm chạy thành công tàu siêu tốc với tốc độ đạt tới 603km/h, dự định đưa tàu vào khai thác năm 2027, với tốc độ khoảng 500 km/h cho tuyến Tokyo-Nagoya dài khoảng 350 km. Ảnh: Central Japan Railway Company

Đây không phải là loại tàu chạy trên đường ray bằng bánh như thông thường, mà nó chạy trên một loại đệm từ trường. Dưới gầm tàu và trên đường ray gắn những từ trường âm, dương liên tục, khiến loại tàu này bay trên đường ray ở khoảng cách 10 cm.

Loại tàu này như một máy bay trong khuôn khổ. Nhật dự định đưa tàu vào khai thác năm 2027, với tốc độ khoảng 500 km/h cho tuyến Tokyo-Nagoya dài khoảng 350 km.

Tại Việt Nam, Nhật Bản đã tham gia xây dựng tuyến đường sắt đô thị. Cụ thể tại TP HCM, trong số 8 tuyến đường sắt đô thị (metro) TP.HCM mà Thủ tướng phê duyệt, Nhật Bản tài trợ vốn ODA và tham gia hỗ trợ phát triển nhiều dự án quan trọng.

Trong đó, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sử dụng nguồn vốn vay ODA do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và vốn đối ứng ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư hơn 47.325 tỉ đồng (tương đương hơn 236 tỉ yên Nhật), dự kiến hoàn thành và khai thác thương mại cuối năm nay.

Quốc gia 1 năm tàu chỉ trễ 54 giây-Việt Nam nhiều lần đề nghị hỗ trợ làm đường sắt tốc độ cao 58 tỷ USD - Ảnh 6.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sử dụng nguồn vốn vay ODA do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ chạy thử nghiệm toàn tuyến hồi cuối tháng 8. Ảnh: Phùng Tiên

Chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc từng được trình Quốc hội vào tháng 6/2010 song không được thông qua. Đầu năm 2022, báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ và đang được Hội đồng thẩm định nhà nước xem xét.

Lần này, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dài 1.559 km, tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/h; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách; còn đường sắt Bắc Nam quốc gia hiện nay được cải tạo để chở hàng.

Tổng mức đầu tư dự kiến trên 58 tỷ USD (tương đương 1,3 triệu tỷ đồng). Giai đoạn một (trước năm 2030) sẽ đầu tư hai đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang, tổng mức đầu tư khoảng 112.000 tỷ đồng.

Đơn vị tư vấn tính toán đoàn tàu khai thác tốc độ 320 km/h đi từ Hà Nội đến Vinh mất một giờ, trong khi di chuyển bằng đường hàng không bao gồm thời gian bay, kiểm tra an ninh sẽ mất 3 giờ. Đường sắt đi trên chặng Hà Nội - Nha Trang là 4,2 giờ, tương đương đi máy bay và làm thủ tục khoảng 4,5 giờ; chặng Hà Nội - TP HCM là 5,5 giờ, dài hơn máy bay chỉ một giờ.

Tuy nhiên, tháng 11/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Giao thông Vận tải thống nhất nghiên cứu đường sắt tốc độ cao Bắc Nam vừa chở khách, vừa chở hàng, tốc độ thiết kế 250 km/h, khai thác 180-225 km/h.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại