Cảnh tan hoang, đổ nát của những ngôi nhà trong vụ sạt lở.
Vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra sáng 11/10, ở thôn Tân Hà, xã Đại Lãnh. Khoảng 6h30, hàng trăm mét khối đất đá sạt lở từ đồi Thượng Đức dội xuống nhà của bà Đỗ Thị Thanh Hóa nằm ngay dưới chân đồi. Đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng sạt lở ở thôn.
Thời điểm này, bà Hóa cùng cháu ngoại đã đến nhà con trai phụ giúp dọn đồ đạc do nước lũ đang lớn. Bà dự tính dọn xong sẽ đưa các cháu về lại ngôi nhà của mình ở, bởi nơi đây vị trí khá cao, không bị ngập lụt.
Tuy nhiên, vụ sạt lở đã xảy ra trước khi bà về đây, đất đá đổ xuống “nuốt chửng” toàn bộ ngôi nhà cao khoảng 4m, chỉ còn nhìn thấy phần mái.
Phía dưới nhà bà Hóa vài mét, nhà của ông Ngô Linh cũng bị đất đá đổ xuống làm sập tường. Bà Ngô Thị Yến (con gái ông Linh) cho biết, trước đó cha bà đã đi bệnh viện điều trị bệnh dài ngày, con cái đi làm xa nên nhà không có ai. Bà Yến nhà ở gần đó, sáng hôm xảy ra vụ việc, bà nghe tin chạy đến thì thấy ngôi nhà của cha mình đã tan tành, đổ nát.
“Do đất ở vị trí cao nên những năm trước, các hộ thấp lụt thường xin vào nhà cha tôi tá túc. Hôm đó cha tôi đang nằm bệnh viện, nhà đóng cửa nên không ai xin ở nhờ, nếu không chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra”, bà Yến nói.
Bên cạnh hộ ông Linh, nhà bà Huỳnh Thị Lài cũng không khá hơn. Lớp đất đá dội sập cửa sổ rồi đổ tràn vào nhà.
Phía sau nhà bếp cũng bị chôn vùi. “Hôm đó nghe ầm ầm phía sau, 2 vợ chồng tôi chạy đi nơi khác nên may mắn không ai bị gì”, bà Lài bàng hoàng kể.
Nặng nhất là hộ của ông Lê Văn Cảm, với hàng chục mét khối đất đá bên trong. Sáng hôm đó, khi nghe tiếng động lớn phát ra từ phía sau nhà, linh tính có chuyện chẳng lành, ông đi kiểm tra thì phát hiện sạt lở vùi lấp nhà bà Hóa.
Tức tốc, ông chạy về nói mọi người trong gia đình di chuyển ra bên ngoài. Lúc này, trong nhà có cô con gái vừa mới sinh. Bà Lê Thị Nga (vợ ông Cảm) vội bồng cháu ngoại chạy đi nơi khác. Khi bà quay lại cùng chồng và hàng xóm để đưa tài sản ra thì đất đá đã dội sập tường, chôn vùi toàn bộ đồ đạc bên trong.
“May mắn chạy ra kịp nên không có ai bị gì. Tài sản mất hết, nhưng giữ được mạng sống cũng là may mắn lắm rồi ”, bà Nga bần thần nói.
Theo quan sát của phóng viên, lớp đất đá tràn vào nhà ông Cảm cao gần chạm nóc. Hai ngày qua, khi lũ rút, mưa tạnh, ông cùng người thân đào bới, tìm tài sản còn dùng được đưa ra ngoài. Những ngày qua, gia đình ông Cảm phải sang tá túc ở phòng trưng bày của một khu di tích gần đó.
Bà Trương Thị Minh Phương (Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh) cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn có 1.600 ngôi nhà bị ngập, trong đó có nhà ngập sâu đến 3m. Đợt mưa lũ còn làm 3 người bị thương, 8,5ha ngô bị ngập nước và 5 nhà bị sập, hư hỏng hoàn toàn do sạt lở.
“Ngay khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đoàn thể di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Chúng tôi đã báo cáo lên huyện để có phương án hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại”, bà Phương nói thêm.