Vấn nạn tin giả không chỉ xảy ra ở ta, nơi mà dân trí lẫn "phây trí" chưa cao mà nó còn xảy ra ở khắp nơi trên thế giới.
Nhiều chính phủ đã áp đủ mọi loại hình phạt nhằm ngăn chặn tin giả. Cả chính Facebook, Google cũng tự tạo ra nhiều thuật toán cũng như hệ thống giúp người dùng phản ánh, cảnh báo, thông tin trở lại với những tin tức giả.
Cuộc chiến chống tin giả ấy vẫn đang tiếp diễn và sẽ còn nóng nữa. Và ở ta, tôi nghĩ, chắc phải có ai đó vướng vòng lao lý vì phát tán tin giả thì "phây trí" mới được nhận thức đầy đủ mất!
Tin giả là những tin tức dàn dựng, bịa tạc nhằm mục đích lôi kéo, thu hút sự quan tâm của số đông công chúng để qua đó họ truyền đi một thông điệp mà đa phần là để… quảng cáo một sản phẩm hay tăng độ hot cho chính Facebook của họ. Là ở ta thế.
Cuộc chiến chống tin giả ấy vẫn đang tiếp diễn và sẽ còn nóng nữa. (Ảnh minh họa)
Các lớp học về viral content đang mọc lên như nấm sau mưa. Có nhiều lớp học, họ không dạy thế nào là một nội dung tốt có thể lan truyền nhanh, mà họ dạy cách làm thế nào để tạo ra một tin tức giả và lan truyền nó.
Thậm chí, cụm từ hot "xử lý khủng hoảng truyền thông" cũng được sử dụng cho việc làm thế nào khi tin giả bị phát hiện mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản phẩm mà mình quảng cáo thông qua tin giả ấy.
Có hẳn những đội ngũ chuyên xào xáo, chế biến tin tức. Có hẳn những trang web có tên lẫn hình thức na ná những trang tin chính thống chuyên để chỉ đăng những tin tức giả. Kẻ tung tin giả bày ra trăm phương ngàn kế để tin giả ấy lừa được càng nhiều người càng tốt.
Nhiều fanpage được lập ra, câu like, câu lượt theo dõi bằng những tin tức giả như thế. Thậm chí giả từ chính tin thật. Như những tin tức gần đây về các vụ mất tích nghi là bị bắt cóc.
Ngay cả khi báo chí chính thống đưa tin về sự thật rằng không phải bị mất tích hay bị bắt cóc thì họ cũng không quan tâm. Thứ họ quan tâm luôn chỉ là những thứ khiến cho người đọc phải hoang mang, sợ hãi mà share, mà tương tác vào đấy.
Rất nhiều thông tin bắt cóc giả được tung lên mạng xã hội thời gian gần đây. (Ảnh chụp màn hình)
Cũng như một dạng "y học sợ hãi", cứ đi khám là ra bệnh, cứ đi xem bói là ra ma, cứ quét nhà là sẽ ra rác… tin tức cũng được xào nấu, cắt cúp, chỉnh sửa theo dạng gây sợ hãi, hoang mang như thế. Làm cho người ta nghi ngờ vào sự tốt đẹp có thật bởi con người dễ dàng tin vào điều xấu xa hơn.
Tin tức giả càng tiêu cực bao nhiêu, càng đáng sợ bao nhiêu càng dễ được lan truyền bấy nhiêu, "được nhớ" hơn. Nó huỷ hoại không chỉ cảm xúc lúc đó của người đọc mà nó còn khiến cho về lâu dài, người đọc nhiều tin dạng đó sẽ mất dần lòng tin vào cuộc sống và kể cả với chính bản thân họ.
Mà trên mạng xã hội, số người u uất dường như đông đảo hơn cả số người lạc quan, hệ luỵ từ những cái share bằng đôi mắt nhắm chặt vì sợ hãi.
Chúng ta đều kêu gọi đừng im lặng, hãy lên tiếng với cái xấu để tiêu diệt cái xấu. Tôi đồng ý! Tôi cũng luôn dùng cách đó để phản ứng với những kẻ như Minh Béo hay những vụ quan tham. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta lên tiếng kể cả với những thứ mà chúng ta không biết chắc.
Tin giả vốn dựa vào tâm lý đó để kích động chúng ta. Và kết quả, chúng ta, nếu chỉ nhắm mắt nhắm mũi share về với tuyên ngôn đừng im lặng như thế, rất có thể, bạn sẽ bị "việt vị" khi phát hiện ra đó là tin không có thật. Bạn là nạn nhân của tin giả hay bạn sẽ trở thành đồng phạm, tiếp tay cho tin giả???
Màn dàn dựng cô gái rửa chân trong xô đựng nước pha trà ở quán nước vỉa hè đã để lại nhiều ảnh hưởng xấu xí. (Ảnh chụp màn hình).
Vụ quán trà đá bán nước rửa chân, vụ hai nữ sinh hiếp dâm đến chết nam sinh hay vô vàn những tin bịa tạc câu like, câu views khác rồi sẽ bị pháp luật xử lý, tất nhiên rồi, nhưng cái cách chúng ta thiếu tỉnh táo, nhắm mắt nhắm mũi share về tường nhà mình sẽ còn mang đến vô vàn những hệ luỵ khác.
Như quán trà đá kia bị ảnh hưởng tiêu cực, như hai nữ sinh nọ bị sốc, như những trường hợp tự tử vì không chịu nổi đàm tiếu của dư luận… Bạn đối diện thế nào với những nạn nhân của tin giả bạn đã share?
Lương tâm của bạn có thể thản nhiên coi đó là sự nhầm lẫn, thoái tội cho kẻ đã tung tin giả không? Và nếu đặt địa vị, là chính bạn, một hôm nào đó, là nạn nhân, bạn sẽ thế nào?
2 cô gái gặp nhiều khủng hoảng sau khi những thông tin sai sự thật được lan truyền trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)
Khẩu nghiệp là một nghiệp chướng, trong thời đại của mạng xã hội, hẳn sẽ có thứ nghiệp chướng nữa được tạo nên từ những cái share thiếu tỉnh táo thế này. Rồi còn chưa kể, bạn bè ta, đối tác của ta, thậm chí chỉ đơn giản, một vài người mới quen của ta xem những gì ta đưa lên Facebook của mình họ sẽ thấy điều gì ở ta?
Tôi vẫn nói nhiều trên chính Facebook của mình. Về việc like hạnh phúc để lây lan hạnh phúc. Share điều tốt đẹp để gửi nhiều hơn hương thơm qua gió vậy.
Là bởi nếu bạn biết việc mình chỉ để bản thân mình chìm đắm trong những điều tiêu cực không chỉ ảnh hưởng đến năng lượng trong con người bạn mà còn khiến cả những người thân của bạn thêm lo lắng cho bạn thì bạn có quyết định share điều tiêu cực lên Facebook của bạn không?
Nếu bạn biết rằng những lời cay nghiệt ta nói ra không thể giúp cuộc sống của chính chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, không khiến chúng ta cảm thấy ổn hơn thì bạn có nói ra những lời cay nghiệt không? Nếu bạn biết bực mình, xét cho cùng chỉ là tự làm mình bực, bạn có còn giữ sự bực mình trong lòng bạn không?
Dừng lại vài phút, kể cả vài giờ để đọc xem tin tức ấy có thật không, có đáng để share về tường nhà mình không, có làm cho cuộc sống của bạn và những bạn bè - gia đình đang theo dõi Facebook của bạn trở nên tốt đẹp hơn không?
Chậm lại một chút thôi có được không? Bạn cần bao nhiêu like để sống mỗi ngày??? Nếu như số like cho những gì bạn share không khiến bạn tốt đẹp hơn sao bạn cần phải tay nhanh hơn não????