Vũ khí Việt Nam tự sản xuất theo công nghệ hiện đại

Tuấn Vũ |

Để dần tự chủ nguồn cung vũ khí, Việt Nam đang nghiên cứu đầu tư sản xuất vũ khí quân sự hiện đại, giảm dần mua sắm ở nước ngoài.

Đây là khẳng định của Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Radar chống tàng hình RV-02

Trước tuyên bố của Trung tướng Võ Văn Tuấn, nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã sản xuất và thử nghiệm thành công radar chống tàng hình RV-02 theo công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay.

Hệ thống radar RV-02 ra đời với sự chủ động hoàn toàn về công nghệ thiết kế, chế tạo, gia công ở tất cả các khâu, dựa trên nền tảng sản phẩm RV-01 hợp tác thiết kế cùng với Belarus.

Những hạn chế của RV-01 đã được nghiên cứu và khắc phục cùng với những ứng dụng tiên tiến nhất trong công nghệ sản xuất radar. RV-02 đã đạt được nhiều bước đột phá về tính năng kỹ chiến thuật.

Hệ thống RV-02 tích hợp trên 2 xe thiết bị được thiết kế riêng để đảm bảo tính cơ động, trong đó chỉ có 2 xe ô tô và một số thiết bị cơ sở được nhập khẩu, còn lại, Viện Kỹ thuật Quân sự PK-KQ phối hợp cùng các đơn vị khác chủ động thiết kế và chế tạo, từ cơ khí đến phần mềm.

RV-02 sở hữu giàn anten có chiều dài 21,6m với 28 chấn tử được thiết kế và gia công với kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo phát hiện mục tiêu ở cự ly cách xa hàng trăm km trên mọi điều kiện địa hình và thời tiết khác nhau.

Trên giàn cố định các vị trí để lắp đặt cáp quang truyền sóng, đây cũng là một cải tiến quan trọng của RV-02 trong việc truyền tín hiệu vì cáp quang giúp quá trình truyền tín hiệu được tiến hành nhanh chóng và chính xác hơn nhiều so với hệ thống dây cáp cao tần như các đài radar cũ.

Với RV-02, quá trình phát, thu sóng được tối ưu hóa với 28 kênh xử lý số, tương đương với 28 chấn tử anten, cùng 28 khối thu - phát được thiết kế theo tiêu chuẩn.

Sự chủ động về công nghệ của RV-02 còn được thể hiện trong các thiết kế tối ưu về thân, bệ, cột.

Chiều cao của giàn anten RV-02 là 11m tính từ mặt đất, độ cao này đảm bảo cho hệ thống có thể bám bắt tốt nhất các mục tiêu trên không trong phạm vi hàng trăm km.

Tuy nhiên, với tốc độ quay 6 vòng/phút, hệ thống thân, bệ của radar được thiết kế với những tiêu chí đặc biệt.

Bệ radar có dạng xoay, đồng thời đảm bảo tính chắc chắn để đỡ được toàn bộ giàn anten có trọng lượng xấp xỉ 18 tấn.

Xe hiện sóng sắp xếp đơn giản với 3 máy tính, giống như một sở chỉ huy thu nhỏ, trong đó các hệ thống được sắp xếp theo phương án tích hợp để giảm tối thiểu diện tích và tăng tối đa hiệu quả sử dụng.

Cáp quang được sử dụng để thay thế cho các thường của các thế hệ radar cũ.

Theo đó, tốc độ truyền tín hiệu của radar đạt khả năng tối ưu, đồng thời hệ thống mạng LAN cũng được thiết kế với hiệu quả xử lý và giao tiếp tốt nhất giữa các bộ phận phối hợp trên RV-02.

RV-02 với sự tham gia của hệ thống thủy lực điều khiển tự động, có thời gian triển khai-thu hồi chỉ khoảng 10-15 phút, thấp hơn nhiều so với thời gian triển khai - thu hồi của các đài radar cũ là từ 45 phút - 1 giờ.

Quá trình vận hành của RV-02 rất đơn giản và hiệu quả.

Hệ thống thiết bị hiện đại giúp RV-02 đạt được các tính năng ưu việt như khả năng bám bắt các mục tiêu có diện tích phản xạ nhỏ hoặc sử dụng công nghệ tàng hình.

Radar RV-02
Radar RV-02

Sơn tàng hình

Thành công tiếp theo của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại là bước đầu sản xuất, thử nghiệm và tiến tới tự chủ trong công nghệ sản xuất sơn hấp thụ sóng radar.

Theo đó, Viện Hóa học-Vật liệu (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự) vừa nghiên cứu chế tạo thành công loại sơn hấp thụ sóng radar có ký hiệu PD/RAP-MEH sử dụng để sơn phủ các loại vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) nhằm giảm thiểu thiết diện phản xạ hiệu dụng, nâng cao khả năng ngụy trang của vũ khí trang bị kĩ thuật đối với các thiết bị trinh sát, phát hiện và điều khiển sử dụng bức xạ sóng radar trong dải băng X (từ 8 đến 12GHz).

Sơn PD/RAP-MEH được chế tạo từ loại vật liệu tổn hao tổ hợp điện từ tổng hợp trên cơ sở composit của polypyrol và bari ferit. Sơn có màu đen.

Một số thông số kỹ thuật chủ yếu của sơn PD/RAP-MEH gồm: Độ nhớt quy ước: 65; thời gian khô bề mặt: 2 giờ, thời gian khô cấp 1: 8 giờ; hàm lượng chất rắn 73,2%; độ cứng: 0,23; độ bền uốn: 2mm.

Khả năng hấp thụ sóng radar trong khoảng 8 đến 12GHz (ứng với độ dày màng sơn 1mm) lớn hơn 94%. Thời gian sống của sơn sau khi pha trộn từ 2,5 đến 3 giờ.

Nguyên liệu để sản xuất sơn hấp thụ sóng radar PD/RAP-MEH có thể chủ động trong nước, trong khi công nghệ chế tạo không quá phức tạp.

Qua thực tế cho thấy, sơn có thể ứng dụng tốt trong một số lĩnh vực với giá thành rẻ hơn so với sản phẩm nhập ngoại, nên việc sản xuất thành công có ý nghĩa rất quan trọng, cần tiếp tục mở rộng.

Được biết, làm chủ được công nghệ sơn tàng hình trên thế giới hiện nay chỉ có Mỹ, Nhật và Nga (thông tin được truyền thông Đài Loan đăng tải khi nói về việc Trung Quốc phát triển máy bay tàng hình nội địa).

Sơn hấp thụ sóng radar là loại vật liệu đặc biệt dùng để sơn phủ lên bề mặt các mục tiêu quân sự nhằm bảo vệ mục tiêu trước sự phát hiện, định vị của radar đối phương.

Quân đội nhiều nước rất chú trọng nghiên cứu sản xuất các loại sơn hấp thụ sóng radar mới thông qua thay đổi hệ chất kết dính; các chất độn dẫn điện, từ cũng như các tham số cấu trúc của màng...

Sơn hấp thụ sóng radar là một trong những biện pháp quan trọng để ngụy trang, tăng tính sống còn cho VKTBKT.

Nhiên liệu tên lửa

Ứng dụng công nghệ hiện đại được coi là thành công nhất của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam là việc các nhà khoa học thuộc Viện Thuốc phóng-Thuốc nổ (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã nghiên cứu chế tạo thành công thỏi nhiên liệu tên lửa hỗn hợp 9X195 trong điều kiện phòng thí nghiệm.

Đây là sản phẩm dùng cho động cơ hành trình tên lửa phòng không, có thành phần và các tính năng tương đương với sản phẩm cùng loại của nước ngoài.

Nhiên liệu tên lửa hỗn hợp được sử dụng phổ biến trong nhiều loại tên lửa từ tầm ngắn đến các loại tên lửa cấp chiến dịch, chiến lược.

Thành phần của nhiên liệu tên lửa hỗn hợp gồm chất cháy-kết dính, chất ô-xi hóa và các phụ gia năng lượng cao như bột nhôm, các chất nổ mạnh, phụ gia tốc độ cháy, phụ gia công nghệ.

Công nghệ sản xuất thỏi nhiên liệu tên lửa hỗn hợp rất phức tạp và luôn được các quốc gia giữ bí mật.

Vì vậy, việc nghiên cứu chế tạo thành công thỏi nhiên liệu tên lửa hỗn hợp 9X195 có ý nghĩa quan trọng, khẳng định năng lực từng bước làm chủ công nghệ hiện đại của đội ngũ các nhà khoa học kỹ thuật quân sự nước ta.

Thành công này đồng thời mở ra khả năng tự sản xuất các tổ hợp tên lửa phòng không, cũng như sửa chữa một số loại tên lửa hiện có trong trang bị của Quân đội Việt Nam.

Quá trình nghiên cứu, các tác giả đã hoàn thành việc xây dựng bộ tài liệu quy trình công nghệ chế tạo thỏi nhiên liệu tên lửa 9X195; bộ tài liệu kỹ thuật nghiệm thu sản phẩm; dây chuyền chế thử thỏi nhiên liệu 9X195...

Sản phẩm của đề tài có thể sử dụng để hỗ trợ công tác nghiên cứu, đào tạo, chế tạo thử nghiệm nhiên liệu tên lửa hỗn hợp và ứng dụng để sản xuất thỏi nhiên liệu tên lửa hỗn hợp quy mô phòng thí nghiệm.

Đồng thời còn phục vụ cho trang bị, thay thế một số thỏi nhiên liệu của động cơ hành trình tên lửa đang có trong trang bị, đồng thời tạo cơ sở cho việc thực hiện chế tạo loạt các thỏi nhiên liệu 9X195 thời gian tới.

Ngoài những ứng dụng thành công công nghệ hiện đại vào việc nội địa hóa phương tiện vũ khí nói trên, hiện nay Việt Nam cũng đã sản xuất thành công súng chống tăng SPG-9T2, UAV-02, nâng cấp tên lửa S-125-2TM...

Tàu đổ bộ Roro 5612.
Tàu đổ bộ Roro 5612.

Xuất khẩu quốc phòng

Không chỉ sản xuất phương tiện vũ khí phục vụ trong nước, bước đầu Việt Nam đã thành công với việc xuất khẩu phương tiện quân sự ra nước ngoài. Hiện nay, đóng 4 tàu đổ bộ Roro 5612 xuất khẩu sang Venezuela.

Tàu đổ bộ/hậu cần Roro 5612 có chiều dài 57,27m, rộng 12m, lượng giãn nước 600 tấn, tốc độ 10,4 hải lý/h. Khác với các tàu đổ bộ thông thường có thể tiến đến sát bờ biển để đổ bộ, tàu Roro 5612 chỉ có khả năng đổ bộ ở trên biển hoặc tại cái vị trí có cầu tàu thích hợp.

Thiết kế của tàu Roro 5612 thích hợp với việc làm tàu vận tải, tiếp tế cho các đảo.

Tàu Roro 5612 có thể mang theo các xe thiết giáp lội nước hạng nhẹ, tàu không có khả năng chuyên chở các loại xe tăng hoặc xe bọc thép hạng nặng.

Đặc biệt nhất là tàu Roro 5612 được thiết kế có khả năng chở theo số lượng lớn container.

Việc có khả năng chuyên chở các container giúp Roro 5612 có thể mang theo các bệ phóng tên lửa Club-K ngụy trang trong các container giống như container hàng hóa thông thường.

Hiện nay, ngoài việc thi công đóng 4 tàu Roro 5612 xuất khẩu, Việt Nam cũng đang gia công toàn bộ hệ thống ống cho 5 tàu chở quân khác cũng xuất khẩu sang châu Mỹ theo đơn đặt hàng của Tập đoàn Damen.

Việc hợp tác với tập đoàn Damen để đóng các tàu đổ bộ Roro 5612 hay các tàu tuần tra còn mở hướng cho công nghiệp đóng tàu Việt Nam phát triển các sản phẩm tàu quân sự như tàu pháo, tàu tên lửa, tàu vận tải…

Ngoài việc xuất khẩu tàu đổ bộ sang Venezuela, hiện nay Nhà máy Z189 của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã hạ thủy tàu cứu hộ tàu ngầm Dự án 8316 mang tên Besant cho Hải quân Australia.

Tàu Besant có lượng giãn nước 2.093 tấn, chiều dài 83m, chiều rộng 16m.

Hiện tại, nhà máy Z189 đang gấp rút hoàn thiện một tàu cứu hộ tàu ngầm cùng lớp nhưng có kích thước, trọng lượng lớn hơn Besant cho Hải quân Australia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại