Vũ khí Nga hội tụ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực

Chúc Sơn |

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn tại Syria có hiệu lực từ ngày 27/2, vũ khí Nga vẫn tiếp tục đổ vào Damascus.

Nga đổ vũ khí

Theo RT ngày 6/3, khu trục hạm Smetlivy của Hạm đội biển Đen đã rời thành phố cảng Sevastopol ở miền TâyNam nước Nga và tiến ra Địa Trung Hải thực hiện nhiệm vụ.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng, tàu khu trục Smetlivy dự kiến sẽ gia nhập lực lượng đặc nhiệm hải quân Nga tại khu vực này vào ngày 7/3.

Được biết, trước khi đến Syria lần này, hồi cuối năm 2015, chiến hạm Smetlivy đã được triển khai tới Địa Trung Hải và hoạt động gần bờ biển của Syria.

Ngày 13/12/2015, chiếc tàu này đã bắn cảnh cáo một tàu cá của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi tàu cá tiếp cận gần tàu khu trục trên biển Aegean.

Theo thông tin được Nga công khai, tàu khu trục Smetlivy đã phục vụ liên tục cho tới khi Liên bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991. Đến năm 1995, con tàu trải qua một đợt nâng cấp lớn và "tái ngũ" trong thành phần Hạm đội Biển Đen.


Khu trục hạm Smetlivy

Khu trục hạm Smetlivy

Chiến hạm Smetlivy sở hữu những thông số khá ấn tượng: lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.400 tấn và lên tới 4.390 tấn khi đầy tải; chiều dài 144 m; chiều rộng 15,8 m; thủy thủ đoàn 300 người.

Tàu được trang bị 2 động cơ COGAG (turbine khí kết hợp) với 4 turbine khí M8E có tổng công suất lên tới 96.000 mã lực (72.000 kW), cho tốc độ tối đa 38 hải lý/h (70 km/h).

Những trang bị trên giúp con tàu đạt tầm hoạt động khoảng 3.500 hải lý (6.480 km) khi chạy ở vận tốc 18 hải lý/h (33 km/h), hoặc 2.000 hải lý 3.700 km) nếu chạy với tốc độ 30 hải lý/h (56 km/h).

Vũ khí trang bị của Smetlivy gồm 1 pháo hạm nòng đôi AK-726 cỡ 76 mm, 2 ray phóng đôi của tên lửa phòng không SA-N-1 Volna (phiên bản hải quân của SA-3 Goa) với tổng cộng 32 tên lửa, 5 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, 2 bệ phóng rocket săn ngầm RBU-6000.

Sau khi hiện đại hóa vào năm 1995, tàu được bổ sung 2 cụm 4 ống phóng KT-184 của tên lửa hành trình chống hạm SS-N-25 Uran.

Vào tháng 8/2008, Smetlivy được điều động tham gia cuộc chiến tranh Nga - Gruzia trong thành phần lực lượng đặc nhiệm của Hạm đội Biển Đen với nhiệm vụ phong tỏa đường biển.

Sang năm 2009, con tàu được đưa lên sửa chữa lớn một lần nữa, quay lại phục vụ vào năm 2011 và tham gia cuộc tập trận hải quân Nga - Italia tại biển Địa Trung Hải.

Năm 2013, Smetlivy được gửi tới ngoài khơi bờ biển Syria để ngăn cản một cuộc tấn công của Hải quân NATO nhằm lật đổ chính quyền tổng thống al-Assad.

Smetlivy quay lại Syria vào tháng 9/2015, khi Nga quyết định tiến hành chiến dịch quân sự chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Tính đến thời điểm hiện tại, Smetlivy là khu trục hạm thuộc lớp Kashin cuối cùng còn phục vụ trong biên chế Hải quân Nga. Với gần 50 năm tuổi đời, đây cũng là một trong những khu trục hạm cao tuổi nhất trên thế giới vẫn đang hoạt động.

Được biết, ngay trước khi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria có hiệu lực (từ ngày 27/2), tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ của Hải quân Nga mang tên Zelyonyi Dol (số hiệu 107), thuộc lớp Buyan-M, có khả năng tấn công tên lửa hành trình Kalibr đã đến trợ chiến ở Syria.

Ngoài ra, Nga còn bất ngờ trang bị tên lửa đối hạm Kh-35U cho cường kích Su-34 - một quyết định mang nhiều dụng ý của Nga tại Syria khiến phương Tây bất an.

IHS Jane's cho rằng, đây là hình ảnh khá lạ khi từ trước đến nay, các máy bay chiến đấu của lực lượng Không quân Vũ trụ Nga tại Syria chỉ sử dụng các loại bom và tên lửa không đối đất để không kích các mục tiêu của IS trên đất liền.

Việc Nga trang bị tên lửa chống hạm trên Su-34 còn khá bất thường khi các mục tiêu IS ở Syria hoàn toàn nằm trong vùng nội địa và lực lượng này cũng không sử dụng tàu chiến.

Động thái này cho thấy, ngoài lực lượng Không quân Vũ trụ đóng tại sân bay Hmeymim, Nga còn đưa tàu chiến, trong đó nổi bật nhất là tuần dương hạm Varyag đến ngoài khơi Syria để bảo vệ các hoạt động của nước này trước cả mối đe dọa từ trên không và trên biển.

Việc Su-34 mang tên lửa chống hạm Kh-35U có thể là cách thức răn đe bất kỳ mối đe dọa từ tàu chiến nào đến các hoạt động của Nga ở Syria và nhất là với Thổ Nhĩ Kỳ (quốc gia bắn rơi Su-24 của Nga).

Lực lượng thân Mỹ sẵn sàng tấn công

Không chỉ Nga tăng cường lực lượng mà lực lượng thân Mỹ tại Syria cũng đã sẵn sàng khai hỏa bất chấp thỏa thuận ngừng bắn tại Syria đang có hiệu lực.

Theo nhận định của cựu nhân viên cơ quan tình báo MI6 của Anh, ông Alastair Crooke, thỏa thuận ngừng bắn tại Syria gần như sẽ không kéo dài được lâu và cuộc chiến dưới mặt đất sẽ chưa thể chấm dứt.

Theo ông Crooke - người còn được biết đến với vai trò cố vấn cho cựu Cao ủy phụ trách đối ngoại và chính sách an ninh Liên minh châu Âu Javier Solana (giai đoạn 1997 - 2003):

Các lực lượng do Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi hậu thuẫn ở Syria đang sử dụng thời gian ngừng bắn để tập hợp lực lượng, tái trang bị và chuẩn bị cho các đợt tấn công mới.

Ông Crooke chia sẻ: “Đây chỉ là một khoảng thời gian tạm nghỉ. Tôi không cho rằng đó là khởi đầu của sự kết thúc, mà là chuẩn bị cho một chương mới.

Họ làm điều này là bởi vì họ muốn tái vũ trang, để ngăn chặn sự tiến quân nhanh chóng của các lực lượng liên quân do quân đội Syria đứng đầu và để tạo cho họ vị thế trên các bàn đàm phán”.

Cụ thể, đối với quân nổi dậy, lợi thế đàm phán đang biến mất từng ngày. Nếu quân đội Syria tiến đến tỉnh Raqqa, thì họ sẽ gần như không còn gì. Rõ ràng, mục đích chính của các nhóm nổi dậy là ngăn chặn quân đội chính phủ tiến tới Raqqa.

Thực tế, quân đội Syria đã giành lại được quyền kiểm soát các cao nguyên chiến lược ở tỉnh Raqqa.

Cựu nhân viên tình báo Anh còn cho rằng, đây không chỉ là cuộc chạy đua tới Raqqa mà còn cả Mosul.

Nếu một lực lượng không phải do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn có thể giành được cả Raqqa và Mosul, nó sẽ chấm dứt ý tưởng thành lập một quốc gia Sunni tại Trung Đông nằm dưới sự ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại