Vũ khí hạt nhân cỡ lớn có còn đất dụng võ?

Thùy Dung |

"Nếu Mỹ hy vọng bảo lưu lực lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, họ phải tìm được một mô hình thay thế có hiệu quả, nếu không sẽ tiêu vong".

Trên đây là tiêu đề của bài viết "Tên lửa đạn đạo tầm xa Mỹ chắc chắn sẽ tiêu vong?" được trang Lợi ích quốc gia (Mỹ) đã đăng tải ngày 28/7.

Theo bài viết, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ngày càng khó chiếm vị trí quan trọng trong kho vũ khí của Mỹ. Tuy nhiên, độ chính xác của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Nga và Trung Quốc ngày càng nâng lên.

Vì vậy, Mỹ muốn bảo lưu được sự tồn tại và phát huy sức mạnh, buộc phải có thay đổi để mang lại tính hiệu quả.

Tuy nhiên tờ Bưu điện Washington lại có phân tích hoàn toàn khác khi cho rằng vũ khí hạt nhân cỡ lớn không còn thích nghi với chiến tranh hiện đại ngày nay.

Thay vì phát triển vũ khí hạt nhân có kích thước lớn, phần lớn các quốc gia hạt nhân đã và bắt đầu phát triển loại vũ khí hạt nhân có kích thước nhỏ gọn hơn rất nhiều, tờ Bưu điện Washington cho biết.

Vu khi hat nhan co lon co con dat dung vo?

Tên lửa hành trình Kh-101 có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Theo nguồn tin này, hiện Pakistan đang phát triển các vũ khí hạt nhân chiến thuật mang đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ. Các vũ khí này đủ nhỏ nhẹ để có thể được phóng từ các tàu chiến hay tàu ngầm.

Nếu Hải quân sở hữu đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ sẽ cho phép Pakistan bố trí phân tán vũ khí hạt nhân của họ trên cả đất liền cũng như trên biển, nhờ đó có thể duy trì khả năng hạt nhân tốt hơn.

Tờ Bưu điện Washington cho biết thêm, cơ sở để Pakistan tin vào tương lai có thể sở hữu những đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ là họ đã nhiều lần thử nghiệm tên lửa hạt nhân Babur.

Loại tên lửa được chế tạo trong nước này có thể tấn công mục tiêu trên biển và đất liền trong phạm vi 640 km.

Không chỉ Pakistan tập trung phát triển loại vũ khí này mà hiện nay một quốc gia Nam Á khác là Ấn Độ cũng đang phát triển vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ.

Được biết hiện nay Ấn Độ đang trong quá trình thử nghiệm loại tên lửa BrahMos mini (BrahMos-M) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân dành cho chiến đấu cơ.

Tổng Giám đốc BrahMos Aerospace, ông Sivathanu Pillai cho biết trọng lượng của BrahMos-M sẽ vào khoảng 1,5 tấn, chiều dài ước chừng 6 m, và đường kính 0.5 m. Nó có thể đạt tốc độ Mach 3,5, mang được đầu đạn hạt nhân 200 - 300 kg với tầm bắn tối đa 290 km.

Tên lửa Brahmos-M sẽ được thiết kế để mang trên các máy bay chiến đấu Su-30MKI và MiG-29. Tuy nhiên, phiên bản tên lửa này cũng có thể lắp đặt trên các máy bay chiến đấu khác của Không quân Ấn Độ, bao gồm máy bay Rafale và Mirage-2000 do Pháp sản xuất.

Theo ông Sivathanu Pillai: "Nhà sản xuất sẽ giảm trọng lượng của tên lửa để tiêm kích Su-30MKI có thể mang được 3 quả BrahMos-M. Trong khi máy bay MiG-29 có thể mang được 2 tên lửa BrahMos-M trong chiến đấu".

Dự kiến Ấn Độ sẽ có khoảng 40 máy bay Su-30MKI sử dụng phiên bản tên lửa BrahMos siêu nhỏ.

Vu khi hat nhan co lon co con dat dung vo?

Binh sĩ Triều Tiên đeo trước ngực những ba lô được cho là chứa vũ khí hạt nhân siêu nhỏ.

Dù không tiết lộ về chương trình vũ khí hạt nhân của mình nhưng Trung Quốc đã tuyên bố, khi nước này được trang bị tiêm kích Su-35 mua từ Nga, những tiêm kích này sẽ được trang bị loại vũ khí cỡ nhỏ mang đầu đạn hạt nhân.

Trước đây trong lịch sử phát triển vũ khí của mình, Liên Xô đã tạo ra không ít thiết kế vũ khí to lớn, đồ sộ và đi kèm đó là sức mạnh khủng khiếp - đoàn tàu chở tên lửa đạn đạo liên lục địa R-23 UTTKh Molodets là một trong những vũ khí đáng sợ đó.

Hệ thống tên lửa RT-23 UTTKh nặng tới 104,5 tấn, tổng chiều dài 23,3 m, đường kính thân 2,4 m, mang 10 đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập (MIRV). RT-23 UTTKh sử dụng phương thức phóng nguội, tên lửa được đẩy khỏi ống phóng rồi mới kích hoạt động cơ đẩy.

Để đảm bảo khả năng cung cấp lực đẩy cho tên lửa ở mọi địa hình phóng, RT-23 UTTKh có tầng phóng đầu tiên trang bị động cơ thay đổi véc-tơ lực đẩy giúp tối ưu gia tốc và giảm bộc lộ hồng ngoại khi phóng.

Tên lửa dùng phương thức dẫn đường quán tính hiệu chỉnh pha giữa nhờ hệ thống đạo hàng hình sao giúp bán kính lệch mục tiêu (CEP) ở tầm bắn tối đa (10.500 km) chỉ là 500 m.

Đến đầu năm 2000, người Mỹ và giới chức phương Tây mới thở phào nhẹ nhõm khi Nga buộc phải loại biên toàn bộ đoàn tàu tên lửa này theo hiệp ước START II. Tuy nhiên, đang có những thông tin về việc Nga muốn khôi phục những đoàn tàu tên lửa đáng sợ này.

Thông tin Nga khôi phục đoàn tàu tên lửa này được các chuyên gia nhận định không mang tính thực tế.

Bởi ngay từ khi đoàn tàu tên lửa này đang hoạt động, Nga đã nghiên cứu và cho ra đời tên lửa hành trình Kh-101 có kích thước nhỏ gọn hơn hệ thống RT-23 UTTKh rất nhiều nhưng có sức mạnh hủy diệt cực lớn.

Kh-101 là loại tên lửa hành trình chiến lược của Nga có tính năng rất cao, Kh-101 có thể mang đầu đạn thông thường nặng 400 kg và cả đầu đạn hạt nhân có tầm bắn lên đến 9.600 km.

Tên lửa Kh-101 có sai số mục tiêu chỉ 10 m, có khả năng bắn trúng các loại mục tiêu kích thước chỉ 2 - 3 m, bao gồm cả mục tiêu di động.

Với sức mạnh của tên lửa Kh-101, khi trang bị trên các oanh tạc cơ Tu-160 Blackjack và Tu-95MS Bear có tầm bay 12.500 km và 15.000 km sẽ có tầm tấn công lớn hơn cả những tên lửa đạn đạo liên lục địa khủng nhất hiện nay.

Rõ ràng các quốc gia hạt nhân đang tập trung vào phát triển vũ khí cỡ nhỏ, cho thấy loại vũ khí này có thể phát huy hiệu quả tác chiến cao so với những loại vũ khí có kích cỡ lớn trong chiến tranh hiện đại. Vì vậy nó có thể làm thay đổi cục diện trên chiến trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại