Với "ngựa thồ" L-410, VN có thể tạo cầu hàng không trên Biển Đông

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Với khả năng cất hạ cánh trên đường băng ở Trường Sa Lớn, L-410 có thể đảm nhận nhiệm vụ bổ sung lực lượng, tiếp tế vũ khí, trang bị cho lực lượng trên Biển Đông.

Gần đây các báo đồng loạt đưa tin Việt Nam có thể đã hoặc sẽ đặt mua máy bay vận tải quân sự L-410. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Alexandr Vondara vào tháng 3/2012, một website của Bộ Công thương Séc loan báo, Việt Nam đang đàm phán để mua 12 máy bay vận tải tầm ngắn L-410 của Cộng hòa Séc. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã ký với công ty chế tạo máy bay của Séc hợp đồng mua 4 máy bay L-410. Không quân Nga hiện đã sử dụng 7 chiếc L-410, điều này cho thấy sự vượt trội của L-410 so với các máy bay do Nga sản xuất.

Trong cuộc tập huấn năm 2013 của Quân chủng Phòng không - Không quân, cán bộ kỹ thuật ngành máy bay động cơ đã được nghiên cứu về L-410. Với động thái này, có thể thấy rằng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm các máy bay vận tải quân sự mới và đằng sau đó là một sự thay đổi sách lược hết sức đáng chú ý trên Biển Đông của Việt Nam.

	Việt Nam có khả năng mua thêm 12 chiếc máy bay vận tải L-410 của cộng hòa Séc

Việt Nam có khả năng mua thêm 12 chiếc máy bay vận tải L-410 của cộng hòa Séc

Như chúng ta đã biết, khoảng cách địa lý từ bờ biển đến hết vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam khá xa so với tốc độ của các tàu vận tải hải quân, do đó, việc xử lý các tình huống nảy sinh trên vùng biển đảo xa có thể không được kịp thời.

Để khắc phục vấn đề này, bên cạnh lực lượng tàu vận tải quân sự, Việt Nam cần thiết phải thành lập cầu hàng không từ đất liền tới Trường Sa để đảm bảo sự nhanh nhạy, kịp thời trong mọi tình huống.

Ưu điểm của đường không ngoài sự nhanh nhạy, kịp thời còn tránh được sự phong tỏa ngăn chặn của tàu chiến đối phương. Ngoài ra, việc mua sắm, duy trì một đội ngũ các tàu vận tải quân sự cũng tốn chi phí nhiều hơn so với các máy bay vận tải quân sự. Nhưng lựa chọn loại máy bay nào sẽ phù hợp với chiến lược này?

Trong không quân Việt Nam hiện nay có 6 chiếc máy bay vận tải An-26, loại máy bay này có tầm bay xa, tải trọng lớn nhưng chưa thể hạ cánh được trên sân bay ở Trường Sa. Loại máy bay duy nhất hiện nay của Không quân Việt Nam từng hạ cánh trên sân bay ở Trường Sa là M-28. Đây là loại máy bay thiên về tuần tra, giám sát biển.

	Máy bay trinh sát biển M-28 là loại máy bay duy nhất của Việt Nam từng hạ cánh ở sân bay trên quần đảo Trường Sa

Máy bay trinh sát biển M-28 là loại máy bay duy nhất của Việt Nam từng hạ cánh ở sân bay trên quần đảo Trường Sa

Yêu cầu đặt ra là một loại máy bay có tầm bay xa (khoảng cách tới Trường Sa tầm 600 km), có thể hạ cánh trên đường băng ngắn. Máy bay vận tải quân sự L-410UVP-E có tầm bay tới 1.400 km khi đầy nhiên liệu, tốc độ 380 km/h. Điểm nổi bật của loại máy bay này là có thể cất cánh trên đường băng ngắn 565 m với đầy đủ nhiên liệu (640 m với tải trọng tối đa), thậm chí trên đường băng chưa rải nhựa.

Với các thông số này, các máy bay vận tải L-410 có thể cất hạ cánh trên đường băng ở Trường Sa Lớn. Ngoài ra, giá thành của một máy bay L-410 loại phổ thông cũng chỉ tầm 2,6 triệu USD. Do vậy đây là một lựa chọn hợp lý với chiến lược biển của Việt Nam.

	Với khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn, thậm chí dã chiến L-410 có thể cất hạ cánh trên đường băng ở quần đảo Trường Sa

Với khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn, thậm chí dã chiến L-410 có thể cất hạ cánh trên đường băng ở quần đảo Trường Sa

Nếu được trang bị, với ưu điểm nhanh nhạy, kịp thời của đường không lực lượng L-410 sẽ đảm nhận các nhiệm vụ bổ sung lực lượng, tiếp tế vũ khí, trang bị, hậu cần cho các lực lượng trên Biển Đông. Ngoài ra, L-410 có thể thực hiện bay tuần tra, giám sát, dẫn đường, đảm bảo an ninh hàng hải và cứu hộ cứu nạn.

Bên cạnh đó, L-410 còn tham gia vận chuyển hành khách và hàng hóa ra Trường Sa nhằm kéo gần hơn nữa đất liền với đảo xa.

Phát huy ưu thế địa lý của mình, Việt Nam đang cho thấy một sách lược đúng đắn khi đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa không quân với các máy bay tiêm cường kích Su-30, máy bay tuần thám CASA-212, thủy phi cơ DHC-6,… Với đầy đủ chủng loại từ tuần tra giám sát, chiến đấu tới vận tải… không quân chính là lực lượng phản ứng nhanh, nhận nhiệm vụ đột kích ra đòn quyết định, sẵn sàng đẩy lùi mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại