Công ty này đang xem xét cung cấp dịch vụ bảo trì trực thăng chiến đấu Mi-8/17 tại cơ sở bảo trì chung Nga - Việt HELITECHCO.
Vào cuối năm 2015, tại cuộc họp lần thứ 17 của Ủy ban liên chính phủ Nga - Việt về hợp tác quân sự và công nghệ, hai bên đã lên kế hoạch cải thiện dịch vụ sau bán hàng cho máy bay trực thăng chiến đấu do Nga sản xuất.
Trực thăng Mi-8/17
Tổng Công ty Trực thăng Nga sẽ tiến hành kiểm toán kỹ thuật tại HELITECHCO để kiểm tra sự tuân thủ các tiêu chuẩn áp dụng cho các công ty bảo trì và sửa chữa Mi-8.
“Nếu kết quả kiểm tra thuận lợi, chúng tôi sẽ tiếp tục bảo trì các máy bay trực thăng dân sự Nga tại Việt Nam”, ông Igor Chichikov, Phó Giám đốc dịch vụ hậu mãi, Tổng Công ty Trực thăng Nga cho biết.
“Ngoài ra, trong khuôn khổ hợp tác giữa 2 bên, chúng tôi sẽ cân nhắc cung cấp dịch vụ bảo trì máy bay chiến đấu Mi-8/17 tại HELITECHCO, trong đó bao gồm cung cấp trang thiết bị và đào tạo nhân lực.”
Bên cạnh các hoạt động bảo trì máy bay trực thăng chiến đấu, phía Việt Nam còn quan tâm tới trực thăng đào tạo Ansat.
Cơ sở bảo dưỡng chung Nga - Việt HELITECHCO được thành lập vào năm 1994.
Kể từ khi thành lập, cơ sở này đã đại tu hơn 80 máy bay trực thăng dân sự cho chính phủ và cho các nhà khai thác thương mại đến từ Việt Nam, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Hiện tại, HELITECHCO là đơn vị bảo trì máy bay duy nhất ở Đông Nam Á được giám sát bởi Nhà máy Trực thăng Mil, nơi phát triển máy bay cánh quạt quay nổi tiếng Mil, trực thuộc Tổng Công ty Trực thăng Nga.
Được giới thiệu tại Triển lãm Hàng không Singapore 2016 (16 - 21/2/2016), ngoài trưng bày sản phẩm tại khu triển lãm của Tổng Công ty Trực thăng Nga, HELITECHCO còn tiến hành các hoạt động xúc tiến thương hiệu tại đây.
Đáng chú ý là nhân sự kiện này Nga cũng lần đầu tiên tiết lộ máy bay trực thăng Mi-171A2, như một phần trong chiến lược củng cố vị thế của Nga tại thị trường Đông Nam Á.
“Tốc độ phát triển các hạm đội tàu bay tại Đông Nam Á rất lớn. Củng cố vị thế của chúng tôi trên thị trường này là một trong những mục tiêu cốt lõi của Tổng Công ty Trực Thăng Nga.
Với hơn 900 trực thăng dân sự và quân sự Nga có mặt tại khu vực, dịch vụ bảo dưỡng và hậu mãi có nền tảng vững chắc để phát triển”, Alexander Mikheev, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Trực thăng Nga nhận xét.
Bên cạnh củng cố và mở rộng thị trường, công ty Nga còn không ngừng chú trọng tới phát triển và thử nghiệm các công nghệ mới.
Mới đây nhất, trực thăng không người lái cánh quạt nghiêng đầu tiên trên thế giới do công ty này chế tạo đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên.
Trực thăng cách quạt nghiêng có nhiều lợi thế hơn so với trực thăng cánh cố định và trực thăng cánh quay do có thể cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng trong không gian hạn chế trong khi có thể vận chuyển nhiều hàng hóa và người bằng tốc độ lớn hơn.
Đây là sản phẩm của phòng thiết kế công nghệ cao, thuộc Tổng Công ty Trực thăng Nga. Các công ty dầu khí và các cơ quan chức năng Nga đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc tới sản phẩm công nghệ cao này.
Tổng Công ty Trực thăng Nga, trực thuộc Tập đoàn Công nghệ Quốc gia Rostec - là nhà sản xuất hàng đầu trong ngành công nghiệp máy bay trực thăng toàn cầu và là nhà sản xuất và thiết kế máy bay trực thăng duy nhất của Nga.
Tổng công ty được thành lập vào năm 2007, đặt trụ sở chính tại Moscow. Công ty sở hữu 5 nhà máy lắp ráp, 2 văn phòng thiết kế, các cơ sở sản xuất và bảo dưỡng, nhà máy sửa chữa và công ty dịch vụ cung cấp và hỗ trợ hậu mãi tại Nga và nước ngoài.
Tổng Công ty đáp ứng nhu cầu của các bộ ban ngành, của các công ty lớn cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh thu năm 2014 tăng 22,8% lên 169,8 tỷ rúp với 271 máy bay trực thăng được lắp đặt và giao cho khách hàng.
Tập đoàn Công nghệ Quốc gia Nga Rostec thành lập vào năm 2007 để hỗ trợ thiết kế, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao cho mục đích dân sự và quân sự.
Tập đoàn bao gồm 663 đơn vị hiện chia thành: 9 công ty trong các ngành công nghiệp quốc phòng, 6 trong các ngành công nghiệp dân sự và 22 tổ chức trực tiếp quản lý bởi Rostec.
Các sản phẩm của tập đoàn Rostec bao gồm các nhãn hiệu nổi tiếng như AVTOVAZ, KAMAZ, Máy bay trực thăng Nga, VSMPO-AVISMA...
Các doanh nghiệp của Rostec được đặt trên 60 vùng lãnh thổ của Liên bang Nga và giới thiệu sản phẩm tới hơn 70 quốc gia. Tổng doanh thu của Rostec năm 2014 đạt mức 964,5 tỷ rúp, đóng góp vào ngân sách công 147,8 tỷ rúp.