Những năm gần đây ngoài việc lên lớp giảng dạy cho các đối tượng học viên, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa Thiết bị hàng không, Trường Sĩ quan Không quân luôn phát huy mạnh mẽ phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục đào tạo của nhà trường.
Tính từ năm 2011 đến nay, khoa Thiết bị hàng không đã biên soạn, biên dịch hàng chục cuốn tài liệu Su-22M4 và Su-30, nghiệm thu và đưa vào sử dụng 5 đề tài, sáng kiến cấp trường và Quân chủng, 2 đề tài cấp Bộ Tổng tham mưu.
Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã ra đời, giúp học viên được học tập sát với thực tế mà không phải tốn nhiều thời gian lên lớp.
Mô hình nguyên lý hoạt động của hệ thống khởi động động cơ máy bay Su-22M4 là một trong những đề tài giúp học viên học tập bám sát thực tế.
Có thể kể một số thành tựu gồm: Mô phỏng thiết bị buồng lái máy bay L-39, mô phỏng hoạt động của hệ thống đồng hồ hộp màng, hoạt động của hệ thống đồng hồ chân trời…giúp cho học viên nắm chắc được cấu tạo và nguyên lý làm việc của các thiết bị một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Đặc biệt sáng kiến mô phỏng quá trình điều khiển hoạt động của hệ thống tự động lái CAY-22 trên máy bay Su-22M4 của Đại uý Đỗ Tiến Lương; thiết bị mô phỏng hoạt động của hệ thống ô xy KKO-5 của Đại uý Lê Đức Lợi, có tính ứng dụng và được đánh giá cao.
Có thể nói, những phong trào phát huy sáng tạo trong quá trình đào tạo, huấn luyện, sử dụng các phương tiện khí tài hiện đại đang ngày càng có nhiều thành công, góp phần đảm bảo việc làm chủ công nghệ hiện đại của quân đội Việt Nam nói chung.
Riêng về các loại máy bay hiện đại trong biên chế quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay như Su-27, Su-30, Việt Nam đã có thể làm chủ được công nghệ sửa chữa lớn hoặc sửa chữa cục bộ.
Tiêu biểu, nhà máy A32, Quân chủng Phòng không không quân đã được trang bị dây chuyền công nghệ này, là cơ sở quan trọng đảm bảo lâu dài cho hoạt động hiệu quả, an toàn, có độ tin cậy cao của máy bay Su-27/30 và các thế hệ tiếp theo.
Gần đây, các kỹ sư của nhiều đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không không quân đã có một loạt các sáng chế nhằm sửa chữa các thiết bị sử dụng trên Su-27, Su-30, đặc biệt là phiên bản Su-30MK2.
Tiêu biểu như sửa chữa mũ phi công, chế tạo bộ biến điện nguồn 115V thành 27V dùng cho máy tạo áp phun dầu vào buồng đốt, ghế thoát hiểm Su-27... Nhà máy A42 còn có thể sửa chữa các thiết bị động cơ phản lực.