Việt Nam sẽ mua máy bay huấn luyện chiến đấu thế hệ mới L-39NG?

Bình Nguyên |

Trong chuyến công tác tới CH Séc, Thượng tướng Trương Quang Khánh - Thứ trưởng BQP đã thăm Công ty AERO Vodochody - nơi đang chế tạo máy bay huấn luyện phản lực thế hệ mới L-39NG.

Huyền thoại L-39 nức tiếng trên toàn thế giới và Việt Nam

L-39 lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1972 và nhanh chóng trở thành dòng máy bay huấn luyện phản lực được ưa chuộng nhất thế giới. Đã có khoảng hơn 2.800 chiếc được xuất xưởng, đến nay nhiều chiếc vẫn còn đang phục vụ trong không quân nhiều quốc gia.

Riêng Không quân Việt Nam hiện có tổng cộng khoảng 40 chiếc, gồm 24 chiếc L-39C đưa vào biên chế từ năm 1980 - 1981, đến năm 2003 - 2005 tiếp tục được bổ sung thêm hơn 10 chiếc L-39Z đã qua sử dụng nhưng được đại tu, sửa chữa lớn trước khi chuyển giao.

L-39 góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì vị thế là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á tự đào tạo được phi công chiến đấu phản lực. Hầu hết phi công, kể cả lái Su-27/30 của Việt Nam đều đã trải qua quá trình bay huấn luyện trên L-39.

Dòng máy bay này được đánh giá hết sức tin cậy, vận hành hoàn hảo, dễ bảo trì bảo dưỡng, chi phí trên mỗi giờ bay thấp, rất phù hợp với trình độ phi công, thợ kỹ thuật và điều kiện kinh tế của Việt Nam.

L-39 không chỉ nổi tiếng ở các nước Đông Âu và một số nước chịu ảnh hưởng của phe XHCN trong thập kỷ 1970 - 1980, mà sau này nó lại trở thành một dòng máy bay phản lực được các phi công dân sự của cả Mỹ và châu Âu hết sức ưa thích.

Rất nhiều phi công dân sự đã mua lại L-39 cũ để thỏa mãn giấc mơ bay phản lực, giá mỗi chiếc dao động từ 200.000 đến 500.000 USD, tùy thuộc vào tình trạng kỹ thuật và dự trữ giờ bay còn lại. L-39 được xếp hạng Jet Unlimited trong những cuộc đua máy bay.

Đa phần các máy bay L-39 của Việt Nam đều đã cũ nên gần đây đã được đầu tư để tăng tổng niên hạn lên trên 30 năm dưới sự trợ giúp về kỹ thuật cũng như cung cấp phụ tùng từ Tập đoàn Hàng không AERO Vodochody (CH Séc).

Máy bay L-39 của Trung đoàn không quân 910 - Trường Sĩ quan Không quân

Máy bay L-39 của Trung đoàn không quân 910 - Trường Sĩ quan Không quân

Nhờ đó, L-39 có thể tiếp tục phục vụ công tác đào tạo phi công phản lực thêm 5 - 7 năm nữa hoặc hơn, nhưng để duy trì lượng máy bay tốt vẫn là một thách thức lớn với Quân chủng PK-KQ. Do vậy, ngay từ bây giờ cần tìm kiếm ứng viên thay thế phù hợp.

Trong chuyến công tác tới CH Séc hồi tháng 5 vừa qua, Thượng tướng Trương Quang Khánh - Thứ trưởng BQP đã thăm AERO Vodochody nơi đang chế tạo máy bay huấn luyện phản lực 2 người lái thế hệ mới L-39NG.

Đây là chỉ dấu quan trọng cho thấy Việt Nam có quan tâm đến dòng máy bay mới nhưng hết sức quen thuộc này. Chỉ có điều chưa rõ mức độ quan tâm của Việt Nam đến đâu, bởi đây đó vẫn có những thông tin cho rằng Việt Nam đã chọn Yak-130 của Nga.

Lối cũ ta về?

Trong chuyến thăm, Lãnh đạo AERO Vodochody đã giới thiệu với Thứ trưởng Trương Quang Khánh về hoạt động sản xuất cũng như các nội dung hợp tác giữa tập đoàn với Quân chủng PK-KQ Việt Nam và bày tỏ hy vọng sự hợp tác giữa hai bên sẽ tiếp tục phát triển.

Thứ trưởng Trương Quang Khánh bày tỏ vui mừng trước những kết quả hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua và khẳng định:

thứ trưởng bộ quốc phòng
thượng tướng trương quang khánh
Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện để việc hợp tác đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực.

Do đó, nếu Việt Nam quyết định mua L-39NG hoàn toàn không có gì bất ngờ mà còn là quyết định hết sức đúng đắn. Bởi lẽ:

Thứ nhất, Dự án L-39NG tập trung vào hiện đại hóa sâu bằng việc kết hợp giữa công nghệ hàng không tiên tiến, động cơ hiện đại với kế thừa những tính năng hoàn hảo của dòng L-39 huyền thoại, như:

- Nhẹ hơn nhờ sử dụng nhiều vật liệu mới, nhưng mạnh mẽ và tin cậy hơn thể hiện ở chất lượng vận hành, dễ điều khiển và khả năng thao diễn tuyệt hảo.

- Hệ thống điện tử hàng không tiên tiến có thiết kế module kết hợp buồng lái kính cho phép tăng hiệu quả huấn luyện phi công lên nhiều lần.

- Khung thân được thiết kế lại, giúp nâng tuổi thọ lên trên 15.000 giờ bay, gấp 4 lần so với chỉ 3.000 - 4.500 giờ của L-39 cũ. Cánh và các thùng nhiên liệu bên trong cũng được thiết kế lại, cho phép tăng đáng kể tầm và thời gian bay, gấp 2 lần so với L-39 cũ.

- 5 giá treo gồm 4 dưới cánh và 1 dưới thân, cho phép L-39NG mang được lượng vũ khí đa dạng như súng/pháo, bom, rocket và thùng dầu phụ lên tới 1.200 kg, gấp 5 lần so với chỉ 250 kg của L-39.

Buồng lái kính với hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Ảnh: AERO Vodochody

Buồng lái kính với hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Ảnh: AERO Vodochody

Thứ hai, chi phí bảo dưỡng và vận hành thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam. Thể hiện ở chỗ, tận dụng được máy móc phương tiện và quy trình vận hành của L-39, thời gian chuyển loại cực nhanh bởi nó thay thế trực tiếp và phát triển trên chính L-39.

Thứ ba, tiềm năng nâng cấp, phát triển không giới hạn nhờ thiết bị điện tử có cấu trúc mở, chuẩn bị sẵn cho những phát triển tiếp theo, dễ dàng thêm bớt các tính năng hết sức đa dạng, tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng.

L-39NG hoàn toàn thích hợp để đào tạo bay cơ bản cho phi công chiến đấu phản lực, trước khi họ chuyển loại lên các máy bay thế hệ 4+ hoặc thế hệ 5 của cả phương Tây và Nga.

Thứ tư, AERO Vodochody sẵn sàng sản xuất theo lô nhỏ phù hợp với nhu cầu và ngân sách của khách hàng. Đây là yêu cầu hết sức đặc thù với điều kiện kinh tế của Việt Nam.

Thứ năm, danh tiếng hàng đầu của AERO Vodochody, không chỉ bởi họ chế tạo ra một trong những dòng máy bay huấn luyện phản lực tốt nhất thế giới, mà còn bởi họ cũng rất uy tín trong việc đảm bảo phụ tùng cũng như sửa chữa máy bay nếu phát sinh hỏng hóc.

Về cơ bản việc hợp tác giữa hai bên đang tiến triển tốt đẹp, đội ngũ kỹ thuật viên mặt đất, giáo viên bay, phi công Việt Nam đều đã quá quen thuộc với L-39, nên nếu mua L-39NG thì sẽ hết sức thuận lợi, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức đào tạo, chuyển loại.

Vướng mắc duy nhất là động cơ FJ44-4M của hãng Williams International có xuất xứ từ Mỹ. Tuy nhiên, không quá đáng ngại bởi phía Mỹ đang chủ động đề xuất nới lỏng hơn nữa lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam.

Một điểm đáng chú ý là đến năm 2018 thì L-39NG mới chính thức đưa vào sản xuất loạt, nhưng lại trùng khớp với thời điểm L-39 của Việt Nam dần dần bị loại biên. Chưa biết khả năng Việt Nam sẽ mua L-39NG đến đâu, chỉ biết các máy bay mới ra đời thật kịp lúc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại