Việt Nam phát triển máy bay trinh sát không người lái

Viện Kỹ thuật quân sự Phòng không – Không quân trong những năm gần đây tập trung phát triển nhiều máy bay không người lái, mục tiêu bay.

Phương tiện bay không người lái là khí cụ bay không người lái, có điều khiển, có động cơ, bay trong khí quyển nhờ cánh nâng hoặc cánh quay. Nó được sử dụng đa dạng trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, kinh tế - xã hội.

Trên thế giới việc phát triển phương tiện bay không người lái đang diễn ra với quy mô và chất lượng ngày càng đa dạng, tinh vi, hiện đại.

Từ năm 1996, Viện Kỹ thuật quân sự Phòng không - Không quân (Quân chủng Phòng không – Không quân) đã nghiên cứu, chế tạo các loại máy bay không người lái và mục tiêu bay (dùng cho huấn luyện phòng không).

Đến nay, viện đã đạt được một số thành tựu nhất định trong lĩnh vực này. Viện luôn bảo đảm đủ số lượng và chủng loại mục tiêu bay cho diễn tập và các dự án theo nhiệm vụ của quân chủng.

Gần đây, viện đang nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm các mẫu máy bay không người lái - mục tiêu bay tốc độ lớn, mang được tải trọng lớn.

Máy bay trinh sát không người lái là sản phẩm tiêu biểu được viện nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thành công. Thiết kế đáp ứng tốt yêu cầu với các với chức năng: Chụp ảnh địa hình, phục vụ cho trinh sát và vẽ bản đồ; mang camera quan sát địa hình, truyền trực tiếp về sở chỉ huy (các hình ảnh truyền về được định vị kèm tọa độ địa lý của ảnh để chỉ thị mục tiêu).

Mục tiêu bay không người lái M-100CT do Việt Nam tự chế tạo dùng cho hoạt động diễn tập bắn đạn thật phòng không.

Với kíp phục vụ bay 4 người, máy bay trinh sát không người lái hoạt động với tốc độ 150km/giờ, trần bay 3.000m, bán kính hoạt động 50km, hoạt động liên tục 2 giờ.

Máy bay có khả năng bay tự động theo chương trình lập trước trên bản đồ số. Máy bay cũng có thể thay đổi quỹ đạo từ xe điều khiển khi máy bay đang bay, phương pháp quản lý truyền các số liệu bay và hình ảnh trực tiếp về xe điều khiển và sở chỉ huy.

Máy bay trinh sát không người lái đòi hỏi yêu cầu cao về nhiều mặt gồm: tính ổn định để có thể nhận được hình ảnh trinh sát khi bay trong mọi điều kiện thời tiết, địa hình, nhất là bay ở vùng biển và rừng núi; điều khiển chính xác quỹ đạo bay theo chương trình; tầm bay, thời gian bay lớn; có thể linh hoạt thay đổi quỹ đạo bay theo yêu cầu tác chiến và phải có tính an toàn cao.

Từ các yêu cầu đó, Ban nghiên cứu Viện đã chủ động thiết kế hình dạng khí động, tính toán thiết kế kết cấu với việc sử dụng vật liệu có khả năng tàng hình, độ bền cao, khối lượng nhỏ.

Việc thiết kế phần mềm tự động lái tích hợp phần điện tử với các thiết bị tiên tiến, có độ tin cậy cao; lựa chọn phương pháp điều khiển, thiết kế phần mềm bay theo chương trình với độ chính xác cao.

Để có thể sử dụng ở nhiều đơn vị, trên các địa bàn khác nhau, các cán bộ Viện Kỹ thuật Phòng không – Không quân đã nghiên cứu phát triển các tổ hợp thiết bị bổ trợ cho việc cất và cánh, như thiết bị phóng (bệ cố định, bệ di động), thiết bị thu hồi (dù, lưới hãm…).

Máy bay trinh sát không người lái đã bay trình diễn và phục vụ trinh sát cho một số cuộc diễn tập và tại Hội nghị tập huấn quân sự toàn quân 2013.

Thời gian tới, Viện Kỹ thuật quân sự Phòng không - không quân tiếp tục nghiên cứu thiết kế, chế tạo các loại máy bay trinh sát không người lái với tính năng cao hơn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại