Các công trình sư Nga đã chế tạo hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn thế hệ mới Sosna, có tính năng vượt trội những “tiền bối” của nó về tất cả các chỉ số và có những điều còn ưu việt hơn cả hệ thống phòng không tầm ngắn hiện được coi là số 1 thế giới Pantsir-S.
Vào nửa cuối năm 2016, những hệ thống tên lửa Sosna đầu tiên sẽ được đưa vào biên chế trang bị của quân đội Nga. Với những khả năng ưu việt, nó sẽ trở thành hệ thống phòng thủ tầm gần sáng giá cho lực lượng phòng không Nga.
Tính năng ưu việt của hệ thống phòng không tầm ngắn Sosna
Tên lửa 9M337 Sosna là biến thể hiện đại hóa sâu rộng từ hệ thống phòng không 9K35 Strela-10 (Định danh NATO: SA-13 Gopher) - hệ thống đang được sử dụng tại 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Hệ thống Sosna lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng vào năm 2013, tổ hợp sử dụng tên lửa phòng không hạng nhẹ Sosna-R (tốc độ lên đến 900 m/s).
Tên lửa này có thể bắn hạ máy bay chiến đấu, trực thăng, tên lửa hành trình và thiết bị bay do thám không người lái ở độ cao từ 20 m đến 5 km, tầm xa 10 km, ngăn chặn những cuộc tấn công tiềm năng từ trên không của kẻ địch.
Hệ thống tên lửa phòng không này có khả năng tấn công ngay cả khi hành tiến, có thể hạ gục các mục tiêu bất kể thời gian, trong điều kiện sương mù, mưa và không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp gây nhiễu chủ động.
Tên lửa phòng không tầm ngắn Sosna-R, được mệnh danh là “Tên lửa tử thần”
Vũ khí chính của tổ hợp là 12 tên lửa chính xác Sosna-R với tốc độ bay tối đa 900 m/s (máy bay F-16 của Mỹ chỉ có tốc độ 300 m/s, máy bay cường kích A-10 có tốc độ 200 m/s).
Khối lượng đạn tương đối nhẹ (gần 30 kg) cho phép bố trí tất cả các hệ thống của tổ hợp này trên 1 xe chuyên dụng.
Theo thông tin ban đầu, một hệ thống Sosna-R gồm các bệ phóng tự hành trên xe bánh xích và một xe chỉ huy. Trong đó, xe chỉ huy trang bị hệ thống trinh sát TV, camera ảnh nhiệt quét khu vực theo chiều ngang 60 độ và góc phương vị 20 độ.
Hệ thống Sosna-R cũng có khả năng tìm kiếm quang học bị động, vùng bao phủ khu vực theo chiều ngang 360 độ và góc phương vị từ 5 độ đến 60 độ.
Với những thông tin ấn tượng về Sosna-R cho thấy, hệ thống này xứng đáng là kẻ thay thế cho 9K35 Strela-10 - hệ thống cơ bản, được trang bị tên lửa động cơ nhiên liệu rắn, cho phép đạt tốc độ gần Mach 2, tầm bắn 500 - 5.000 m, độ cao 10 - 3.500 m.
Các hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn hiện nay bộc lộ một số khiếm khuyết nghiêm trọng, ví dụ như chi phí cao của các phương tiện tác chiến do số lượng lớn thiết bị hiện đại, cũng như do việc sử dụng các hệ thống radar chủ động phát hiện mục tiêu.
Yếu tố cuối cùng khiến cho các hệ thống phòng không có điểm yếu chí mạng khi đương đầu với vũ khí chống bức xạ (tên lửa chống radar) của đối phương.
Lắp đặt tên lửa Sosna-R lên hệ thống Palma của tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng của Hải quân Nhân dân Việt Nam
Nguyên tắc chủ đạo trong thiết kế của tổ hợp Sosna là hệ thống phòng không tầm ngắn với chi phí thấp và hiệu suất cao.
Tổ hợp có thể được vận hành dễ dàng và rẻ hơn so với đối thủ chính của nó là hệ thống phòng không Pantsir-S, tuy nhiên lại có đặc tính kỹ chiến thuật tương đương.
Ngoài ra, trong quá trình sáng chế Sosna, các kỹ sư Nga đã quyết định loại bỏ các hệ thống radar chủ động phức tạp, mà thay vào đó dùng radar hoạt động theo nguyên lý khác (ví dụ như radar thụ động) nhằm hóa giải khả năng địch tập kích các hệ thống phòng không.
Việt Nam liệu có mua thêm Sosna và nâng cấp Strela-10?
Hiện Moscow đang xem xét khả năng xuất khẩu các hệ thống phòng không đến khu vực châu Á, Trung Đông và Mỹ Latinh.
Trong thời gian tới, danh sách các quốc gia có thể sở hữu hệ thống phòng không Sosna và Palash (phiên bản hải quân, tên xuất khẩu là Palma) của Nga sắp được mở rộng.
Theo ông Said Aminov, tổng biên tập tạp chí Vestnik PVO, triển vọng của Sosna ở thị trường nội địa và nước ngoài là rất cao.
Ông Sergei Ignatov, giám đốc phụ trách quan hệ kinh tế đối ngoại tại Nudelman KBtochmash (nơi phát triển tổ hợp Palma) cho biết, công ty này đang cân nhắc khả năng cung cấp các hệ thống phòng không Palma và Sosna đến các quốc gia Trung Đông, châu Á, Mỹ Latinh.
Cũng theo ông Ignatov, các quốc gia như Ai Cập, Algeria và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã bày tỏ sự quan tâm đến tổ hợp phòng không này. Ngoài ra còn có một số quốc gia Đông Nam Á đang sử dụng nhiều vũ khí Nga.
Ông Ignatov cho biết, công ty này sẵn sàng cung cấp không chỉ các hệ thống phòng không Sosna mới, mà còn nâng cấp khoảng 500 hệ thống Strela-10 từng cung cấp trước đó lên chuẩn Sosna.
Việc này có thể được tiến hành tại Nga hoặc tại chính đất nước của khách hàng tiềm năng.
Hồi tháng 5-2015, Giám đốc quản lý Cục thiết kế Tochmash là ông Vladimir Slobodchikov cũng lưu ý, hiện đã có một số quốc gia, bao gồm cả các nước ở vùng Đông Nam Á và Trung Đông, đã bày tỏ quan tâm đặt mua hệ thống Sosna cũng Palma của Nga.
Một vấn đề đáng lưu ý là, hiện Việt Nam đang sử dụng tổ hợp tên lửa phòng không tự hành 9K35 Strela-10 mà Nga đang định dùng Sosna để thay thế.
Các tàu hộ vệ tên lửa Project 11661 Gepard 3.9 do Nga đóng cho Việt Nam cũng đang được trang bị hệ thống tên lửa phòng không hạm Palma.
Tổ hợp tên lửa phòng không tự hành 9K35 Strela-10 của Việt Nam liệu có được nâng cấp?
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Việt Nam đã nhận được tổng cộng 20 hệ thống phòng không 9K35 Strela-10 (Định danh NATO: SA-13 Gopher) cùng 500 đạn tên lửa 9M37 từ Liên Xô, trong giai đoạn 1985 - 1986.
Mặc dù được thiết kế với vai trò hệ thống phòng không dành cho lục quân, nhưng do thiếu các hệ thống phòng không tầm ngắn, hiện Việt Nam đang biên chế Strela-10 cho Quân chủng Phòng không - Không quân, để đảm nhiệm vai trò phòng thủ điểm.
Hơn nữa, hiện Việt Nam có rất ít các hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp/ngắn hiện đại, dùng bảo vệ các hệ thống phòng tầm cao/xa như S-300 trước đòn tập kích của địch.
Do vậy, rất có khả năng Việt Nam sẽ mua thêm một số hệ thống Sosna, đồng thời nâng cấp, hiện đại hóa các hệ thống Strela-10.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, xuất hiện nhiều thông tin là Việt Nam cũng đang quan tâm đến hệ thống phòng không có tính năng tương tự là Pantsir-S1 của Nga.
Nhưng hệ thống này đắt hơn, tính năng không mạnh hơn và cũng không tương thích với Strela và Palma như Sosna. Vì thế nên có khả năng Sosna sẽ được chọn.
Nếu mua thêm Sosna, rất có khả năng các hệ thống Strela-10 sẽ được nâng cấp và bàn giao trở lại cho lực lượng phòng không lục quân.
Strela-10 sẽ làm nhiệm vụ cơ động bảo vệ các đơn vị chiến đấu mặt đất, trở về đúng tính chất nhiệm vụ thiết kế ban đầu, nhiệm vụ trước của nó sẽ được bàn giao cho Sosna.