Vì sao Kazakhstan là khách hàng đầu tiên của Su-30SM?

Tuấn Vũ |

Trả lời phỏng vấn hãng TASS ngày 16/6, ông Alexander Veprev, Tổng giám đốc Irkutsk đã tiết lộ khách hàng nước ngoài đầu tiên sở hữu tiêm kích Su-30SM.

Hãng TASS dẫn lời ông Alexander Veprev cho biết: "Năm 2015, chúng tôi đã bàn giao 4 chiếc Su-30SM cho Kazakhstan.

Hiện tại, một lô hàng đang chuẩn bị giao cho Hải quân Nga và lô tiếp theo là dành cho Không quân Nga. Một số đã sẵn sàng tại sân bay và phần còn lại đang trong giai đoạn lắp ráp cuối cùng".

Việc Nga ưu ái với Kazakhstan khiến nhiều người tò mò, tuy nhiên dưới cái nhìn của truyền thông phương Tây, hành động của Nga rõ ràng không chỉ là mục đích thương mại.

Theo hãng tin AP (Mỹ), trong năm 2014, Nga từng có động thái rất khó hiểu khi quyết định tặng cho Kazakhstan 5 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300 (theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - SIPRI, hiện Việt Nam đang sở hữu 2 tiểu đoàn S-300 mua từ Nga).

Tiêm kích đa năng Su-30SM.
Tiêm kích đa năng Su-30SM.

AP dẫn lời Thứ trưởng quốc phòng Nga Anatoly Antonov cho biết, việc cung cấp S-300 không chỉ nâng cao khả năng phòng thủ của Kazakhstan, mà còn cả của Nga theo Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) mà Kazakhstan là thành viên rất quan trọng.

“Điều đó rất quan trọng trong bối cảnh chúng ta phải đối phó với thách thức và đe dọa mới xuất hiện gần biên giới của khối”, ông A. Antonov cho biết.

Kazakhstan sẽ sử dụng biên chế đơn vị phòng không giống Nga với việc mỗi trung đoàn phòng không gồm hai tiểu đoàn phòng không phức hợp và cơ cấu của mỗi tiểu đoàn S-300 sẽ có 8 xe phóng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết: “Chúng tôi đã hoàn bàn giao cho lực lượng vũ trang Kazakhstan các tổ hợp tên lửa S-300 ngay trong năm 2014 với khối lượng và số lượng đủ để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ không phận nước này".

Cũng trong năm 2014, Nga đã quyết định trả lại vùng đất có diện tích hơn 16.000 km2 cho Kazakhstan. Bộ trưởng Sergei Shoigu cho biết Nga đã tính đến lợi ích của Kazakhstan khi trả lại vùng lãnh thổ có diện tích hơn 16.000 km2 cho Kazakhstan.

Theo thông tin được người đứng đầu Quân đội Nga cho biết, vùng đất này có trữ lượng khoáng sản tương đối lớn, trong đó có dầu khí.

Đặc biệt, Nga cũng sẽ rút khỏi địa điểm thử nghiệm Sary-Shagan - cơ sở này ra đời năm 1956, mục đích sử dụng ban đầu dùng để thử nghiệm tên lửa đạn đạo dưới thời Liên xô.

Động thái này của Nga được truyền thông phương Tây đánh giá mang tính chiến lược, bởi quyết định này mang lại lòng tin của đồng minh với Nga, từ đó củng cố sức mạnh khối quân sự Hiệp ước an ninh tập thể do Nga đứng đầu, hãng tin AP (Mỹ) nhận định.

Từ những nhận định trên có thể thấy, việc Nga ưu tiên và lựa chọn Kazakhstan là khách hàng đầu tiên của tiêm kích Su-30SM là một quyết định dễ hiểu và quyết định này không chỉ vì mục đích thương mại.

Lộ khách hàng đầu tiên của Iskander-E

Tại Triển lãm quân sự quốc tế Army 2015 đang diễn ra ở Kubina (Nga), phái đoàn quân sự cấp cao của Saudi Arabia đã tỏ ra rất quan tâm tới tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-E.

Đại diện đoàn đại biểu quân sự Saudi Arabia tại Army 2015 tuyên bố: “Chúng tôi rất quan tâm tới tính năng của tổ hợp Iskander-E. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng chúng tôi sẽ cân nhắc về vấn đề đặt mua tổ hợp vũ khí này”.

Được biết, hiện nay Nga đang phát triển 3 biến thể của hệ thống Iskander, trong đó Iskander-M trang bị cho Quân đội Nga có tầm bắn lên tới 500 km. Phiên bản Iskander-E dùng cho xuất khẩu có tầm bắn khoảng 280 km, và biến thể Iskander-K đang nghiên cứu và phát triển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại