Uy lực khủng khiếp của sát thủ thầm lặng trên tàu ngầm Kilo VN

Quyết Thắng |

Tại sao đã được trang bị tên lửa có thể bắn xa tới hàng trăm km mà Việt Nam vẫn chọn ngư lôi có tầm bắn vẻn vẹn 20 km cho tàu ngầm Kilo 636?

Vẫn chọn ngư lôi dù tên lửa có tầm bắn xa hơn nhiều?

Tàu ngầm Kilo 636 được xem là những cú đấm quyết định trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Để đáp ứng nhiệm vụ đó thì việc trang bị các vũ khí hiện đại, tầm bắn xa, uy lực lớn là hết sức cần thiết.

Theo các thông tin công bố thì trên tàu ngầm Kilo 636 của Việt Nam được trang bị 3 loại vũ khí chống hạm bao gồm: tên lửa chống hạm Klub 3M-54E, ngư lôi chống tàu mặt nước Type 53-65, ngư lôi chống tàu mặt nước/tàu ngầm TEST 71.

Theo SIPRI, năm 2009, kèm theo hợp đồng mua 6 tàu ngầm Kilo, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 80 ngư lôi Type 56-65; 80 ngư lôi TEST-71 và 50 tên lửa 3M-54E.

Các thông số cơ bản như sau:

Tên lửa chống hạm 3M-54E tầm bắn 220 km, đầu đạn nặng 200 kg.

Ngư lôi Type 53-65 tầm bắn hiệu quả 12km với tốc độ bơi 68,5 hải lý/h hoặc 22km với tốc độ 44 hải lý/h, đầu nổ 300 kg.

Ngư lôi chống tàu mặt nước/tàu ngầm TEST 71 đầu nổ nặng 205kg, tầm bắn 20km.


Ngư lôi 53-65 của Việt Nam được trang bị trên tàu ngầm Kilo 636

Ngư lôi 53-65 của Việt Nam được trang bị trên tàu ngầm Kilo 636

Câu hỏi đặt ra là tại sao bên cạnh tên lửa hiện đại, các loại ngư lôi với tầm bắn rất ngắn, tối đa chỉ trên dưới 20 km lại vẫn được lựa chọn để trang bị cho Kilo 636, và thậm chí còn được coi vũ khí được xem là hiện đại đóng vai trò chiến lược của Việt Nam?

Nếu dùng để chống tàu ngầm, tại sao Việt Nam không lựa chọn tên lửa chống ngầm 91RE1 tương tự như Trung Quốc đã lựa chọn?

Tên lửa 91RE1 phóng từ tàu ngầm có vận tốc siêu âm, tầm bắn 50 km. Đây là một thành phần của tổ hợp Klub, rất dễ đồng bộ khi tàu ngầm Kilo Việt Nam đã được trang bị tên lửa chống hạm 3M-54E.

Còn nếu để chống tàu mặt nước, tại sao không thay thế các ngư lôi có tầm bắn hạn chế bằng tên lửa chống hạm 3M-54E với tầm bắn lên tới 220km.

Cũng nên nhớ rằng vũ khí chống ngầm trên tàu mặt nước nhiều loại có tầm bắn xa hơn 20km chưa kể sự hỗ trợ của máy bay, trực thăng săn ngầm. Điều đó liệu có phải là tàu ngầm Kilo phải mạo hiểm khi muốn tấn công các tàu mặt nước?

Ví dụ tên lửa chống ngầm phóng từ tàu mặt nước 91RE2 thuộc tổ hợp Klub tầm bắn 40 km. Hay loại tên lửa chống ngầm kém hiện đại hơn là RPK-9 cũng có tầm bằn lên đến 20,5 km.

Hoặc có thể kể thêm tên lửa chống ngầm được đưa vào trang bị tiêu chuẩn của Hải quân Mỹ là RUM-139 VL- ASROC cự ly bắn 28 km.


Tên lửa ngầm đối ngầm 91RE1 thuộc tổ hợp tên lửa Klub-N có tầm bắn 50 km

Tên lửa ngầm đối ngầm 91RE1 thuộc tổ hợp tên lửa Klub-N có tầm bắn 50 km

Ngư lôi uy lực hơn và rẻ hơn nhiều

Tên lửa với tầm bắn xa, vận tốc cao và quỹ đạo linh hoạt đã dần trở thành vũ khí chủ đạo trong chiến tranh hiện đại.

Hình ảnh tên lửa vượt hàng trăm, thậm chí hàng nghìn km rồi lao đến mục tiêu một cách chớp nhoáng, vụ nổ bùng lên và mục tiêu bị tiêu diệt là hình ảnh tiêu biểu của chiến tranh hiện nay.

Ngược lại, các ngư lôi mà Việt Nam trang bị cho tàu ngầm Kilo với tầm bắn ngắn chỉ trên dưới 20km, tìm mục tiêu bằng cách bơi “chậm chạp” nghe có vẻ “không hiện đại” và “kém hấp dẫn”.

Nhưng không phải ngẫu nhiên mà ngư lôi vẫn được tin dùng không chỉ ở Việt Nam mà kể cả những cường quốc quân sự hàng đầu như Nga, Mỹ…

Trước hết, nói về uy lực thì ngư lôi vượt trội so với tên lửa. Cùng với khối lượng phần chiến đấu như nhau nhưng nếu một tên lửa chống hạm chỉ có thể làm tê liệt một phần tàu khu trục cỡ lớn thì với ngư lôi nó có thể xé toang và nhấn chìm nó xuống biển.

Có được uy lực đó là cách tấn công của ngư lôi. Ngư lôi thường được thiết kế để phát nổ ngay dưới tàu. Vụ nổ tạo ra một bong bóng khí khổng lồ ở phía dưới đáy tàu.

Trước tiên xung lực của vụ nổ được nước biển truyền thân tàu cùng với các mảnh văng của phần chiến đấu làm cho tàu bị nứt gãy, lần thứ hai bóng khí khổng lồ nâng thân tàu nổi lên và uốn cong nó khiến vết nứt gãy càng trầm trọng.

Lần thứ ba khi bóng khí vỡ ra, tạo thành một khoảng chân không dưới đáy tàu khiến tàu rơi xuống và bị uốn theo chiều ngược lại khiến thân tàu vỡ toác, thậm chí đứt làm đôi.

Các tên lửa hiện đại nhất cũng chỉ hạ thấp được độ cao xuống sát mép nước để tăng khả năng sát thương cho các tàu mặt nước mà chưa có giải pháp nào để có thể gây ra được vụ nổ ở dưới đáy tàu.


Ngư lôi có thể xé nát một tàu khu trục cỡ lớn. Trong ảnh là ngư lôi Mk-48 với đầu đạn 295 kg của Mỹ tiêu diệt tàu có lượng choán nước 2.700 tấn.

Ngư lôi có thể xé nát một tàu khu trục cỡ lớn. Trong ảnh là ngư lôi Mk-48 với đầu đạn 295 kg của Mỹ tiêu diệt tàu có lượng choán nước 2.700 tấn.

Nếu đề cập về tiêu chí giá thành thì ngư lôi rẻ hơn nhiều so với tên lửa phóng từ tàu ngầm. Bởi tên lửa phóng ở tàu ngầm có cấu tạo phức tạp hơn nhiều so với ngư lôi.

Giai đoạn đầu của tên lửa phóng từ tàu ngầm phải sử dụng hệ thống đẩy, sau khi lên khỏi mặt nước mới vứt bỏ các bộ phận che kín, hệ thống đẩy và khởi động động cơ tên lửa.

Trong khi động cơ tên lửa hết sức phức tạp thì động cơ của ngư lôi lại đơn giản hơn. Hệ thống điều khiển của ngư lôi cũng đơn giản hơn khi nó hoạt động ở tốc độ thấp hơn nhiều so với tên lửa.

Cũng do cấu tạo phức tạp dẫn đến kích thước và khối lượng lớn nên số lượng tên lửa mang theo ít hơn nhiều so với ngư lôi. Tàu ngầm Kilo 636 chỉ có thể mang theo 4 tên lửa 3M-54E trong khi có thể mang theo tới 18 ngư lôi loại 533 mm.

Tên lửa 3M-54E dài 8,22m, trọng lượng 2.300kg, phần chiến đấu 200 kg. Tên lửa 91RE1 dài 8m, trọng lượng 2050 kg, phần chiến đấu 76 kg.

Ngư lôi 53-65 phiên bản xuất khẩu được 53-65KE dài 7,2m; nặng 2.070kg, phần chiến đấu 300kg. Ngư lôi TEST 71 biến thể Việt Nam đang dùng được cho là TEST 71ME-NK dài 7,93m; nặng 1.820kg; đầu nổ nặng 205kg.


Các tên lửa được phóng dưới nước buộc phải có tầng hệ thống đẩy và vỏ làm kín

Các tên lửa được phóng dưới nước buộc phải có tầng hệ thống đẩy và vỏ làm kín

Nước là đồng lõa của ngư lôi và kẻ thù của tên lửa

Tuy nhiên lý do lớn nhất để ngư lôi vẫn được tin dùng đó là nhờ nước. Môi trường nước khiến tín hiệu điện từ bị suy giảm một cách nhanh chóng.

Vì vậy các thiết bị trinh sát dưới nước sử dụng cho cả tàu ngầm và tàu mặt nước chủ yếu sử dụng sonar thủy âm dựa trên việc xử lý sóng âm truyền trong nước.

Ngoài sonar để dò tìm tàu ngầm đang lặn thì có thể dùng phương pháp dò từ trường nhưng kém hiệu quả hơn nhiều. Sonar thủy âm cũng gần như là thiết bị dò tìm mục tiêu và tự dẫn duy nhất của ngư lôi với công nghệ hiện tại.

Ngoài ra ngư lôi có thể được dẫn bằng dây dẫn nhưng vẫn phải dựa vào tham số được cung cấp từ sonar của tàu ngầm.

Hiện nay các sonar thủy âm chỉ mới có thể do tìm và chỉ thị mục tiêu trong khoảng trên dưới 20 km do vậy đó cũng là tầm bắn tối đa của hầu hết các loại ngư lôi.

Tất nhiên các loại ngư lôi có thể sử dụng phương tiện chỉ thị mục tiêu từ tàu khác và đến khi khoảng cách dưới 20 km mới bật đầu tự dẫn bằng sonar.

Ví dụ hai loại sonar thủy âm được đánh giá hiện đại nhất trên các tàu mặt nước của Trung Quốc bao gồm:

- Sonar gắn với đáy tầu DUBV-23 (phiên bản Trung Quốc là SJD-8/9) do tập đoàn Thales của Pháp chế tạo có khoảng cách phát hiện mục tiêu 20 km;

- Sonar thủy âm kéo theo tầu DUBV-43 ( phiên bản Trung Quốc là ESS-1), chế tạo dựa trên cơ sở DUBV-23 nhằm tăng phạm vi trinh sát theo độ sâu.

Hay tổ hợp sonar "Platina MS-E" của Nga trang bị trên khu trục hạm "Sovremennyi" có tầm xa phát hiện tàu ngầm từ 10 – 15 km. Sonar "CIM-400E - EM" trang bị trên tàu ngầm diesel Kilo 877 và 636 có khả năng phát hiện mục tiêu tàu ngầm khoảng cách dưới 16 km.


Sonar kéo theo DUBV-43 do tập đoàn Thales chế tạo có tầm phát hiện mục tiêu 20 km

Sonar kéo theo DUBV-43 do tập đoàn Thales chế tạo có tầm phát hiện mục tiêu 20 km

Như vậy nếu một tàu nổi tiếp cận một tàu nổi khác ở khoảng cách 20 km thì rất mạo hiểm nhưng 20 km dưới nước lại an toàn. Nước cũng đồng lõa với ngư lôi bởi nó khiến cho việc phát hiện và đánh chặn ngư lôi trở nên hết sức khó khăn.

Bẫy âm thanh là một phương án nhưng chưa chứng minh được nhiều trong thực tế.

Ngược lại với tên lửa nước lại cản trở rất nhiều. Kilo không thể tự chỉ thị được mục tiêu ngoài tầm sonar nếu không nổi lên.

Để sử dụng được các tên lửa chống ngầm 91RE1 tầm bắn 50 km hay tên lửa 3M-54E tầm bắn trên 220 km buộc tàu ngầm phải nhận được thông tin về mục tiêu từ các phương tiện chỉ thị khác có thể là từ các tàu chiến, máy bay, đài radar, mạng lưới sonar được bố trí sẵn…

Đồng nghĩa là buộc phải hy sinh ưu điểm lớn nhất của tàu ngầm Kilo là có thể tác chiến một cách độc lập, bí mật, bất ngờ.

Như vậy, một khi sonar vẫn còn là phương tiện chủ đạo để dò tìm, chỉ thị mục tiêu dưới nước thì ngư lôi còn được lựa chọn để trang bị không chỉ cho tàu ngầm Kilo 636 mà kể cả các tàu ngầm, tàu mặt nước khác.

Trong tương lai, nếu công nghệ trinh sát dưới nước có những bước đột phá mới thì tầm bắn của ngư lôi sẽ được tăng lên nhiều hơn.

Nhưng cũng không loại trừ việc các tên lửa dùng cho tàu ngầm sẽ tiếp tục được hoàn thiện về mặt kỹ thuật và soán ngôi “sát thủ số một trong lòng đại dương” của ngư lôi.


Một khi sonar vẫn là phương tiện dò tìm, chỉ thị mục tiêu chủ yếu dưới nước thì ngư lôi dù tầm bắn ngắn vẫn là sát thủ trong lòng đại dương.

Một khi sonar vẫn là phương tiện dò tìm, chỉ thị mục tiêu chủ yếu dưới nước thì ngư lôi dù tầm bắn ngắn vẫn là "sát thủ trong lòng đại dương".

***Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại