PTT Nga nói về đe dọa của Ukraine: Con khỉ mơ về bom hạt nhân!

Một vị tướng Nga tuyên bố: Bộ trưởng quốc phòng Ukraine "nổ" chuyện Kiev sẽ tái sản xuất vũ khí hạt nhân (VKHN) nhưng chẳng làm ai sợ.

Trung tướng Viktor Yesin, cựu chỉ huy Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, còn nói Ukraine có thể sản xuất được "bom bẩn" nhưng Ukraine sẽ trở thành một “quốc gia nghèo kiết xác” không thể cứu chữa gì được

"Con khỉ mơ về bom hạt nhân"

Ngày 14.9 qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, tướng Valery Geletey tuyên bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn của một kênh truyền hình Ukraine:

“Nếu hôm nay chúng ta không thể bảo vệ tổ quốc, nếu thế giới không giúp chúng ta, thì chúng ta sẽ phải quay trở lại việc phát triển VKHN, vốn sẽ bảo vệ chúng ta khỏi Nga”.

Ông Geteley cũng nói Nga đe dọa Ukraine rằng sẽ sử dụng VKHN chiến thuật, và trong tình hình căng thẳng ở miền đông Ukraine, Kiev trông cậy NATO sẽ cung cấp vũ khí, nhất là súng đạn của Mỹ-Anh.

Nếu không thể có sự hỗ trợ này, Ukraine sẽ phải tái khởi động chương trình VKHN riêng của mình, ông Geletey nhấn mạnh. Nhưng ông cũng nói việc này chưa có trong cương lĩnh hành động ngay lúc này của Kiev.

Ngay sau tuyên bố của ông Geletey, vào tối 14.9, phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin bình luận rất châm biếm trên trang mạng xã hội Twitter của ông:

“Tôi có nghe chuyện một con khỉ cầm một quả lựu đạn. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe chuyện một con khỉ mơ về một quả bom hạt nhân”.

Ông Rogozin nổi tiếng là người nói chuyện thẳng thừng, đang phụ trách mảng quốc phòng trong chính phủ Nga.

Bộ trưởng quốc phòng Geteley

Còn theo các nhà phân tích, chương trình chế tạo “bom bẩn” - một thiết bị gồm chất nổ của vũ khí quy ước với chất phóng xạ-sẽ khiến Ukraine tốn hàng trăm triệu USD để có thể lại trở thành một cường quốc hạt nhân.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine độc lập năm 1991 và họ tự phát hiện đang sở hữu kho VKHN lớn hàng thứ ba thế giới. Đến tháng 6.1996, Ukraine chuyển hết tất cả đầu đạn hạt nhân qua Nga, và trở thành một quốc gia phi hạt nhân khi trở thành thành viên Thỏa thuận không phổ biến VKHN (NPT).

Đổi lại, Nga,Mỹ và Anh ký Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, bảo đảm .Ukraine được toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và an ninh. Nhưng văn bản trên hết hiệu lực, sau khi bán đảo Crimea tổ chức trưng cầu dân ý hồi tháng 3.2014 và kết quả là đa số dân Crimea (thuộc Ukraine) đồng ý sáp nhập vào Nga.

Từ đó, nhiều nghị sĩ nói Ukraine có quyền không thực hiện những điều bắt buộc của NPT. Nghị sĩ Sergei Kaplin mạnh miệng tuyên bố: Ukraine có thể tạo một loại VKHN trong chỉ hai năm và tốn 3,4 tỷ USD.

Một quốc gia có thể rút khỏi NPT với điều kiện báo trước 3 tháng, nếu như có sự cố đặc biệt liên quan các vấn đề của Thỏa thuận này và ảnh hưởng đến quyền lợi tối thượng của quốc gia ấy.

Cho đến nay, mới chỉ có CHDCND Triều Tiên rút khỏi NPT, còn Ấn Độ, Pakistan, Israel và Nam Soudan đều là quốc gia có VKHN và không tham gia NPT.

Pyotr Topychkanov, nhà điều phối của chương trình không phổ biến VKHN của Trung tâm Carnegie ở Nga nói với báo Moscow Times:

“Nếu Ukraine đi đến quyết định đó, sẽ có nghĩa các đồng minh chính trị của họ, Mỹ, EU và các nước khác sẽ phải từ bỏ Kiev. Sẽ không có ai ủng hộ Ukraine, kể cả châu Âu lẫn Trung Quốc. Nói chung, Ukraine sẽ bị xem như một quốc gia “cùng đinh”, y như Triều Tiên”.

Những cú nấc kỹ thuật

Các nhà phân tích nói ngay cả khi Ukraine “làm tới” - ý nói việc phát triển VKHN - thì cũng phải mất hàng năm và có thể là hàng chục năm. Điều đó cũng có nghĩa làm “sạt nghiệp” một đất nước vốn đã thiếu hụt tài nguyên.

“Với nền kinh tế Ukraine hiện nay, họ sẽ không thể nào tạo ra một quả bom hạt nhân”, theo lời Trung tướng Yesin. Ông cũng nói lại: Ukraine trên lý thuyết có thể sản xuất “bom bẩn”, nhưng Ukraine cũng sẽ bị nghèo kiết xác”.

Ukraine hiện sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa Dnepr (kể cả bán cho Nga) tại xí nghiệp Yuzhmash tại thành phố Dnipropetrovsk.

Ukraine cũng có nguồn dự trữ uranium và kho chứa tên lửa.Họ có thể sử dụng 15 lò phản ứng hạt nhân (đa số xây từ thời Liên Xô) để làm giàu uranium, thay vì sử dụng máy ly tâm như Iran.

Theo các nhà phân tích hạt nhân, toàn bộ quy trình này có thể tốn 500 triệu USD.

Nhiệm vụ khó nhất cho Ukraine là sản xuất đầu đạn hạt nhân. Vào thời Liên Xô, khâu này chỉ thực hiện trên lãnh thổ Nga hiện tại, không như các công nghệ nhạy cảm khác được tổ chức trên toàn Ukraine.

Trung tướng Yesin nói: “Ukraine có một số phòng thí nghiệm khoa học ở Kharkiv. Họ có tri thức nhưng lại thiếu phương tiện, tức các xí nghiệp”.

Chiêu đánh lạc hướng chú ý

Theo nhà phân tích chính trị Vladimir Fesenko ở Kiev, Bộ trưởng quốc phòng Geletey đã “nổ” về chuyện tái sản xuất VKHN, vì ông đang bị giới chính trị và người dân “soi”, vì quân đội Ukraine đánh không lại phe đòi ly khai ở miền đông Ukraine.

Fesenko là chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chính trị Penta, nói với báo Moscow Times:

“Nói về VKHN là một chiêu PR truyền thống. Ông ấy muốn thu hút sự chú ý sang một vấn đề hoàn toàn khác và hoàn toàn vớ vẩn. Trước tới đây, nhiều chính khách ở Ukraine đã nói chuyện trở thành quốc gia hạt nhân, nhưng họ chỉ nói suông thế thôi”.

Bên cạnh đó, Ukraine đang cần phải đề phòng Nga, còn việc làm bom hạt nhân thì phải cả chục năm là ít, theo nhà phân tích Topychkanov.

Trung tướng Yesin kết luận: “Đó chỉ là một cú nổ của Geteley, chẳng ai sợ cả”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại