Tự lực, sáng tạo trong cải tiến kỹ thuật

TUẤN NAM - DUY HỒNG |

Để tạo tiền đề cho sự phát triển công nghệ hàng không của Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) và ngành hàng không Việt Nam, các nhà máy thuộc Cục Kỹ thuật, Viện Kỹ thuật PK-KQ và các học viện, nhà trường không ngừng nghiên cứu, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Các đơn vị chú trọng đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, phối hợp chặt chẽ với các trung tâm nghiên cứu và cơ sở sản xuất trong nước.

Đại tá Lê Quang Thắng, Phó chủ nhiệm Chính trị quân chủng, cho biết:

“Yếu tố con người rất quan trọng. Quân chủng luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các kỹ sư, cán bộ trẻ phát huy tính sáng tạo. Thành tựu của ngành hàng không luôn có dấu ấn của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân lành nghề”.

Đến với "cái nôi sáng kiến"-Nhà máy A32, Cục Kỹ thuật PK-KQ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những sản phẩm “made in Việt Nam”.

Trước đây, toàn bộ hệ thống kính chắn bên, thùng dầu mềm, bu-lông nối cánh, bu-lông động cơ của loại máy bay dòng Su-22, Su-27 đều phải nhập khẩu.

Nhờ sự nỗ lực không ngừng, phát huy tinh thần tập thể, đơn vị đã chế tạo thành công các loại vật tư được cho là hiếm và đắt này.

Với những người “không biết gì về kỹ thuật”, khó có thể hiểu hết những công việc trong các phân xưởng đặc biệt này.

Để cho ra đời những sản phẩm “nội địa hóa” là bao mồ hôi, công sức của những người lính thợ. Đây không chỉ là thành quả từ bàn tay, khối óc sáng tạo mà là sự quyết tâm, ý chí phấn đấu chinh phục đỉnh cao của cả một tập thể.

Bảo quản phương tiện, khí tài ở Trường Sĩ quan Không quân.

Chúng tôi được biết, những năm gần đây, nhà máy đã thiết kế thử và sản xuất được nhiều loại vật tư kỹ thuật, tập trung vào các loại sản phẩm phi kim loại.

Nhiều sản phẩm được ứng dụng, phục vụ ngay cho sản xuất như các loại gioăng đệm cao su, màng cao su cốt vải, các loại ống mềm chịu dầu, chịu khí…

Nhờ có những ý tưởng táo bạo, quyết tâm làm chủ công nghệ, đơn vị đã giải quyết kịp thời những vướng mắc trong công tác kỹ thuật, nhất là những khó khăn về khâu vật tư khan hiếm.

Nhà máy A32 cũng là đơn vị đi đầu trong thiết kế, chế tạo các loại thiết bị công nghệ, trang thiết bị mặt đất, kể cả thiết bị tự động hóa cao.

Ngoài các thiết bị kiểm tra hệ thống của loại máy bay dòng Su-22, Su-27, đơn vị còn ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất trong sửa chữa khí tài hàng không.

Nổi bật là công nghệ sử dụng thiết bị siêu âm quét hình ảnh không gian 3 chiều của vật liệu, đo kích thước của khuyết tật và chỉ thị qua máy tính để kiểm tra sự cố mà không cần phá hủy cấu trúc vật liệu.

Thượng tá Huỳnh Cách, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy A32, cho biết: “Đến nay, đơn vị đã chế tạo thành công 82 thiết bị và cải tiến, nâng cấp 34 thiết bị sửa chữa máy bay phản lực chiến đấu”.

Nhà máy Z119 thuộc Quân chủng PK-KQ với nhiệm vụ sửa chữa vừa, sửa chữa lớn các loại ra-đa và trang thiết bị đồng bộ như xe ô tô, trạm nguồn điện, cơ khí đặc chủng… của Quân chủng PK-KQ, Quân chủng Hải quân.

Để giải quyết khó khăn về bảo đảm vật tư đặc chủng, sản xuất thiết bị thay thế, đơn vị đã phát huy sức mạnh tập thể, cho ra đời hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn đô-la Mỹ (thay cho việc nhập khẩu).

Chủ trì sáng kiến “Nghiên cứu, thiết kế, chế thử mảng xử lý đa năng cho ra-đa sử dụng công nghệ FPGA”, Đại úy Trần Đức Thiện phân tích:

“Mảng xử lý đa năng đảm nhiệm tất cả các chức năng tính toán số học, sau thời gian chiến đấu, qua quá trình sửa chữa nhiều lần, hiện các mảng dự phòng đã hết.

Việc bảo đảm vật tư rất khó khăn do sự khan hiếm các chủng loại linh kiện trên mảng (nhiều loại không còn sản xuất).

Sáng kiến sử dụng công nghệ FPGA để chế tạo khối xử lý đa năng và ứng dụng công nghệ ASIC trong thiết kế mảng khẳng định tính ưu việt.

Thiết bị mới này sử dụng linh kiện có sẵn trên thị trường, có tính năng chiến thuật, kỹ thuật tương đương mảng do nước ngoài sản xuất”.

Đại tá Lê Quang Thắng, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng PK-KQ, đánh giá:

“Thành công của các sản phẩm không những khẳng định khả năng làm chủ công nghệ của các nhà khoa học trẻ mà còn tiết kiệm được nhiều tỷ đồng chi phí nhập khẩu linh kiện đặc chủng”.

Nhiều năm khơi nguồn và phát triển, các hội thi: “Sản phẩm, đề tài sáng tạo”, “Tuổi trẻ sáng tạo”… đã phát huy tinh thần nhiệt huyết, lòng hăng say nghiên cứu khoa học và phát hiện, nâng đỡ, “chắp cánh” cho phong trào sáng tạo.

Song, để các phong trào thực sự đi vào đời sống, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tạo ra cơ chế thuận lợi.

Theo Trung tá Mai Xuân Anh, Trưởng ban Công đoàn Quân chủng PK-KQ thì: “Nên có sự hỗ trợ kịp thời về tài chính, thời gian cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên ở cơ sở”.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ cần khắc phục những khó khăn trong công tác xét duyệt. Đã có thực tế đề tài, sáng kiến chậm được triển khai, khiến công trình, sản phẩm không thể áp dụng vào sản xuất.

Nên chăng các cơ quan quản lý chuyên ngành, trên cơ sở rà soát nhu cầu của đơn vị, tiến hành đặt hàng và thông báo rộng rãi các nhu cầu đó cho các đơn vị có khả năng nghiên cứu, sản xuất.

Với cách làm này, quá trình nghiên cứu, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật sẽ gắn liền với thực tiễn.

Mặt khác, công tác nghiên cứu khoa học góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, tiết kiệm rất nhiều kinh phí nhập khẩu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại