"Trung Đông chỉ có 4 phút nếu Iran phóng tên lửa"

Vy Lam |

Mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Iran đang khiến các quốc gia vùng Vịnh vô cùng lo ngại.

Chỉ có 4 phút để hành động

Theo trang mạng Defense One, trong trường hợp Iran phóng tên lửa đạn đạo ở Trung Đông thì dù tên lửa này mang đầu đạn hạt nhân hay không, các quốc gia Arab cũng chỉ có 4 phút để hành động trước cú va chạm.

Lý tưởng nhất là phát hiện được vụ phóng tên lửa trước, dùng radar theo dõi tên lửa trong suốt hành trình bay và quỹ đạo của nó, sau đó truyền tín hiệu tới tên lửa đánh chặn.

Nếu kế hoạch diễn ra suôn sẻ, tên lửa đánh chặn sẽ va chạm với tên lửa của Iran khi nó tái xâm nhập bầu khí quyển.

Tuy nhiên, quốc gia nào sẽ bắn hạ tên lửa này? Trong khi mục tiêu chính của tên lửa Iran có thể là Saudi Arabia nhưng nó sẽ bay qua UAE, Qatar hoặc Kuwait.

Các đồng minh của Washington có trong tay những tên lửa đánh chặn tinh vi do Mỹ sản xuất. Song, có một vấn đề, đó là thiết bị của các nước không kết nối với nhau.

Vì vậy, tại hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) diễn ra trong tuần này, Washington đã tái thúc đẩy các quốc gia Arab kết nối các hệ thống tên lửa đánh chặn và radar của họ vào một lá chắn tên lửa duy nhất ở Trung Đông.

Thomas Karako, một chuyên gia phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) nói:

“Bạn không thể cứ mua một đống tên lửa đánh chặn và đặt chúng ở sa mạc.

Bạn phải kết hợp chúng lại với nhau thành một mạng lưới và cung cấp các thông tin cảnh báo sớm để chúng có thể xác định mục tiêu cần tấn công”.

Đổ xô mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ

Patriot missile launch b.jpg

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot

Các thành viên GCC đều có chung mối lo ngại đối với các cuộc tấn công tên lửa hạt nhân từ Iran.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh về chính trị, quân sự trong khu vực và thậm chí là mối lo ngại về gián điệp không gian mạng đã ngăn cản họ thiết lập lá chắn tên lửa chung như hệ thống của NATO ở châu Âu.

Do thiếu kế hoạch chiến lược chung giữa các bên, các quốc gia vùng Vịnh tự tìm mua các hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng họ, chủ yếu là hệ thống tên lửa Patriot và gần đây là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD

Việc đưa hệ thống phòng thủ tên lửa vào danh sách mua sắm vũ khí được coi là cái giá cho hòa bình với Iran.

Iran và phương Tây càng hướng tới mục tiêu nới lỏng các lệnh cấm đối với Tehran thì các quốc gia vùng Vịnh càng muốn có nhiều khả năng răn đe quân sự đối với quốc gia láng giềng đang dần thỏa khỏi sự kìm hãm này.

Saudi Arabia, UAE, Qatar và Kuwait đều đã có trong tay một phiên bản của hệ thống phòng thủ Patriot do Raytheon sản xuất.

Saudi Arabia đã ký thỏa thuận mua các hệ thống Patriot trị giá 2 tỷ USD vào tháng trước, còn Qatar ký thỏa thuận 2,4 tỷ USD mua Patriot vào tháng 12 năm ngoái.

Khi nhận được các đơn đặt hàng Patriot từ Trung Đông và một số khu vực khác, Raytheon đã xúc tiến các dự án nâng cấp và cải tiến hệ thống tên lửa này.

UAE đã đặt mua hệ thống đánh chặn THAAD từ Lockheed Martin và dự kiến sẽ nhận được các hệ thống này vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, Saudi Arabia và Qatar được cho là cũng đang quan tâm tới hệ thống THAAD.

Mỹ hiện có 10 tổ hợp Patriot được triển khai trong khu vực, trong đó có một tổ hợp ở Jordan để đề phòng trường hợp Syria tấn công tên lửa.

Mặc dù đã mua các hệ thống tên lửa đánh chặn tiên tiến của Mỹ nhưng các quốc gia vùng Vịnh không có trong tay các hệ thống radar và vệ tinh tinh vi mà Lầu Năm Góc thường sử dụng để theo dõi tên lửa đạn đạo.

Vì vậy, Qatar đã bày tỏ sự quan tâm tới hệ thống radar theo dõi tên lửa mà Lầu Năm Góc sử dụng để theo dõi các mối đe dọa nhằm vào Mỹ. Tại châu Á, Đài Loan đã mua một hệ thống tương tự.

UAE cũng tỏ ý muốn mua các vệ tinh cảnh báo sớm của Mỹ.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc đang tiến hành kết nối các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ vào trung tâm các chiến dịch phòng thủ tên lửa và phòng không ở Qatar.

Theo hãng Raytheon, nhà thầu của dự án, trung tâm này sẽ kết hợp chặt chẽ các hệ thống radar, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, THAAD, cùng hệ thống radar và phòng không châu Âu.

>>> Trận đấu S-300 - Máy bay Mỹ ở Iran qua góc nhìn chuyên gia Việt

>>> Chiêu độc của Nga để giải "cơn khát tiền" cho các ông trùm vũ khí

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại