Trong tay Việt Nam, tên lửa ‘phế thải’ vẫn thách thức mọi chiến trường

Minh Đức |

(Soha.vn) - Trải qua 56 năm tham chiến trên thế giới và 48 năm xuất hiện tại Việt Nam, 'rồng lửa' SA-2 vẫn là loại tên lửa phòng không thách thức mọi chiến trường.

S-75 Dvina (NATO định danh SA-2 Guideline) là tổ hợp tên lửa phòng không tầm cao có điều khiển được phát triển và đưa vào sử dụng tại Liên Xô vào năm 1957. S-75  lập chiến công đầu tiên khi bắn hạ một máy bay trinh sát Martin RB-57D Canberra của Đài Loan ở độ cao lớn vào năm 1959.

S-75 được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam vào năm 1965. Ngay khi được đưa đến tham chiến tại chiến trường Việt Nam, S-75 đã lập công bắn hạ một chiếc F-4C vào ngày 24/07/1965. Từ đó về sau, S-75 đã trở thành nỗi ám ảnh cho phi công Mỹ khi thực hiện các hoạt động đánh phá miền Bắc.

Cho tới nay, tên lửa SA-2 vẫn là một trong những trụ cột của lực lượng phòng không Việt Nam.
Cho tới nay, tên lửa SA-2 vẫn là một trong những trụ cột của lực lượng phòng không Việt Nam.

Sự hiệu quả của S-75 đã buộc Không quân Mỹ phải triển khai chiến thuật SEAD (áp chế phòng không đối phương) mở đầu bằng các phi vụ Wild Weasel (Chồn Hoang) nhằm săn lùng các bệ phóng tên lửa S-75 của phòng không Bắc Việt. Chiến trường Việt Nam chính là nơi khai sinh chiến thuật SEAD hiện đại ngày nay.

Tên lửa có chiều dài 10,77m, đường kính 654mm, sải cánh 2,56m, trọng lượng phóng 2397kg, đầu đạn phân mảnh nặng 197kg. Tên lửa có tốc độ nhanh gấp 3,5 lần tốc độ âm thanh (3.850km/h), tầm bắn chưa nâng cấp 45km, tầm cao 20km.

Một tổ hợp S-75 bao gồm: đạn tên lửa được đặt trên bệ phóng bán cố định SM-90, xe tiếp đạn PR-11A, radar điều khiển hỏa lực SRN-75 Fan Song, radar cảnh giới P-18, radar đo độ cao PRV-11, cùng một xe thùng điều khiển AV/UV.

Thách thức mọi chiến trường

Tên lửa SA-2 đón đầu chiếc F-105D của Không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.
Tên lửa SA-2 đón đầu chiếc F-105D của Không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.

Nếu xét ở gốc độ tuổi tác và công nghệ thì hệ thống tên lửa phòng không SA-2 đã được xếp vào hàng “phế thải”, không còn phù hợp với chiến trường hiện đại, nơi mà tác chiến công nghệ cao đang trở thành xu hướng chủ đạo.

Tuy nhiên, đối với những quốc gia không có ngân sách quốc phòng dồi dào như Việt Nam thì việc nâng cấp những hệ thống sẵn có lên các tiêu chuẩn hiện đại hơn là một giải pháp khả thi, cả ở góc độ chi phí cũng như đảm bảo khả năng bảo vệ an ninh quốc gia.

Tại Việt Nam hiện nay, S-75 vẫn là một trong những hệ thống phòng không chủ lực, để duy trì, tăng cường sức mạnh chiến đấu cũng như đáp ứng được những thách thức mới của tác chiến công nghệ cao S-75 của Việt Nam vẫn liên tục được cập nhật các công nghệ mới để đảm bảo khả năng chiến đấu.

Theo tờ Ausairpower, S-75 của Việt Nam đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn S-75M3 Volga-2, đây được xem là gói nâng cấp mạnh nhất hiện nay của gia đình tên lửa S-75. Đối với S-75 các nâng cấp chủ yếu thực hiện ở hệ thống điện tử bởi đây chính là nhân tố quyết định khả năng chiến đấu của hệ thống.

Điểm đặc biệt của gói nâng cấp này là hệ thống điều khiển hỏa lực sử dụng một số thành phần kỹ thuật số dùng cho hệ thống phòng không tối tân S-300PMU1/2. Với gói nâng cấp này, S-75 có thể được điều khiển bởi bộ khí tài chỉ huy đồng bộ 83M6E2 để kết nối các hệ thống S-300PMU1 và các hệ thống khác như S-125 để tạo nên mạng lưới phòng không tích hợp.

	Với gói nâng cấp S-75M3 Volga-2, sức mạnh của S-75 được tăng cường mạnh mẽ.

Với gói nâng cấp S-75M3 Volga-2, sức mạnh của S-75 được tăng cường mạnh mẽ.

Các tính năng sau khi nâng cấp bao gồm: Tự động theo dõi mục tiêu và dẫn hướng cho tên lửa trong môi trường tác chiến điện tử mạnh, khả năng kháng nhiễu của hệ thống tăng lên 20 lần so với S-75 nguyên bản. Tầm bắn tối đa sau khi nâng cấp đạt 60km, tầm cao tối đa đạt 27km, xác suất tiêu diệt mục tiêu ở cự 50km đạt từ 65-98%. Thời gian từ khi bám bắt mục tiêu đến khi sẵn sàng phóng tên lửa giảm từ 8 giây xuống còn 3 giây. Đây được xem là một gói nâng cấp “cải lão hoàn đồng” cho S-75.

Thực tế thì S-75 thiếu khả năng cơ động để bám đuổi theo những máy bay tiêm kích có khả năng cơ động cao. Tuy nhiên, ngay từ đầu nó đã được thiết kế cho nhiệm vụ tấn công các máy bay cánh cố định, máy bay vận tải, ném bom không có khả năng cơ động né tránh như các tiêm kích.

Với yêu cầu nhiệm vụ như vậy, đến nay, vai trò của S-75 vẫn không hề thuyên giảm. Mặt khác, tên lửa S-75 được trang bị đầu đạn phân mảnh nặng 195kg khi nổ tạo ra khoảng 29.000 mảnh vỡ, có phạm vi sát thương lên đến 65m ở độ cao thấp, ở độ cao lớn, phạm vi sát thương có thể lên đến 250m.

S-75 tỏ ra rất lợi hại trong kiểu bắn đón vào đội hình biên đội bay của đối phương với bán kính sát thương lớn đủ sức tiêu diệt bất kỳ loại máy bay nào. Theo các nguồn tin không chính thức, Việt Nam hiện có khoảng 300 bệ phóng S-75 với cơ số đạn tên lửa khoảng hơn 1.000 quả.

S-75 thường được triển khai hoạt động xen kẽ với các hệ thống phòng không khác như S-125, pháo phòng không các loại, ở những khu vực quan trọng, S-75 còn có sự hỗ trợ của hệ thống phòng không di động tối tân S-300 tạo nên mạng lưới phòng không nhiều tầng nhiều lớp, đủ sức bẻ gãy bất kỳ cuộc tập kích đường không nào.

Bất kỳ loại vũ khí nào dù hiện đại đến mấy đều có những điểm yếu riêng của nó. S-75 có thể gặp bất lợi khi tác chiến một cách đơn độc nhưng nếu được đặt vào trong thế trận phòng không xen kẽ hợp lý thì nó vẫn là một “sát thủ thách thức mọi chiến trường”.

Đối với chiến lược quốc phòng, biết khắc phục điểm yếu và phát huy tối đa thế mạnh mới chính là chìa khóa để dành chiến thắng trên chiến trường chứ không phải cứ đầu tư vũ khí hiện đại là có thể chiến thắng. S-75 cổ lỗ, lạc hậu nhưng nếu đặt nó vào một chiến lược quốc phòng hợp lý thì có thể giành chiến thắng trước bất kỳ cuộc tập kích đường không nào.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại