Trận xuất kích đầu tiên của MiG-19 trên bầu trời Việt Nam

Quốc Việt |

Ngày 8/5/1972, biên đội MiG-19 của Trung đoàn 925 đóng quân tại Yên Bái lần đầu xuất kích lập công bắn hạ 2 tiêm kích F-4 của Mỹ.

Cuối tháng 4 đầu tháng 5/1972, Không quân Mỹ sử dụng nhiều tốp máy bay có cả máy bay ném bom chiến lược B-52 tấn công các mục tiêu ở ngoại thành Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng.

Quân chủng Phòng không - Không quân nhận định, Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng các căn cứ ở Thái Lan để xuất kích đánh phá sân bay Yên Bái và đập Bái Thượng.

Ngày 8/5/1972, Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 925 sử dụng máy bay MiG-19 xuất kích trận đầu. Biên đội chiến đấu của Trung đoàn có nhiệm vụ bảo vệ sân bay Yên Bái, nhà máy thủy điện Thác Bà, ngăn chặn đội hình Không quân Mỹ từ hướng Tây.

Do các máy bay MiG-19 lần đầu xuất kích nên Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ cho biên đội MiG-21 của Trung đoàn 921 làm nhiệm vụ hỗ trợ, thu hút các tiêm kích của Mỹ. Nhiệm vụ của MiG-19 là đánh chặn các tốp cường kích.

So với MiG-17 và MiG-21, MiG-19 tham chiến muộn hơn. Tháng 2/1969, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 36 chiếc MiG-19, đây là một phiên bản do Trung Quốc sản xuất với tên gọi Shenyang J-6.

Trong 3 loại MiG của Việt Nam, MiG-19 tham chiến muộn nhất.
Trong 3 loại MiG của Việt Nam, MiG-19 tham chiến muộn nhất.

Quân chủng Phòng không - Không quân đã thành lập Trung đoàn không quân 925 với nòng cốt là MiG-19, đóng quân ở khu vực Yên Bái bảo vệ vùng trời Tây Bắc. Sau 2 năm huấn luyện, các phi công MiG-19 đã sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời tổ quốc.

MiG-19 (NATO định danh Farmer), thuộc loại tiêm kích thế hệ 2 do tập đoàn Mikoyan - Gurevich sản xuất, máy bay được thiết kế để thay thế cho MiG-17. MiG-19 được trang bị 2 động cơ phản lực RD-9, nó có thể đạt tốc độ tối đa 1.455 km/h.

Vũ khí chính trên MiG-19 là 3 khẩu pháo 30 mm với cơ số đạn 200 viên, ngoài ra cánh máy bay có 4 điểm treo cho tên lửa không đối không RS-3, bom hoặc rocket không điều khiển.

MiG-19 là một máy bay chiến đấu khá nhanh nhẹn, 3 khẩu pháo 30 mm mang lại cho nó lợi thế rất lớn trong các trận không chiến quần vòng cự ly gần.

Tuy nhiên điểm yếu của MiG-19 là rất ngốn nhiên liệu, phạm vi hoạt động của máy bay khoảng 1.390 km. Nhưng trong thực tế chiến đấu, do phi công liên tục phải bật tăng lực để đuổi theo đối phương hay cơ động tránh hỏa lực nên bán kính tác chiến bị thu hẹp khá nhiều.

Chiến công ngay lần xuất kích đầu tiên

Ngay lần đầu xuất kích, biên đội MiG-19 đã lập công bắn hạ 2 chiếc F-4 của Mỹ.
Ngay lần đầu xuất kích, biên đội MiG-19 đã lập công bắn hạ 2 chiếc F-4 của Mỹ.

Khoảng 8h50' tại sân bay Yên Bái, lực lượng radar cảnh giới phát hiện một tốp F-4 của Mỹ đang tiến về khu vực Yên Bái. Sở chỉ huy Trung đoàn 925 ra lệnh cho biên đội MiG-19 xuất kích đánh chặn tốp máy bay Mỹ.

Đây là lần đầu tiên, F-4 đối đầu với MiG-19 trên bầu trời Yên Bái. Trận không chiến diễn ra rất ác liệt, hai bên liên tục quần đảo nhau nhằm chiếm lợi thế để công kích.

Mỹ nắm ưu thế về số lượng, nhưng các phi công Việt Nam đã vận dụng chiến thuật khéo léo khiến họ phải chịu tổn thất. Trong lần đầu xuất kích, 4 chiếc MiG-19 đã bắn hạ 2 chiếc F-4 của Không quân Mỹ mà không phải chịu tổn thất nào.

Trong trận này, các tiêm kích MiG-21 làm nhiệm vụ hỗ trợ cho MiG-19 bắn rơi 2 chiếc F-4. Một chiếc MiG-21 bị hỏng trong quá trình hạ cánh khẩn cấp khiến phi công Võ Sỹ Giáp hy sinh.

Phía Mỹ công bố rằng trận không chiến ngày 8/5/1972, họ bắn rơi 1 chiếc MiG-19 của Việt Nam và không thừa nhận tổn thất chiếc nào.

Những năm chống chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ, các máy bay MiG-19 đã xuất kích hàng trăm lần và bắn rơi được 9 máy bay đối phương.

Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam 1965 - 1975, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại