TQ mượn nước thứ ba sở hữu công nghệ vũ khí Nga

Công ty sản xuất máy bay chiến đấu lớn nhất Ukraine đã ký hợp đồng bán hàng trăm bộ động cơ máy bay cho Trung Quốc.

Hợp đồng “khủng” giữa Trung Quốc và Ukraine

Sau chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Viktor Fedorovych Yanukovych cùng một số quan chức quốc phòng và doanh nghiệp vũ khí nước này tới Trung Quốc hồi đầu tháng 12/2013, thông tin về một bản hợp đồng vũ khí tầm cỡ giữa hai quốc gia đã được hé lộ.

Theo nguồn tin, tháp tùng chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Viktor Fedorovych Yanukovych, giám đốc công ty công nghiệp quốc phòng Ukraine đã tiến hành đàm phán với lãnh đạo Bộ tổng trang bị Quân đội Trung Quốc thảo luận về triển vọng hợp tác hơn nữa.

Hai bên thảo luận về việc Ukraine đã hoàn thành hợp đồng hiện có trong việc cung ứng trang bị kỹ thuật hải quân và không quân với Trung Quốc, phối hợp giúp nước này tổ chức sản xuất trang bị kỹ thuật. Trung Quốc cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc thực hiện thành công hợp đồng đã được ký kết, đồng thời bày tỏ việc chuẩn vị mở rộng hợp tác kỹ thuật quân sự hai bên.

Ukraine và Trung Quốc cũng mở rộng thảo luận về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Khi đàm phán với lãnh đạo Công ty Công nghệ Bảo Lợi Trung Quốc, hai bên đã phân tích về triển vọng hợp tác trong sản xuất xe tăng, xe bọc thép, cải tiến sản xuất vũ khí phá hủy có độ chính xác cao cũng như triển vọng nghiên cứu chung về hệ thống vũ khí trang bị, bao gồm lĩnh vực chế tạo tàu chiến.

Hãng Motor Sich - công ty sản xuất động cơ máy bay lớn nhất Ukraine đã đạt được sự thỏa thuận chung với Trung Quốc, sẽ bán hàng trăm động cơ máy bay và cung cấp dịch vụ bảo dưỡng máy bay. Tuy nhiên, truyền thông Ukraine không tiết lộ thêm thông tin chi tiết về thương vụ.

Trung Quốc có được công nghệ vũ khí Nga – Liên Xô từ nước thứ ba

Thời gian gần đây, mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Trung Quốc và Ukraine ngày càng chặt chẽ. Trung Quốc là một trong những bạn hàng quan trọng nhất, giúp tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Ukraine trong 9 tháng đầu năm 2013 đạt trị giá 1 tỷ USD.

Ukraine trước đây là nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết, nơi đây có rất nhiều nhà máy, viện thiết kế chủ lực của công nghiệp quốc phòng.

Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine nắm giữ nhiều nhà máy quan trọng cùng chuyên gia, kỹ sư, công nhân lành nghề trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao. Đặc biệt, nước này đã nắm giữ rất nhiều tài liệu kỹ thuật, nguyên mẫu của các chương trình phát triển vũ khí “khủng” dưới thời Liên Xô.

Tàu đệm khí Zubr của Ukraine là tàu đệm khí đổ bộ lớn nhất hiện nay trên thế giới
Tàu đệm khí Zubr của Ukraine là tàu đệm khí đổ bộ lớn nhất hiện nay trên thế giới

Từ xe tăng, máy bay, tên lửa, tàu thuyền, động cơ, Ukraine đều nắm giữ nhiều phần quan trọng. Qua đó, nước này đã cho ra đời những vũ khí mang tầm cỡ thế giới như: xe tăng chiến đấu T-84; xe bọc thép BTR-3/4; máy bay vận tải An-124, An-70; radar trinh sát…Đặc biệt, Ukraine là quốc gia sản xuất động cơ tuốc bin khí cho tàu chiến hàng đầu thế giới.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã có những vũ khí gì từ phía đối tác Đông Âu này? Trước hết, cần phải kể đến niềm tự hào của Hải quân Trung Quốc, được cho là đại diện của sức mạnh viễn chinh đương đại, tàu sân bay Liêu Ninh, mà trước đó, tiền thân của nó là con tàu Varyag, trước thuộc biên chế của Hải quân Liên Xô, sau về tay Ukraine.

Được biết, Trung Quốc đang nghiên cứu và phát triển một tàu sân bay “made in China”, tuy nhiên, theo giới phân tích nhận định, tàu sân bay mà Trung Quốc sắp đóng này đơn thuần là bản nâng cấp của Liêu Ninh.

Tuy nhiên, có tàu sân bay rồi, Trung Quốc vẫn chưa có mẫu tiêm kích hạm nào phù hợp cho mình. Sau nhiều lần đàm phán bất thành với Su-33, mẫu tiêm kích hạm tiên tiến của Nga, Trung Quốc đã tìm đến Ukraine như một cứu tinh khi Ukraine sở hữu dòng máy bay tiền thân Su-33: tiêm kích T-10K. Nguyên mẫu này đã được bán cho Trung Quốc vào khoảng năm 2001. Và rất nhanh sau đó, Trung Quốc có tiêm kích hạm J-15.

Tiếp đến là tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới hiện nay – Zubr. Trước hết, Trung Quốc rất hao tâm tốn sức để đặt vấn đề với Nga mua loại tàu này, tuy nhiên, đều thất bại. Ukraine một lần nữa đóng vai đấng cứu tinh khi nhà máy Morie ở Feodosya (Ukraine), trước đây lại là nơi chế tạo loại tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới này.

Không có Ukraine, Liêu Ninh của Trung Quốc có lẽ chỉ sử dụng được vào mục đích làm
Không có Ukraine, Liêu Ninh của Trung Quốc có lẽ chỉ sử dụng được vào mục đích làm "sân vận động trên biển" (máy bay J-15)

Ngay lập tức, Trung Quốc đã chơi trội khi thanh toán toàn bộ khoản nợ của công ty này. Đồng thời đặt lên bàn đàm phán 350 triệu USD để mua về 4 tàu đổ bộ đệm khí “sao chép hoàn toàn từ Project 12322 Zubr của Nga với cái tên Project 958 Bizon. Điều đáng chú ý, trong 4 chiếc tàu, 2 chiếc sẽ được đóng tại Ukraine, còn 2 chiếc sẽ được Trung Quốc đóng với sự giúp đỡ, giám sát của kỹ sư Ukraine.

Ngoài ra, Ukraine đã từng bán cho Trung Quốc động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Ivchenko-Progress AI-222-25 cho máy bay huấn luyện - chiến đấu Hồng Du L-15 của Trung Quốc. Với động cơ này, Hồng Du L-15 đã có thể đạt đến vận tốc siêu thanh.

Như vậy, nhờ vào Ukraine, Trung Quốc đã có được những công nghệ vũ khí hiện đại, then chốt trong thế kỷ đại dương như công nghệ tàu sân bay, tiêm kích hạm, tàu đổ bộ…

Ukraine như một mỏ vàng công nghệ mà Trung Quốc dễ dàng khai thác, và người Nga chỉ biết ngậm ngùi nhận “quả đắng” từ người láng giềng có biệt tài của chuyên gia sao chép. Cũng khó có thể trách Ukraine khi bán những công nghệ thừa thãi với mình khi nó mang lại lợi nhuận cao và không ảnh hưởng gì đến an ninh quốc gia.

Nhờ có quốc gia thứ ba này, Trung Quốc có thể đạt được nhiều mục tiêu họ mong muốn mà không mất quá nhiều công sức, tiền của để nghiên cứu.

Nga và Ukraine bất ngờ đàm phán đối tác chiến lược

Ngay sau chuyến thăm Trung Quốc nói trên, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich đã bay từ Trung Quốc tới Sochi, miền nam Nga, để có cuộc họp với Tổng thống Putin. Để tham dự cuộc đàm phán bất ngờ này, ông đã phải hủy chuyến công du đã lên kế hoạch tới Malta, hãng thông tấn UNIAN của Ukraine đưa tin hôm 6/12.

Và càng bất ngờ hơn khi tại Sochi, hai vị Tổng thống đã bàn định về kế hoạch của một mối quan hệ “đối tác chiến lược” của hai quốc gia.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh những mâu thuẫn chính trị trong nước của Ukraine đang leo thang. Tháng trước, ông Yanukovych đã treo ký kết thỏa thuận đối tác với Liên minh châu Âu (EU), châm ngòi cho các cuộc biểu tình giận dữ ở thủ đô Kiev.

Đáp lại, ông Putin đẩy mạnh việc kêu gọi Ukraine gia nhập liên minh thuế quan của Nga với Belarus và Kazakhstan, liên minh mà điều kiện gia nhập ít nhọc nhằn hơn của EU.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại