TQ âm mưu dùng thủy phi cơ đội lốt dân sự độc chiếm Biển Đông

Quốc Việt |

Dù TQ không đả động gì tới việc sử dụng thủy phi cơ AG600 cho quân sự nhưng theo các chuyên gia, đây có thể là 1 công cụ để TQ thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Trung Quốc đang phát triển Dự án thủy phi cơ lớn nhất thế giới AG600, với khả năng cất hạ cánh trên mặt nước.

Theo các chuyên gia, điều đó giúp cho Bắc Kinh dễ dàng thực hiện các yêu sách của mình trên Biển Đông.

Chuyên gia Richard Bitzinger tại trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore nhận định:

“Thủy phi cơ AG600 sẽ là công cụ hoàn hảo để tái cung cấp cho các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trên Biển Đông.

Đồng thời, những hòn đảo này sẽ là căn cứ thích hợp cho AG600 để tham gia vào các hoạt động tuần tra hàng hải trên những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền”.

Với trọng lượng cất cánh tối đa 60 tấn, AG600 sẽ là thủy phi cơ lớn nhất của Trung Quốc khi đi vào hoạt động trong năm 2016 hoặc 2017.

Theo trang Defense News, AG600 được trang bị 4 động cơ cánh quạt WJ-6, tầm hoạt động khoảng 5.500 km, tốc độ tối đa khoảng 555 km/h.

Phần thân phía trước của thủy phi cơ AG600 vừa được hoàn thành gần đây.
Phần thân phía trước của thủy phi cơ AG600 vừa được hoàn thành gần đây.

Nhà thầu chính của dự án AG600 là Tổng công ty công nghiệp hàng không Trung Quốc (CAIGA). Đơn vị này đang phát triển 2 biến thể thủy phi cơ khác nhau.

Tháng 3 năm nay, công ty CAIGA thông báo rằng họ đã hoàn thành việc lắp ráp phần thân phía trước của mẫu thử nghiệm.

Các tài liệu quảng cáo của CAIGA cho biết AG600 có thể thực hiện 4 sứ mệnh: Tìm kiếm và cứu hộ (SAR), cứu hỏa, vận tải (lên tới 50 hành khách) và giám sát biển.

Mặc dù các tài liệu của CAIGA không nhắc tới việc sử dụng cho quân sự nhưng lịch sử cho thấy các thủy phi cơ có thị trường thương mại tương đối nhỏ.

Vasiliy Kashin, một chuyên gia quân sự Trung Quốc tại Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ tại Moscow, nhận định:

Các tài liệu quảng cáo của các thủy phi cơ cỡ lớn của Nhật Bản và Nga chứng tỏ thị trường cho các sứ mệnh cứu hỏa, tìm kiếm và cứu hộ khá nhỏ.

"Do chương trình không thể biện minh bằng nhu cầu dân sự, sự giải thích có lý là chương trình có tầm quan trọng về mặt quân sự", ông Kashin nói.

Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) nhận định, AG600 có thể nhanh chóng vận chuyển hàng hóa và binh lính Trung Quốc tới các khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng và xây dựng những công trình trái phép.

Trong khi đó, theo ông Sam Bateman, một cố vấn của Chương trình an ninh biển thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, các thủy phi cơ AG600 còn có thể phục vụ quân đội Trung Quốc trong các sứ mệnh tình báo điện tử và tình báo tín hiệu.

Tuy nhiên, ông Bateman không xem các thủy phi cơ AG600 là "kẻ thay đổi cuộc chơi" ở Biển Đông, dù chúng có thể phục vụ việc "cung ứng nhanh và củng cố các tiền đồn quân sự trên các đảo không có đường băng".

Theo Defense News, AG600 không phải là chiếc thủy phi cơ đầu tiên được CAIGA phát triển.

Tại Triển lãm hàng không năm 2014, CAIGA từng trưng bày các mô hình của thủy phi cơ H660 và H631 có tải trọng và tầm xa tương đương. Cũng đã có một mô hình cho chiếc thủy phi cơ H680 Sea Eagle.

CAIGO còn chế tạo 2 thủy phi cơ chở khách hạng nhẹ, 208B và HO300, đều có tầm xa từ 1.000-1.500 km.

Theo tạp chí Diplomat, dự án phát triển AG600 có thể bắt đầu từ năm 2009, một số nguồn tin cho rằng, khoảng 60 chiếc sẽ được xây dựng trong những năm tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại