Tống A-10 và U-2 "về vườn", Mỹ rót tiền cho vũ khí nào?

Không quân Mỹ sẽ cho máy bay A-10 Warthog và U-2 “về hưu” trong thời gian tới, nhưng lực lượng này cũng sẽ đầu tư vào những công nghệ mới trong năm tài khóa 2015.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc ngày 24/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói với các phóng viên rằng Quân đội Mỹ đã phải đối mặt với những lựa chọ khó khăn với việc “tập trung vào năng lực chứ không phải khả năng" và nước này vẫn sẽ “tiếp tục thực hiện các chương trình hiện đại hóa quan trọng (của Không quân) như các máy bay ném bom, máy bay chiến đấu đa năng F-35 và tàu chở dầu tiếp nhiên liệu mới".

Ngoài ba ưu tiên hàng đầu trên của Không quân, Bộ Quốc phòng hy vọng sẽ chi thêm 1 tỷ USD nhằm bổ sung cho một "công nghệ về động cơ máy bay phản lực thế hệ kế tiếp đầy hứa hẹn” và Lầu Năm Góc hy vọng rằng việc sản xuất động cơ theo công nghệ mới này tiết kiệm được chi phí nhờ tiêu tốn ít nhiên liệu cũng như yêu cầu về bảo dưỡng thấp hơn.

Nhìn bề ngoài, việc phát triển công nghệ động cơ mới với chi phí thấp như là lý do chính để tiếp tục tài trợ cho các chương trình, nhưng thực chất Bộ Quốc phòng ủng hộ dự án này là nhằm duy trì cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình. "Chúng tôi cần phải tiếp tục đầu tư vào các cơ sở công nghiệp để duy trì những tiến bộ mà chúng ta đang cần. Ngay cả trong trường hợp ngân sách cắt giảm, chúng ta vẫn phải tiếp tục đầu tư và các cơ sở công nghiệp quốc phòng là đối tác quan trọng", một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ giấu tên cho biết.

Để tài trợ cho chương trình này trong bối cảnh cắt giảm ngân sách quốc phòng của Lầu Năm Góc nói chung và lực lượng không quân nói riêng, Không quân sẽ cho "về vườn" các phi đội không quân chiến thuật A-10 và theo ông Hagel, "việc thải loại A-10 sẽ tiết kiệm 3,5 tỷ USD/năm và giúp đẩy nhanh kế hoạch hiện đại hóa dài hạn của Không quân".

Ông Hagel nói thêm rằng "A- 10 đã phục vụ trong vòng 40 năm nay với một mục đích duy nhất là tiêu diệt xe tăng của đối phương trên chiến trường trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và hiện nay nó không thể tồn tại hoặc không hiệu quả ở những khu vực mà đối phương có các loại máy bay hiện đại hơn hay hệ thống phòng không tiên tiến hơn”.

Hơn nữa, A- 10 không cần thiết bởi vì các lực lượng không quân đã có lựa chọn thay thế. "Như chúng ta đã thấy ở Iraq và Afganistan, sự ra đời của vũ khí chính xác có nghĩa là nhiều nhiều loại máy bay có thể hỗ trợ trên không rất hiệu quả", ông Hagel nói.

Ngoài ra, thời gian phục vụ lâu dài của A-10 cũng là một vấn đề. Việc duy trì các phi đội này từ bốn thập kỷ nay ngày càng trở nên khó khăn và tốn kém. Giảm quy mô của phi đội A-10 không phải là một lựa chọn tốt nhất. "Tiết kiệm đáng kể chỉ có thể thông qua loại bỏ toàn bộ phi đội ", ông Hagel cho biết.

Nhưng A- 10 không phải là máy bay duy nhất chịu áp lực từ việc cắt giảm ngân sách. Lầu Năm Góc cũng đang đề xuất “sa thải” toàn bộ phi đội máy bay U-2 để tập trung đầu tư cho máy bay không người lái RQ-4B Block 30 Global Hawk.

U-2 và Global Hawk.

Trong suốt 5 năm, Không quân Mỹ đã cố gắng thay thế các máy bay có người lái U-2 bằng loại máy bay RQ-4 Global Hawk. Thế nhưng, kế hoạch liên tục bị trì hoãn khiến U-2 phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Trong các bài kiểm tra, Global Hawk đã không chứng minh được sự tin cậy trong hoạt động, đặc biệt là khả năng làm việc độc lập. Một điểm yếu nữa là Hawk không thể trang bị các cảm biến giống như U-2, lý do bắt nguồn từ việc U-2 có kích thước lớn hơn nhiều lần. Thêm vào đó, U-2 là loại máy bay có người lái nên khả năng xử lý được đánh giá là hiệu quả hơn.

Các kỹ thuật viên của Không quân Mỹ liên tục hứa hẹn giải quyết vấn đề trên. Tuy nhiên, sau hàng loạt những lần nâng cấp, cải tiến, hệ thống cảm biến của Global Hawk vẫn chưa thể cạnh tranh với khả năng hiện tại của U-2. Một lí do khác mà Hawk chưa thể thế chỗ U-2 là phần mềm chưa đủ thông minh như phi công. Con người vẫn vượt trội hơn hệ thống máy tính, đặc biệt trong các tình huống thực tế. Thêm vào đó, trong suốt nửa thế kỷ hoạt động, những nhược điểm và tính thất thường của U-2 đều được nắm rõ, trong khi những hiểu biết về hạn chế của Global Hawk trên chiến trường là rất ít. Mới đây, dù các nhà chuyên môn ấn tượng cao với thành tích bay vượt Thái Bình Dương, từ Bắc Mỹ tới Australia của Hawk nhưng có một thực tế là hệ thống máy tính của mẫu máy bay này chưa biết cách tự xử lý các trục trặc bất ngờ.

Máy bay U-2 được đưa vào phục vụ cho Không quân Mỹ từ năm 1955 với 86 chiếc được chế tạo. Cho đến nay, có 26 chiếc vẫn còn phục vụ. Có khoảng 900 phi công có thể lái U-2 vào thời điểm này. Việc sử dụng U-2 dựa rất nhiều vào phi công, trong khi đó, những nhiệm vụ kéo dài 12 giờ ở độ cao lớn khiến phi mệt mỏi. Đó là lý do mà Không quân Mỹ phải duy trì một lượng phi công lớn để có thể đáp ứng các nhiệm vụ hàng ngày của U-2 bay qua Trung Đông, Afghanistan và Hàn Quốc. Điều này cũng thúc đẩy Quốc hội Mỹ phản đối kế hoạch thay thế U-2 bằng Global Hawk bởi sẽ có nhiều người thất nghiệp.

Một quan chức quân sự cấp cao cho biết, Global Hawk sẽ tiếp tục được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu của Lầu Năm Góc, nhưng không nói gì về những thay đổi sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận định "với phạm vi hoạt động và độ bền tốt hơn, Global Hawk sẽ trở thành loại máy bay trinh sát tầm cao rất tốt và hiệu quả trong tương lai".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại