Trang mạng tiếng Trung toutiao đăng bài viết đặt vấn đề: Liệu F-22 có thể tiêu diệt cơ sở phóng tên lửa bờ của Trung Quốc?
Bài viết trên trang mạng này cho biết, gần đây, máy bay chiến đấu F-22 của Không quân Mỹ lần đầu tiên bay biểu diễn và trở thành “ngôi sao” tại triển lãm quốc tế ADEX 2015 Hàn Quốc.
Trước đó, quân đội Mỹ tuyên bố sẽ triển khai luân phiên F-22 tại Nhật Bản, điều đó có nghĩa máy bay chiến đấu thế hệ 5 này bắt đầu trở thành “khách quen” trên bầu trời Đông Á.
Liệu sự xuất hiện của F-22 có tạo thành mối đe dọa đối với mục tiêu quan trọng của Trung Quốc, như cơ sở phóng tên lửa bờ?
Theo toutiao, F-22 có nhiều hạn chế về khả năng mang vũ khí và tầm hoạt động.
Những hạn chế của F-22
Theo toutiao, tuy F-22 ban đầu được thiết kế đa nhiệm và đã được kiểm tra thực chiến khả năng tấn công đối đất trong cuộc không kích Syria nhưng nói chung, máy bay này không hoàn toàn phù hợp để thực hiện nhiệm vụ tấn công.
Chưa xét đến các yếu tố như bảo đảm hậu cần, bán kính tác chiến…, chỉ nhìn vào hệ thống vũ khí của F-22 có thể thấy trong quá trình thiết kế, người ta không tính đến khả năng mang vũ khí tấn công tầm xa cỡ lớn trong khoang chứa ở thân máy bay.
Thay vào đó, F-22 chỉ có thể sử dụng tên lửa không đối đất chiến thuật hoặc bom thông minh JDAM để tấn công chiến thuật tầm gần.
Trong tương lai, F-22 vẫn có thể tiến hành tấn công trong khu vực phòng thủ của đối phương nhưng nó phải đối mặt với nguy cơ không đủ vũ khí, hạn chế về tầm bay (không thể mang thùng nhiên liệu phụ bên ngoài) và khả năng thâm nhập kém.
Khi thực hiện nhiệm vụ tấn công, F-22 chỉ mang tên lửa không đối không để tự vệ nên nếu đối phương có hệ thống phòng không tốt, khả năng sống sót của nó sẽ thấp hơn so với khi thực hiện nhiệm vụ giành hoặc duy trì quyền kiểm soát trên không.
Nhiệm vụ bất khả thi
Một khía cạnh khác cần xét đến là khả năng phòng thủ của quân đội Trung Quốc trước máy bay tàng hình.
Đối với các loại vũ khí phòng không của Trung Quốc, việc phát hiện F-22 tương đối khó khăn, do khả năng tàng hình trước radar của F-22 rất tốt. Tuy nhiên, không có nghĩa họ là không thể phát hiện F-22.
Vào những năm 1990, Séc đã nghiên cứu ra radar Vera, với khả năng phát hiện và tìm kiếm hiệu quả máy bay tàng hình có radar sóng milimet.
Trung Quốc tuy không có trang bị thành công radar Vera nhưng sau khi có được công nghệ liên quan, nước này đã phát triển radar JY-26, JY-27A, YLC-8B, YLC-2V và YLC-20 trên đất liền cũng như radar cảnh báo tầm xa Type 517 trên tàu.
Chúng đều có khả năng chống tàng hình nhất định.
Trung Quốc còn có tên lửa phòng không tầm xa, trung, gần như HQ-9. HQ-16, HQ-17, hệ thống phòng không kết hợp pháo/tên lửa HQ-6A, cùng lưới phòng không do lượng lớn chiến đấu cơ thế hệ 4 Trung Quốc (tương lai sẽ có tiêm kích thế hệ 5 như J-20) hợp thành.
Sự phát triển của Trung Quốc trong công nghệ chống tàng hình và những hạn chế của F-22 khi tấn công mục tiêu trên bộ, trên biển đã làm giảm khả năng sống sót của mẫu máy bay này khi thực hiện tấn công các cơ sở phóng tên lửa bờ.
Tất nhiên, đối đầu với hệ thống không cân bằng này, bên tấn công cũng không phải là không có cách.
Trước khi tấn công cơ sở phóng tên lửa bờ của Trung Quốc, quân đội Mỹ sẽ điều máy bay chiến đấu thực hiện nhiệm vụ Khống Chế Phòng Không Địch (SEAD), mục tiêu tấn công chủ yếu là radar cảnh giới và hệ thống tên lửa phòng không của đối phương.
Nếu hệ thống tên lửa phòng không xung quanh cơ sở phóng bị phá hủy thì Trung Quốc khó có thể chỉ dựa máy bay chiến đấu để đánh chặn F-22.
Việc bổ sung lực lượng, trang bị, triển khai trận địa và hình thành khả năng tác chiến một lần nữa cũng cần thời gian. Trong thời gian ngắn như vậy, xác suất hoàn thành nhiệm vụ tấn công của F-22 sẽ được nâng cao.
Tuy nhiên, các máy bay thực hiện nhiệm vụ SEAD chủ yếu là các chiến đấu cơ thế hệ 4 như F-15E, F-16CJ nên khả năng bị hỏa lực phòng không đối phương bắn hạ cũng tương đối lớn.
Nếu để F-22 thực hiện nhiệm vụ SEAD, điều đó sẽ không chỉ gây áp lực nhiệm vụ đối với F-22 mà quan trọng hơn là hiệu quả tấn công cũng không như máy bay chiến đấu thế hệ 4.
Vì vậy, có thể dự đoán quân đội Mỹ không thể sử dụng F-22 thực hiện nhiệm vụ SEAD. Trong tương lai, để giải quyết vấn đề này, Mỹ có thể sẽ triển khai F-35.
F-35 cũng có tính năng tàng hình tương đối mạnh nhưng tính cơ động kém xa F-22.
Bên cạnh đó, để trở thành máy bay chiến đấu đa năng với nhiệm vụ chủ yếu là tấn công đối đất thì khi tác chiến, F-35 phải sử dụng vũ khí treo bên ngoài để nâng cao khả năng tấn công. Điều này khiến nó ít có sự khác biệt so với F-15E, F-16CJ.
Nếu đối phương có hệ thống phòng không hoàn chỉnh thì đối phó với máy bay làm nhiệm vụ SEAD này không quá khó khăn.
Căn cứ vào những phân tích trên, toutiao kết luận rằng, về cơ bản, tiêu diệt cơ sở phóng tên lửa bờ của Trung Quốc là nhiệm vụ bất khả thi đối với F-22.