Tiêm kích hiện đại nhất Mỹ lại mắc lỗi "không thể chấp nhận được"

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Một bản báo cáo mới đây nhận định F-35 mắc phải lỗi về phần mềm, có độ tin cậy kém hơn và khó bảo trì.

Một bản báo cáo mới của Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng những vấn đề tiếp diễn liên quan đến phần mềm, bảo trì và độ tin cậy của tiêm kích thế hệ năm F-35 có thể sẽ làm trì hoãn kế hoạch đưa vào sử dụng F-35 của Thủy quân lục chiến Mỹ tới giữa năm 2015.

Bản báo cáo mới đây nhất của Michael Gilmore, người đứng đầu cơ quan thử nghiệm vũ khí của Lầu Năm Góc, đã cung cấp những chi tiết về những thách thức kĩ thuật của chương trình F-35, trong đó tập trung phần lớn vào những khía cạnh "không thể chấp nhận được” của phần mềm trên máy bay. Bản thảo báo cáo dài 25 trang đã được cung cấp cho hãng tin Reuters.

Trong đó, bản báo cáo cũng dự đoán khả năng trì hoãn kéo dài tới 13 tháng trong việc hoàn thành thử nghiệm phần mềm Block 2B mà Thủy quân lục chiến cần có để đưa máy bay vào hoạt động lần đầu trong năm tới.

Gilmore từ lâu đã chỉ trích chương trình F-35 với chi phí 392 tỉ USD tốn kém nhất của Lầu Năm Góc và báo cáo mới đây của ông cũng không ngoại lệ. Bản báo cáo sẽ được gửi tới Quốc hội Mỹ trong tuần này đề cập rằng chiếc F-35 có độ tin cậy kém hơn và khó bảo trì hơn mong đợi, đồng thời máy bay rất dễ bị hư hỏng bởi những ngọn lửa phát ra trong các đợt phóng tên lửa.

Trung tướng Không quân Chris Bogdan, Giám đốc chương trình F-35 phát biểu với hãng tin Reuters rằng bản báo cáo của Gilmore trên thực tế là chính xác nhưng nó đã không phản ánh được những nỗ lực khắc phục các vấn đề về phần mềm, độ tin cậy và bảo trì mà tổ chức của ông và ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đang tiến hành.

Bogan nói: “Thiết kế cơ bản của F-35 là hợp lý, những kết quả thử nghiệm ghi nhận sự tin tưởng của chúng tôi vào hoạt động của chiếc máy bay mà Mỹ và các đối tác quốc tế đã đánh giá rất cao. Tất nhiên chúng tôi cũng thừa nhận những rủi ro tồn tại trong chương trình này, tuy nhiên chúng tôi nắm được và có thể xử lý được chúng”.

Tướng Bogdan vẫn tin tưởng rằng Thủy quân lục chiến Mỹ hoàn toàn có thể đạt được khả năng chiến đấu ban đầu (ICC) của F-35 trong năm tới, ông đề cập một chuỗi các đợt thử nghiệm vũ khí thành công hồi cuối năm ngoái đối với F-35. Bogdan cho rằng chương trình này hiện đã đi được nửa chặng đường thông qua các hoạt động thử nghiệm sau khi hoàn tất 1.153 chuyến bay và hoàn thành hơn 9.000 mục tiêu thử nghiệm trong năm 2013.

Lockheed phát triển F-35 cho Thủy quân lục chiến, Không quân và Hải quân, cùng với 8 quốc gia hỗ trợ chi phí phát triển đó là Anh, Canada, Australia, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Đan Mạch, Hà Lan. Mới đây, Israel và Nhật Bản cũng đã đặt hàng loại chiến đấu cơ tiên tiến này. Tuy nhiên, gần đây F-35 liên tiếp gặp phải bê bối, trong đó liên quan đến việc F-35 sử dụng linh kiện Trung Quốc và việc Mỹ phát hiện một kĩ sư nguời Mỹ gốc Iran có ý đồ tiết lộ công nghệ chế tạo máy bay F-35 cho phía Iran.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại