Thủy quân lục chiến Trung Quốc có đáng lo ngại?

Trung Phạm |

(Soha.vn) - PLA coi Thủy quân lục chiến là đơn vị đặc nhiệm đặc biệt ưu tú nên đây sẽ là một trong những lực lượng mà Mỹ cần phải tính tới trong chiến lược của mình ở khu vực.

Như một phần của chiến lược “xoay trục” sang Thái Bình Dương, Mỹ đã gia tăng đáng kể hiện diện quân sự tại châu Á, trong đó có việc tăng cường các khả năng tác chiến đổ bộ cho lực lượng Thủy quân lục chiến. Kịch bản giả định mà Hải quân và Lính thủy đánh bộ Mỹ luôn được huấn luyện là sẵn sàng đối phó với cuộc tấn công nhằm vào Đài Loan và một cuộc xâm lược đổ bộ hỗn hợp của Hải quân Trung Quốc (PLAN). Nếu viễn cảnh này xảy ra, về phía Trung Quốc, lực lượng Thủy quân lục chiến có thể cũng sẽ được PLAN sử dụng như một mũi nhọn chủ chốt.

Trung Quốc đang phát triển Thủy quân lục chiến như thế nào?

PLA thành lập trung đoàn thủy quân lục chiến đầu tiên của mình vào tháng Tư năm 1953 nhưng lại giải tán sau đó vài năm khi Trung Quốc từ bỏ kế hoạch giải phóng Đài Loan bằng vũ lực. Lực lượng này được tái lập vào cuối những năm 1970 và tầm quan trọng của nó phát triển cùng với việc Trung Quốc đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền trên biển.

Thủy quân lục chiến của PLA hiện nay là một lực lượng tấn công đổ bộ tương đối nhỏ, chỉ gồm hai lữ đoàn với khoảng 6.000 quân cho mỗi đơn vị. Tuy nhiên, số này lại được Trung Quốc tăng cường bởi sức mạnh hải quân, không quân, pháo binh và thiết giáp đổ bộ. PLA coi Thủy quân lục chiến là một lực lượng đặc nhiệm đặc biệt ưu tú, được đào tạo và trang bị rất tốt, sử dụng công nghệ mới nhất của cả Trung Quốc và Nga.

Thủy quân lục chiến PLA sử dụng công nghệ mới nhất của cả Trung Quốc và Nga
Thủy quân lục chiến PLA sử dụng công nghệ mới nhất của cả Trung Quốc và Nga

Đơn vị này được huấn luyện để tham gia vào các hoạt động tấn công đổ bộ, nhảy dù và thường được triển khai cho các nhiệm vụ đột kích. Cũng giống như PLAN, Thủy quân lục chiến PLA vẫn còn đang trong quá trình phát triển và hiện đang rất thiếu những khả năng cần thiết cho một cuộc tấn công xuyên Eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, họ lại đang nhanh chóng phát triển khả năng này như một phần của chiến lược quân sự tổng thể của Trung Quốc.

Không thể qua mắt Washington

Báo cáo thường niên năm 2010 về những phát triển quân sự và an ninh của Trung Quốc trình lên trình Quốc hội Mỹ nhấn mạnh: “Khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự với Đài Loan và can thiệp quân sự của Mỹ vẫn là mối quan ngại quân sự dài hạn, cấp bách nhất của PLA. Một cuộc xung đột xuyên Eo biển tiềm năng sẽ thúc đẩy Trung Quốc hiện đại hóa quân sự cho tới khi lãnh đạo nước này còn đánh giá rằng việc mất mát vĩnh viễn Đài Loan có thể làm suy yếu nghiêm trọng quyền lực của Trung Quốc”.

Ba năm sau đó, Báo cáo thường niên 2013 đưa ra các phân tích chính xác hơn về khả năng thu hồi Đài Loan bằng vũ lực. Đề cập tới tấn công đổ bộ, phiên bản 2013 nhận định: “Các lực lượng đổ bộ mặt đất đang tiến hành các cuộc tập trận hỗn hợp chuẩn bị cho một kịch bản đánh chiếm Đài Loan. Huấn luyện, gồm cả huấn luyện đổ bộ, thường được tiến hành theo các tình huống thực tế, trong mọi điều kiện thời tiết và cả vào ban đêm”.

Hình ảnh mô phỏng tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt của Mỹ dự kiến được triển khai đối phó với chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc
Hình ảnh mô phỏng tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt của Mỹ dự kiến được triển khai đối phó với chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc

Báo cáo 2013 của Mỹ kết luận, các khả năng tấn công đổ bộ và chiếm đóng của PLA sẽ gia tăng theo thời gian. Trong khi thừa nhận khả năng của Hải quân PLA đã tăng lên, bản báo cáo cũng chỉ ra rằng họ vẫn còn thiếu khả năng vận chuyển đổ bộ đường không lớn mà một cuộc tấn công Đài Loan nếu xảy ra sẽ phải cần đến.

Viễn cảnh Trung Quốc thu hồi Đài Loan bằng vũ lực vẫn còn xa vời nhưng thời gian gần đây, Hải quân PLA đang triển khai các hoạt động của mình rất rầm rộ, cho thấy tầm quan trọng chiến lược và chiến thuật rõ ràng của lực lượng này trong chiến lược quân sự tổng thể của PLA.

Năm 2001, Hải quân Trung Quốc đã tổ chức một cuộc diễn tập tấn công đổ bộ quy mô lớn khiến Lầu Năm Góc phải giật mình. Thủy quân lục chiến PLA cũng tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập vào ngày 5/5/2010 với một cuộc diễu binh mang thông điệp tuyên truyền lớn.

Gần đây nhất, các tàu hải quân Trung Quốc đã tham gia vào nhiều cuộc tuần tra giám sát nhằm đối phó với cả Nhật Bản và Philippines ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và các vùng lãnh thổ khác trên Biển Đông. Ngay trong tháng 9/2013, Thủy quân lục chiến PLA đã triển khai hơn 1.000 quân trên tàu đổ bộ mang tên Tỉnh Cương Sơn (Jinggangshan) qua Biển Đỏ trên đường tới Địa Trung Hải ngoài khơi Syria. Trong những năm gần đây, Thủ quân lục chiến PLA đóng vai trò rất tích cực ở cả hai nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ) và các hoạt động chống hải tặc đa quốc gia ở Vịnh Aden.

Thủy quân lục chiến PLA là đơn vị tuy nhỏ nhưng lại đang được đầu tư phát triển trong các kế hoạch chiến lược và chiến thuật tổng thể của Quân đội Trung Quốc. Đây vẫn là một trong những đơn vị thường trực chiến đấu của PLA. Việc lực lượng này được triển khai cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và các hoạt động chống cướp biển cho thấy giá trị của họ trong những nỗ lực ngoại giao của Bắc Kinh.

Với sự lớn mạnh nhanh chóng và được triển khai thường xuyên, họ sẽ sớm trở thành một đơn vị quan trọng và là một trong những lực lượng mà Mỹ cần phải tính tới trong chiến lược của mình ở khu vực.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại