Thiết bị Đức trong sức mạnh Hải quân Việt Nam

Tuấn Vũ |

Trong tiến trình hiện đại hóa của Hải quân Việt Nam, ngoài nguồn cung truyền thống là Nga còn có bóng dáng của công nghệ do Đức cung cấp.

Trang bị động cơ Đức

Theo cơ quan báo chí của Nhà máy đóng tàu Gorky ở Zelenodolsk (Nga), cặp tàu Gepard 3.9 thứ 2 đóng cho Việt Nam đã được lắp động cơ từ nguồn khác Ukraine.

Tổng giám đốc Nhà máy, ông Renat Mistahov cho hay Nga sẽ sớm hoàn tất hai chiến hạm Gepard 3.9 mới cho Việt Nam như cam kết, sau khi phía Ukraine đã không giao động cơ turbine khí cho hai tàu này như đã cam kết trước đó với Nga.

"Hai động cơ turbine khí đã được lắp và hoạt động tốt trên 2 tàu”, ông Mistahov nói đồng thời cho biết thêm việc mua 2 động cơ này là nhờ sự hỗ trợ của phía Việt Nam: “Chúng tôi mua được các động cơ này thông qua Việt Nam”.

Dù cho biết Việt Nam đã tự mua động cơ để trang bị cho cặp tàu Gepard 3.9 mới của mình nhưng ông Mistahov không tiết lộ về nguồn gốc của những động cơ này.

Tuy nhiên theo thông tin được chính ông Renat Mistahov tiết lộ trên tờ VPK (Nga) hồi tháng 5/2015 cho thấy đây là những động cơ do Đức sản xuất. Theo ông Renat Mistahov, 2 con tàu này được sử dụng động cơ và bộ truyền động của Đức.

Trong phát biểu của mình, ông Mistahov cho biết, việc đóng 2 tàu Gepard cho Việt Nam sẽ được tiến hành theo đúng kế hoạch và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ không ảnh hưởng đến hợp đồng.

Ông Mistahov nhấn mạnh: "Không có bất kỳ vấn đề nào với châu Âu. Các công ty MAN và RENK của Đức sẽ cung cấp động cơ và thiết bị truyền động cho 2 tàu Gepard 3.9.

Họ đã được cho phép xuất khẩu các sản phẩm này sang Nga thông qua một đối tác khác (Việt Nam)".

Trước khi đồng ý cung cấp động cơ cho cặp Gepard 3.9 thứ 2 của Việt Nam, Đức còn là đối tác cung cấp ít nhất 2 động cơ diesel MTU-8000 cho các tàu BPS-500 đầu tiên do Việt Nam tự đóng.

Được biết, MTU-8000 cũng chính là loại động cơ được trang bị cho khinh hạm tàng hình Formidable của Singapore.


Tàu hộ vệ tên lửa 011 Đinh Tiên Hoàng.

Tàu hộ vệ tên lửa 011 Đinh Tiên Hoàng.

Lộ số lượng tàu tên lửa

Theo kế hoạch phát triển được công bố đến năm 2017, Hải quân Việt Nam sẽ có trong biên chế tổng cộng 17 tàu tên lửa. Trong tổng số tàu tên lửa này sẽ có 4 chiếc Gepard.

Ngoài cặp Gepard đầu tiên gồm tàu 011 - Đinh Tiên Hoàng và 012 - Lý Thái Tổ, cặp tàu hộ vệ tên lửa thứ 2 (chiếc số 3 & 4) đang được Nga gấp rút hoàn thiện để bàn giao cho Hải quân Việt Nam trong năm 2017.

Ngoài ra, tuyền thông Nga cũng đưa tin, nhiều khả năng Hải quân Việt Nam sẽ đặt thêm cặp tàu số 3. Theo nguồn tin này, ngoài khả năng săn ngầm và diệt hạm, cặp tàu Gepard số 3 sẽ được trang bị vũ khí phòng không phóng thẳng đứng cực mạnh mẽ.

Trong khi đó, nhờ sức mạnh và khả năng cơ động, tàu tên lửa Molniya vẫn tiếp tục được tăng số lượng trrong Hải quân Việt Nam.

Hiện nay, Hải quân Việt Nam đã có tất cả 6 tàu Molniya. Trong đó có 2 chiếc đóng tại Nga và 4 chiếc đóng tại Việt Nam do Tổng công ty Ba Son thi công theo giấy phép và chuyển giao công nghệ, giám sát của phía Nga.

Cặp tàu Molniya thứ 3 (chiếc số 5 & 6) cũng đang được các cán bộ, kỹ sư và công nhân lành nghề của Ba Son gấp rút hoàn thiện để tiến hành chạy thử, nghiệm thu và bàn giao cho các đơn vị Hải quân sử dụng ngay trong năm 2016 này.

Theo kế hoạch, Tổng công ty Ba Son sẽ triển khai đóng tiếp cặp tàu Molniya thứ 4 (chiếc số 7 và 8) với cấu hình tiên tiến và vũ khí mạnh mẽ hơn.

Ngoài những tàu đóng mới và kế hoạch tiếp theo, Hải quân Việt Nam được cho là sẽ hoàn thiện sức mạnh tấn công với 4 tàu tấn công nhanh Tarantul và 1 tàu BPS-500.

Cụ thể, trong giai đoạn những năm 1990 - 2000, Hải quân Việt Nam đã tiếp nhận 4 tàu tên lửa tấn công nhanh Tarantul, tiền thân của các tàu Molniya ngày nay. Đây là các tàu tên lửa đã được phía Nga triển khai nhưng chưa hoàn thiện bởi nhiều lý do khác nhau.

Và rất có thể, trong tương lai khi Việt Nam nghiên cứu thành công tên lửa diệt hạm KCT-15, các tàu Tarantul này có thể sẽ được nâng cấp để nâng cao sức mạnh hỏa lực.

Trong khi đó, dự án đóng tàu tên lửa BPS-500 đã bị hoãn do nhiều nguyên nhân khác nhau sau khi mới chỉ hoàn thiện được 1 chiếc.

Dự kiến, chiếc tàu này sẽ được nâng cấp để phát huy tối đa tốc độ, sức mạnh để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ tác chiến trong tình hình mới.

Vũ khí Đức trong Quân đội Việt Nam

Sở hữu sức mạnh làm thay đổi cục diện chiến trường, pháo cao xạ Flak 88 do Đức sản xuất có nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Việt Nam những năm 1950 - 1960.

Việt Nam được Liên Xô viện trợ số lượng pháo 88 mm trong năm 1954 và biên chế vào các đơn vị thuộc Đại đoàn cao xạ 367 (ngày nay là Sư đoàn phòng không 367).

Đại đoàn 367 được biên chế các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần và 3 trung đoàn 681, 685, 689.

Mỗi trung đoàn có hai tiểu đoàn trung cao 88 mm và từ một tới hai tiểu đoàn pháo tiểu cao 40 mm (có thể là một pháo của phương Tây vì Liên Xô không sử dụng pháo phòng không cỡ 40 mm).

Ngày 14/4/1961, Bộ Tổng Tham mưu ra Chỉ thị số 256/TM quy định tổ chức lực lượng và quân số năm 1961 cho Bộ tư lệnh Phòng không.

Các trung đoàn cao xạ 210, 250, 280 chuyển tiểu cao từ pháo 37 mm sang 57 mm; trung cao giữ nguyên pháo 90 mm (Mỹ viện trợ cho Liên Xô, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam) và 88 mm.

Sau này, bộ đội phòng không Việt Nam nhận viện trợ thêm các pháo phòng không 85 mm, 100 mm nên 88 mm loại dần (một phần vì thiếu linh kiện hoặc thiếu đạn dược).

Trước khi "hết nhiệm vụ", khẩu pháo này để lại thêm dấu ấn, pháo Flak 88 của người Đức cũng lập công trong chiến thắng đầu của quân dân Việt Nam trước quân Mỹ.

Ngày 5/8/1964, Đại đội 141 và 143 pháo 88 mm (Tiểu đoàn 217) phối hợp với tàu hải quân và dân quân tự vệ bắn rơi 1 máy bay Mỹ tại Hòn Gai (Quảng Ninh).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại