Tên lửa trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ: “Quà lửa năm mới” đợi chờ Iran?

Tuân Việt |

(Soha.vn) - NATO tuyên bố rằng tên lửa phòng không Patriot được sử dụng để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ trước các tên lửa từ Syria.

Theo truyền thông quốc tế, hai hệ thống tên lửa chống máy bay Patriot của Mỹ đã được triển khai gần thành phố Gaziantem, ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syria.

Dự kiến, vào ngày 08/01/2013 quân đội Đức sẽ đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ 2 tổ hợp tên lửa phòng không Patriot bằng đường biển. 

170 binh sĩ cũng sẽ được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau đó. Việc triển khai các tổ hợp tên lửa này biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria sẽ được tiến hành vào ngày 01 tháng 02. Các tên lửa được bố trí ở Kahramanmaraş, khoảng 120 km từ biên giới.

Thỏa thuận cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ hai hệ thống tên lửa phòng không được NATO công bố vào ngày 21 tháng 11. 

Sau đó, nó đã được báo cáo rằng Ankara quyết định cho triển khai 6 tổ hợp tên lửa Patriot trên biên giới nước này với Syria - hai từ Mỹ, hai từ Đức và hai từ Hà Lan. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng sẽ có tất cả 15 tổ hợp tên lửa Patriot được triển khai ở đây.

Hệ thống tên lửa phòng không Pattriot.

Theo các đại diện NATO, các tên lửa phòng không này được sử dụng để bảo đảm an toàn cho Thổ Nhĩ Kỳ trước các tên lửa từ Syria.

 Patriot là để chống lại Iran?

Trước các động thái trên của NATO, Iran đã không thể ngồi im. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi cho biết rằng việc đặt tên lửa phòng không Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể làm “tổn hại” đến đất nước. 

Tehran đã kịch liệt phản đối việc triển khai các Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ, và cho rằng "sự can thiệp của phương Tây đến các vấn đề nội bộ ở Trung Đông có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới."

Hassan Firuzabadi, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, gần đây nói rằng việc triển khai Patriot trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria là để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thế giới.

"Điều đó là rất nguy hiểm cho tương lai của nhân loại và tương lai của châu Âu", - ông Hassan Firuzabadi cho biết và gọi tên lửa Patriot là "mốc đánh dấu đen trên bản đồ thế giới".

Phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ

Về phía Thổ nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng nước này Ahmet Davutoglu vừa khẳng định kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tại khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria chỉ nhằm mục đích phòng thủ, nhấn mạnh rằng hệ thống này sẽ không gây bất kỳ mối hiểm họa nào cho khu vực.

Đức sẽ gửi 2 hệ thống Patriot cùng 400 kỹ thuật viên điều khiển tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

"Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng Iran sẽ không chỉ trích hệ thống phòng thủ này, để gửi một thông điệp rõ ràng tới chính quyền Syria và để ngăn chặn những hành động trái với công lý tại Syria.” - Ahmet Davutoglu cho biết.

Iran luôn được xem là một đồng minh của Syria, và Thổ Nhĩ Kỳ đang làm tất cả mọi thứ để không muốn trở thành kẻ thù của cả hai “người hàng xóm ồn ào” cùng một lúc.

Đại diện thường trực của Nga tại NATO Alexander Grushko cho biết: “Đây là bước đầu tiên chứng tỏ, sau tất cả NATO đang dần can thiệp vào cuộc xung đột Syria và chúng tôi không bác bỏ khả năng, sự can thiệp này sẽ ngày càng sâu hơn vì một vụ việc hay một hành động khiêu khích nào đó”.

Tuy nhiên, theo Alexander Grushko trong kịch bản thực tế hiện nay, rất khó để tin rằng Syria mong muốn gây ra những căng thẳng trong khu vực.

Israel ở đâu trong việc triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ?

Từ trước tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ luôn phản đối quá trình hợp tác phi quân sự giữa Israel và NATO liên quan tới các vấn đề chính trị và khoa học-kỹ thuật.

Tuy nhiên, mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định ủng hộ việc coi Israel là đối tác chiến lược của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây là động thái quan trọng của nước này sau vụ đặc nhiệm Israel sát hại 9 người Thổ Nhĩ Kỳ năm 2010.

Theo tờ Hurriyet, Ankara đưa ra quyết định trên là để đáp trả lại việc một số quốc gia thành viên NATO thay đổi quan điểm trong tiến hình hợp tác với Ai Cập, Tunisia, Jordan, các quốc gia ở bán đảo Balkan và vùng Trung Á.

Tờ The Jerusalem Post viết: “Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ luôn phản đối mạnh mẽ sự mở rộng tầm ảnh hưởng của Israel trong liên minh quân sự NATO nhưng ngay sau khi tên lửa phòng không Patriot của NATO được triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ thì NATO đã thông qua kế hoạch triển khai các cuộc tập trận quân sự chung có sự tham gia của Israel vào tháng 01 năm 2013”.

Tuy nhiên, các quan chức Israel đã không cho sự việc trên là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Hãng tin Kommersant dẫn một nguồn tin trong giới ngoại giao Israel cho biết rằng đây không phải là các hoạt động của một cuộc tập trận chung mà là hợp tác kỹ thuật, trao đổi thông tin tình báo và là một "cuộc đối thoại về các vấn đề quan trọng của chương trình nghị sự khu vực."

Đánh giá của các chuyên gia về việc NATO triển khai Patriot trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng việc NATO triển khai tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là nhằm chống lại Syria mà là còn nhằm đối phó với Iran.

Tên lửa trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ: “Quà năm mới” cho Iran?

Trong cuộc phỏng vấn trên tờ Russia Today Lavrov cho biết: "Nếu tên lửa nhằm mục đích ngăn chặn các cuộc tấn công từ phía Syria, thì các tổ hợp này cần phải bố trí hơi khác một chút. 

Kiểu bố trí các tên lửa Patriot của NATO vào thời điểm này, theo các chuyên gia nhận xét, sẽ tạo điều kiện giúp bảo vệ trạm radar vốn là một phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang được phát triển để chống lại mối đe dọa từ Iran".

Theo Đài tiếng nói nước Nga, khi NATO quyết định triển khai các tổ hợp tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ, các cuộc biểu tình chống chiến tranh đã diễn ra với khẩu hiệu “không có tên lửa, không có nước mắt”. Ông Birol Aydin, Phó chủ tịch chính đảng Saadet của nước này tỏ ra bức xúc:

“Chúng tôi thấy rằng khu vực này đang hướng tới một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Thực tế đã diễn ra tại Iraq, Afghanistan, nội chiến ở Libya, tình hình căng thẳng tại Syria trong 20 tháng qua. 

Việc NATO tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu và bây giờ là triển khai tên lửa phòng không Patriot dường như đều là sáng kiến của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tôi có thể khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn yêu cầu NATO triển khai những tổ hợp tên lửa này. Ngày 6 tháng 1 tại Gaziantep, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc họp để lấy ý kiến công dân Thổ Nhĩ Kỳ và trong khu vực, và đưa ra lời cảnh báo với chính phủ của chúng tôi. 

Chúng tôi cho rằng sẽ có hàng chục ngàn người của chúng tôi trên đường phố để phản đối chiến tranh, chống lại việc triển khai các tổ hợp tên lử Patriot và chống đối NATO”.

Theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anatolian, NATO đang đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào vực thẳm của cuộc chiến tranh ở Trung Đông. Lãnh đạo Anatolian Gaziantep Fatih Evyapan nói với Đài tiếng nói nước Nga:

 “Rõ ràng là phương Tây đang cố gắng chống lại các nước láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là Iran. Để làm điều này ở Thổ Nhĩ Kỳ, NATO đã tạo ra cơ sở hạ tầng cần thiết - radar ở Malatya và tên lửa Patriot ở các tỉnh của chúng tôi. NATO đã can thiệp vào công việc nội Syria gây ra cuộc chiến tranh Iran-Iraq và bây giờ là Iran-Thổ Nhĩ Kỳ ... ".

Ngày 17/12, kênh truyền hình Press TV dẫn lời một quan chức Văn phòng tổng thống Iran cho biết Tổng thống nước này Mahmoud Ahmadinejad đã hủy chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ do "lịch trình bận rộn” liên quan đến việc NATO quyết định triển khai hệ thống tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia quân sư-chính trị Vladimir Onishchenko bình luận trên tờ Iran.ru: "Chuyến thăm của Tổng thống Ahmadinejad Thổ Nhĩ Kỳ (tỉnh Konya) đã được lên kế hoạch như là một chuyến thăm cửa các khách mời danh dự theo lời mời của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan để tham dự lễ kỷ niệm kỷ niệm 739 năm cái chết của nhà thơ Ba Tư Sufi Rumi Dzhalaladdina. Sự kính trọng đối với nền văn hóa cổ xưa là truyền thống của Phương Đông. 

Nhưng chắc chắn bạn sẽ đồng tình rằng trong tình huống này, khi mà các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định cho triển khai tên lửa phòng không Patriot trên thực tế là ở phía tây bắc của Iran, hành động này được xem là khiêu khích ... ".

 

Các tên lửa phòng không Patriot có tầm bắn từ 70-160 km, thực sự là mối đe dọa đối với Iran.Các chuyên gia cho rằng người Iran biết về khả năng cơ động của các tổ hợp tên lửa này. 

Chúng có thể được triển khai trong vòng vài giờ đến biên giới các tỉnh của Iran. Trong trường hợp này, các cơ sở hạ tầng quan trọng và tên lửa đạn đạo Iran sẽ là mục tiêu dễ bị phá hủy nhất.

Các chuyên gia đã đưa ra những kịch bản về những cuộc xung đột có thể xảy ra ở Trung Đông và thậm chí là chiến tranh thế giới. 

Nhưng dù cho xung đột có diễn ra theo kịch bản nào nào thì những người dân vô tội ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở Syria, ở Iran nói riêng và trên toàn thế giới nói chung mới là những người phải hứng chịu những hậu quả nặng nề nhất. 

Có thể họ không hiểu việc triển khai tên lửa là tốt cho Mỹ, tốt cho cả châu Âu như những gì mà Mỹ đã từng tuyên bố nhưng có một điều mà họ chắc chắn rằng: “Không tên lửa thì không nước mắt”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại