Tên lửa bắn rơi MH17 không phân biệt được máy bay dân sự, quân sự

Sam Sam |

(Soha.vn) - Michael Pietrucha, chuyên gia về các hệ thống phòng không nhận định, do được thiết kế từ thời Xô Viết nên cấu hình của hệ thống tên lửa Buk khá đơn giản.

Tạp chí MIT Technology Review của Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) cho hay, lực lượng ly khai thân Nga có thể đã bắn hạ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines trên bầu trời miền đông Ukraine ngày 17/7 do lầm tưởng chiếc máy bay chở khách này với một vật thể khác.

Mặc dù chúng ta chưa thể biết được giả thuyết này có đúng hay không thì đối với các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, đây là một giả thuyết có lý. Họ cho rằng các hệ thống có liên quan đã tạo ra nhiều đợt rủi ro khiến những chiếc máy bay bị nhận dạng sai.

Một mảnh vỡ của chiếc máy bay xấu số

Loại vũ khí sử dụng để bắn hạ chiếc Boeing 777 chở theo 298 người được cho là hệ thống tên lửa đất đối không Buk (NATO định danh là SA-11 Gadfly hoặc SA-17 Grizzly).

Theo Steve Zaloga, một chuyên gia về các hệ thống tên lửa tại Teal Group (công ty tư vấn quốc phòng ở Virginia, Mỹ), hệ thống Buk ban đầu được thiết kế để bảo vệ các lực lượng mặt đất từ những cuộc tấn công trên không. Do đóng vai trò là một loại vũ khí chiến thuật được thiết kế để hỗ trợ các lực lượng tiền tuyến, nó không được kết nối với mạng lưới phòng không quốc gia và có thể hoạt động một cách độc lập, sử dụng các hệ thống radar riêng.

Kíp vận hành tên lửa sẽ ngồi bên trong một chiếc xe phóng chật chội và quan sát màn hình radar cổ điển, hiển thị các mục tiêu khác nhau mà hệ thống đang theo dõi. Tuy nhiên, do không kết nối với mạng lưới rộng hơn nên thông tin nhận được có rất ít bối cảnh đi kèm. Điều này giải thích tại sao kíp vận hành có thể đã không có đủ thông tin để phân biệt máy bay chở khách với một mối đe dọa quân sự.

Hệ thống phòng không Buk M-1

Hệ thống phòng không Buk M-1

Michael Pietrucha, một cựu sĩ quan tác chiến điện tử và chuyên gia về các hệ thống phòng không nhận định, do được thiết kế từ thời Xô Viết nên cấu hình của hệ thống khá đơn giản. Pietrucha cho biết ông đã huấn luyện các lực lượng Đức sử dụng một hệ thống tương tự như vậy trong những năm 1990.

Theo Pietrucha, biến thể Buk được cho là vận hành bởi các lực lượng nổi dậy có thể không đủ khả năng phân biệt máy bay dân sự và quân sự bởi một sự trùng hợp ngẫu nhiên liên quan đến thiết bị phát đáp của máy bay. Đây là một thiết bị cung cấp thông tin nhận dạng chiếc máy bay. Pietrucha cho biết các máy bay dân dụng và quân sự thường sử dụng bộ phát đáp giống nhau.

Phe ly khai có thể đã bắn MH-17 vì nhầm thành máy bay vận tải quân sự Ukraine

Trang web của Igor Girkin - một thủ lĩnh phe ly khai Ukraine, trên mạng xã hội VKontarte xuất hiện dòng chia sẻ: "Chúng tôi vừa bắn hạ một chiếc An-26 gần Torez (Donetsk, Ukraine)... Chúng tôi đã cảnh báo họ không được bay qua "vùng trời của chúng tôi"". Trang web này thậm chí còn đăng lên một video nhằm xác nhận việc "một con chim nhỏ đã bị hạ".

The Guardian (Anh) nhận định, hình ảnh trong video này có điểm tương đồng với các video quay hiện trường vụ máy bay Malaysia. Tuy nhiên, thông tin này sau đó đã bị gỡ xuống trên trang web của Girkin và chi tiết vụ việc "bắn hạ An-26" hiện vẫn chưa được làm rõ. Hàng loạt các chia sẻ trên mạng xã hội của các tay súng ly khai thân Nga về việc này đã bị xóa đi.

Tình tiết này đặt ra một giả thuyết là lực lượng ly khai thân Nga có thể đã nhầm chiếc máy bay chở khách của hãng Malaysia Airlines là máy bay vận tải quân sự của quân đội Ukraine.

Hệ thống Buk-M1-2 bắn đạn thật

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại