Tàu ngầm Trường Sa sẽ thử nghiệm trong bão

Vì mục đích chế tạo còn có tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trong tình trạng thời tiết cực đoan, nên trong cơn bão sắp tới, tàu ngầm Trường Sa sẽ ra biển.

Kế hoạch táo bạo của ông Nguyễn Quốc Hòa

Chiều ngày 15/7/2014, ông Nguyễn Quốc Hòa, chủ nhân của tàu ngầm Trường Sa cho biết tất cả đã hoàn hảo và ông đang có một kế hoạch thử nghiệm đầy tính phiêu lưu: “Cơn bão đang vào Biển Đông dự kiến cuối tuần này nó đổ bộ vào đất liền, tôi sẽ ra biển thử nghiệm vào ngày bão về.”

Chia sẻ về kế hoạch đầy mạo hiểm này, chủ nhân của tàu ngầm Trường Sa chia sẻ: “Vì một trong những mục đích thiết kế ra chiếc tàu ngầm này là tham gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trong tình trạng thời tiết cực đoan, vì thế cơn bão này là một trong những điều kiện thử nghiệm tốt đối với con tàu.”

“Tôi đã đặt ra rất nhiều tình huống giả định cho cuộc thử nghiệm lần này, các phương án cứu hộ cứu nạn, duy trì liên lạc bờ - tàu cũng đã sẵn sàng. Hiện tại con tàu đang ở tư thế hoàn hảo nhất để đón bão. Một nguyên lý mà tất cả các nhà đóng tàu ngầm đều biết, đó là khi đã đóng nắp, con tàu không thể nào chìm được, nó sẽ như một cái thùng trôi nổi trên mặt nước.

Còn khi tàu lặn xuống độ sâu 2 – 3 mét, thậm chí sâu hơn, thì gió bão không thể tác động đến con tàu, bởi đơn giản, sức gió chỉ có thể tác động lên bề mặt của nước chứ đáy biển thì không sao. Vì thế, với con tàu này, tôi không có lo ngại gì cả khi thử nghiệm trong điều kiện thời tiết xấu như bão.” – Ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết.

Doanh nhân người Thái Bình này cho biết thêm: “Lần thử nghiệm trong bão này sẽ chỉ có mình tôi và con tàu, không để tàu nào đi theo, vì họ cũng không được phép ra khơi khi bão về, như thế là rất nguy hiểm. Tôi hi vọng sẽ không gặp cản trở gì với kế hoạch ấy.”

Tàu ngầm Trường Sa đã ở dạng hoàn hảo nhất

Sở dĩ ông Nguyễn Quốc Hòa tự tin đưa con tàu ra thử nghiệm trong điều kiện khắc nghiệt nhất, dù trước đó trong lần thử nghiệm tại cửa biển đã cho kết quả không thành công, vì nguyên do trong những ngày sửa chữa, doanh nhân này đã cải tiến con tàu đến mức hoàn hảo.

Ông chia sẻ: “Tất cả các tính năng của con tàu đều đã được cải tiến vượt trội hơn trước rất nhiều, từ khả năng lái, di chuyển trên và dưới mặt nước, cho đến khả năng hoạt động của hệ thống không khí tuần hoàn AIP. Có thể đặt tên là phiên bản máy 2.0 cho tàu ngầm Trường Sa lúc này bởi những cải tiến vượt trội đó. Con tàu đang ở thể trạng sung mãn nhất và có thể ra biển bất kỳ lúc nào.”

Tàu ngầm Trường Sa hướng ra phao số 0 trong cuộc thử nghiệm trên biển trước đó
Tàu ngầm Trường Sa hướng ra phao số 0 trong cuộc thử nghiệm trên biển trước đó

“Tôi tự tin mang Trường Sa ra biển vào thời điểm thời tiết xấu nhất, vì là chủ nhân, là người sáng tạo, tôi hiểu sản phẩm của mình có những khả năng gì, làm được gì, đáp ứng được kỳ vọng của tôi đến đâu.” – Ông Nguyễn Quốc Hòa khẳng định.

Ngoài ra, ngày 14/7/2014, tàu ngầm Trường Sa cũng đã hoàn thiện những khâu thử nghiệm cuối cùng trên cạn. Ông Hòa cho rằng đây là đợt tổng duyệt lần cuối trước khi đón bão.

Tuy nhiên, về khả năng lực lượng biên phòng, các nhà chức trách ở địa phương ngăn cấm không cho ra biển thử nghiệm với lý do thời tiết xấu để đảm bảo an toàn cho ông Hòa và con tàu, doanh nhân này cho biết sẽ đành phải tuân thủ và lùi thời gian thử nghiệm lại cho đến khi thời tiết đẹp hơn. Khi đó, con tàu sẽ chỉ chạy lặn chứ không chạy nổi nữa.

Nhắc lại vấn đề ông Hòa đã phải xem ngày đẹp để ra biển, doanh nhân này nhận định: "Mỗi thầy nói một kiểu, tôi chẳng biết nghe ai, khoa học cần sự may mắn, nhưng nó chỉ là một yếu tố nhỏ, hơn nữa, tôi không sợ thất bại. Thất bại chỉ làm con người mạnh mẽ lên mà thôi."

Theo thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 15/7, vị trí tâm bão Rammasun ở vào khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 124,7 độ Kinh Đông, trên bờ biển phía Đông miền Trung Philippin. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 16/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 120,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam đảo Lu Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Đến 13 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 115,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ gần sáng mai (16/7), vùng biển phía Đông Biển Đông, có gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.

Xem thêm: [Video] Tàu ngầm Trường Sa thử nghiệm trên biển

Chiều ngày 30/5 tàu ngầm mini Trường Sa đã được cho ra biển tại khu vực nhà máy đóng tàu Đại Dương, thuộc cảng Diêm Điền (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) nằm cách thành phố Thái Bình 30 km để chạy thử nghiệm sau 2 lần chạy thử thành công tại bể và hồ (Nguồn: Đời sống & Pháp luật)

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại