Kỳ I: Sự ra đời của tàu ngầm gián điệp Mỹ
Khói lửa của Thế chiến II được dập tắt cũng là lúc chút nồng ấm tạm thời trong mối quan hệ Mỹ-Xô không còn. Hai nước lớn nhất trong “khối Đồng Minh” nhanh chóng bước vào một cuộc đối đầu toàn diện để xác lập ảnh hưởng và quyền lợi trên thế giới. Chiến tranh lạnh bắt đầu.
Trên lĩnh vực quân sự, Mỹ vô cùng lo ngại về chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Liên Xô. Thành công của Moscow cũng đồng nghĩa với ưu thế tuyệt đối của Washington sẽ chấm dứt. Sự lớn mạnh của lực lượng tàu ngầm Xô Viết cũng là một vấn đề đáng chú ý. Trong cuộc chiến Vệ quốc, Liên Xô có một lực lượng tàu ngầm khá đông đảo nhưng khá cũ kỹ và lạc hậu, chủ yếu chỉ sử dụng để phòng thủ gần bờ chống lại các tàu ngầm Phát xít. Mọi chuyện đã thay đổi với việc Hồng quân chiếm được chiến lợi phẩm là công nghệ tàu ngầm trứ danh của Đức, một thế hệ tàu ngầm mới đang được ra đời, vượt trội cả về sức mạnh cũng như tầm hoạt động.
Người Mỹ tất nhiên không muốn một viễn cảnh không xa họ sẽ thấy tàu ngầm tên lửa Xô Viết nổi lên trên cảng New York. Từ đó, những tiến bộ nói chung trong lĩnh vực quốc phòng của Liên Xô trở thành mục tiêu cho các hoạt động tình báo của cả Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, công việc này không dễ dàng. Điển hình như Hải quân Hoàng Gia Anh đã từng hợp tác khá chặt chẽ với Hải quân Liên Xô trong Thế chiến nhưng họ cũng rất khó khăn khi thực hiện hoạt động gián điệp bởi Liên Xô đã nhanh chóng thay đổi toàn bộ phương thức mã hóa liên lạc, truyền tin. Các trạm nghe lén được xây dựng ở Alaska và châu Âu không có nhiều tác dụng. Cơ quan tình báo được chỉ thị phải gấp rút tìm ra một cách thức mới thu thập thông tin mới.
Cuối cùng Mỹ tính tới việc sử dụng các tàu ngầm cho nhiệm vụ tình báo. Chúng có khả năng đặc biệt là “tàng hình” dưới nước nên có thể xâm nhập sâu vào hải phận của đối phương. Đây có thể là mấu chốt cho một mạng lưới thu thập thông tin tình báo được xây dựng xung quanh lãnh thổ Liên Xô.
Năm 1948, Hải quân Mỹ điều 2 tàu ngầm đến biển Bering để thử nghiệm khả năng tình báo. Bước đầu cho thấy những tín hiệu khá tích cực. Tuy nhiên, hai tàu ngầm trên vẫn là những “thợ săn-sát thủ” đơn thuần, chúng tỏ ra “lóng ngóng” trong việc thu thập thông tin tình báo. Điều này khá dễ hiểu bởi hoạt động đặc thù cần phải có phương tiện chuyên biệt. Sau một thời gian trì hoãn, chiếc tàu ngầm gián điệp đúng nghĩa đầu tiên mang tên USS Cochino (SS-345) đã đi vào hoạt động. Thực ra, đây không phải là loại tàu ngầm hoàn toàn mới. Nó vốn được đóng vào giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh Thế giới và hạ thủy 2 tuần sau khi chiếc B-29 Enola Gay ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống đất Nhật.
Để phục vụ cho nhiệm vụ mới trong một cuộc chiến mới, tàu Cochino đã hoàn toàn được thay đổi sau nhiều lần cải tiến và nâng cấp đặc biệt.
Không quá khi nói rằng người Đức đã đóng vai trò then chốt trong sự ra đời của tàu ngầm gián điệp thế hệ đầu. Cũng giống như Liên Xô, Mỹ vừa có trong tay công nghệ tân tiến hàng đầu thế giới thông qua việc “giải mã ngược” hai chiếc U-boat type XXI là U-2513 và U-3008. Dựa trên những công nghệ này, năm 1946, Hải quân Mỹ đã xây dựng một chương trình nâng cấp sâu cho một số tàu ngầm mang tên GUPPY (Greater Underwater Propulsion Power Program). Chương trình này nêu ra 7 phương án cải tiến khác nhau. Tàu Cochino được cải tiến theo phương án 2, tức GUPPY II. Những nâng cấp đáng chú ý của Cochino:
+ Cochino có bộ ắc quy mới dung lượng đủ cho nó có thể hoạt động trong 48 tiếng, lớn hơn bất cứ tàu ngầm cổ điển nào trong Đại chiến II. Bộ ắc quy được tạo thành từ 4 cụm ắc quy nhỏ với tổng cộng 504 phần tử năng lượng (một cụm 184 phần tử, 1 cụm 68 phần tử, 2 cụm 216 phần tử). Việc thay đổi cách mắc giữa các cụm này với nhau cho phép tăng hoặc giảm linh hoạt điện thế cũng như cường độ dòng điện, qua đó thay đổi công suất động cơ. So với ắc quy cũ kiểu Sargo chỉ gồm 252 phần tử năng lượng thì bộ ắc quy mới không chỉ vượt trội về dung lượng mà còn hơn hẳn về độ tinh gọn. Mỗi phần tử năng lượng của ắc quy Guppy chỉ có khối lượng bằng 60-66% khối lượng phần tử năng lượng cũ. Bộ ắc quy được đặt trong các khoang riêng biệt ở dưới tháp con tàu.
+Động cơ: USS Cochino vẫn giữ lại bốn động cơ diesel GM V-16 , công suất hơn 1600 sức ngựa. Bốn động cơ điện tốc độ vòng quay lớn có vai trò là nguồn động lực trực tiếp nối với 2 chân vịt được thay thế bằng 2 động cơ điện có số vòng quay nhỏ hơn. Việc chuyển đổi cho phép kết nối trực tiếp rotor của động cơ với trục chân vịt, qua đó loại bỏ được bớt các bộ phận thừa như hệ thống bánh răng giảm tốc khi còn dung động cơ tốc độ cao. Động cơ điện có khả năng chuyển hóa 88%-92% điện năng thành động năng cho tàu.
+ Ống thở là một bổ sung quan trọng, khắc phục những hạn chế về khả năng chiến thuật và hoạt động của tàu Cochino. Tàu ngầm lớp nguyên thủy lớp Balao cũng giống như nhiều lớp tàu ngầm khác của quân Đồng Minh chỉ có thể ẩn mình dưới nước trong một thời gian ngắn. Chúng bắt buộc phải thường xuyên nổi lên để lấy không khí chạy động cơ diesel. Việc lắp đặp thêm ống thở cho phép tàu ngầm có thể nằm ở độ sâu kính tiềm vọng mà vẫn lấy được không khí cho động cơ. Điều này hết sức quan trọng với một tàu ngầm gián điệp như Cochino, khi mà ưu tiên hàng đầu là đảm bảo tính bí mật trong hoạt động. Cochino có thể lặn liên tục nhiều ngày thậm chí là vài tuần dưới nước. Ống thở không được phát minh ở Đức nhưng người Đức đã đi tiên phong trong việc áp dụng thiết bị này và biến nó trở thành một quy chuẩn trên các tàu ngầm sau này. Cùng với ống thở, tàu còn lắp thêm ông xả khí . Chúng đều có khả năng tự động đóng lại nếu phát hiện thấy có nước biển tràn vào. Cả hai được lắp đặt trên tháp chỉ huy mới của tàu.
+USS Cochino cũng có những cải tiến quan trọng cho các bộ phận điện tử. Sonar chủ động được thay thế bằng công nghệ Sonar thụ động hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng hải thời đó. Điểm ưu việt của Sonar thụ động là nó vẫn có thể định vị, dẫn đường và phát hiện tàu bè của đối phương nhưng lại không cần phát ra sóng âm như Sonar chủ động. Tính năng này có thể so sánh với việc bạn đi trong bóng đêm mà không cần đèn pin, bạn hoàn toàn vô hình nếu không bị người khác soi đèn vào người. Một cột tác chiến điện tử ESM cũng được lắp đặt nhằm hỗ trợ cho việc thu thập các thông tin tình báo, định hướng và trao đổi liên lạc.
Toàn bộ không gian trong tàu Cochino đã được thiết lập và chỉnh sửa lại để phù hợp với các trang bị phục vụ cho nhiệm vụ mới. Tham số kỹ thuật cơ bản của USS Cochino sau khi hoàn thành quá trình nâng cấp ở xưởng đóng tàu Portsmouth như sau:
+Lượng giãn nước tối đa 2.480 tấn.
+Kích thước: Chiều dài 94m/ Bề rộng 8.33m/ Cao 5.2m
+Công suất tối đa của động cơ: 6100 mã lực khi nổi, 4300 mã lực khi lặn
+Tốc độ tối đa:
33.7 km/h khi nổi, 29.6 km/h khi lặn (tốc độ này chỉ được duy trì trong 30 phút)
+ Lặn sâu tối đa 120m
+Tầm hoạt động: 28000 km (tăng 8000 km so với ban đầu)
+Dự trữ hành trình: 75 ngày
+Vũ khí: 10 ngư lôi cỡ 533mm. 6 phía trước, 4 ở phía sau
+Thủy thủ đoàn: 78 người
Giai đoạn chuẩn bị bao gồm cả việc lựa chọn nhân sự đã được thực hiện rất kỹ càng. Thuyền trưởng của USS Cochino là một sĩ quan tàu ngầm đồng thời cũng là một luật gia mang tên Rafael Celestino Benitez. Người đàn ông này được đào tạo bài bản và đã trưởng thành trong cuộc chiến tranh Thế giới II với hai huân chương “ngôi sao bạc” vì những thành tích lập được ở mặt trận Thái Bình Dương.
Benitez đã có kinh nghiệm trên vị tị hạm trưởng của một số tàu ngầm trước khi ông nhận nhiệm vụ trên Cochino năm 32 tuổi. Trên tàu còn có một nhân vật đặc biệt là Harris M. Austin, hầu hết mọi người đều chỉ nghĩ chàng trai 28 tuổi này chỉ có nhiệm vụ phụ trách nhiệm vụ điện đài, liên lạc nhưng thực sự “Red” Austin (biệt danh có từ mái tóc màu hung đỏ) đến đây theo chỉ thị trực tiếp của Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ. Sự xuất hiện của anh ta đã một phần hé lộ sứ mệnh của tàu Cochino. Austin được đào tạo đặc biệt cho việc thu thập thông tin liên lạc tình báo và đã trở thành một trong những người xuất sắc nhất trong việc chặn-phân tích sóng điện tín của Liên Xô.
*Bài viết tham khảo cuốn: "Blind Man's Bluff: The Untold Story of American Submarine Espionage" của Christopher Drew, Sherry Sontag
Tin liên quan: Tàu ngầm gián điệp Mỹ và chuyến hành trình định mệnh (II)