Tại sao siêu tàu sân bay Ulyanovsk của Nga bị bán sắt vụn?

Hải quân Nga đã gần chạm một tay vào chiếc siêu tàu sân bay ngang ngửa với tàu sân bay lớp Nimizt của Hải quân Mỹ. Song giấc mơ đó đã tan vỡ trong xưởng đóng tàu!

Hạm đội Nga là một trong số lực lượng hải quân hàng đầu thế giới về năng lực tác chiến. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chiếc Đô đốc Kuznetsov vẫn là tàu sân bay duy nhất của lực lượng hải quân lớn thứ 2 thế giới này.

Mơ ước sở hữu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân ngang ngữa với các tàu sân bay của Mỹ vẫn chỉ là mơ ước của Hải quân Nga. Dự án đóng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của họ đã chết yểu ngay trên xưởng đóng tàu khi nó chưa kịp hoàn thành và chưa một lần chạy thử.

 

Cội nguồn của tham vọng

Năm 1988, Hải quân Liên Xô như được cởi tấm lòng khi Hội đồng nhà nước quyết định khởi đóng một tàu sân bay mới chạy bằng năng lượng hạt nhân tương đương với tàu sân bay lớp Nimizt của Hải quân Mỹ. Tàu sân bay mới được khởi đóng tại nhà máy đóng tàu Nikolayev ở Ukraine

Mang theo bao kỳ vọng của Hải quân Liên Xô, nhưng đồ án 1143.7 Ulyanovsk thực chất là một bản sửa đổi lại của đồ án 1153 Orel trước đó đã bị hủy bỏ do quá tốn kém (và thay vào đó là thiết kế của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov).

Đồ án 1143.7 Ulyanovsk là một thiết kế lai giữa tàu sân bay lớp Nimizt và lớp Kuznetsov, boong tàu được thiết kế với 4 đường băng cho máy bay cất và hạ cánh. Hai đường bằng được thiết kế tương tự như kiểu thiết kế của tàu sân bay lớp Nimizt sử dụng các máy phóng hơi nước để phóng máy bay. Trong khi đó phần mũi tàu vẫn giữ lại hai đường băng kiểu nhảy cầu như trên chiếc tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.

Thiết kế mới này đã khắc phục được sự thiếu sót và hạn chế của tàu sân bay lớp Kuznetsov. Nó có khả năng triển khai hoạt động các máy bay cánh cố định tải trọng lớn như các máy bay vận tải quân sự, hay máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không.

Theo thiết kế, siêu tàu sân bay Ulyanovsk có khả năng mang theo 70 máy các loại, trong đó có 27 chiếc tiêm kích trên hạm Su-33 hoặc MiG-29, 10 chiếc cường kích Su-25, 4 chiếc máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không Yak-44 (tương đương với E-2 Hawkeyes của Hải quân Mỹ).

Ngoài ra, tàu còn có 15-20 chiếc trực thăng chống ngầm Ka-27. Nhà chứa máy bay trên tàu được thiết kế với 3 thang máy, 1 ở bên mạn trái, 2 ở bên mạn phải, phía hai bên của tháp chỉ huy, tạo sự linh hoạt cao trong triển khai máy bay sẳn sàng cho nhiệm vụ.

Thông số cơ bản của tàu theo Đồ án 1143.7 Ulyanovsk: Dài 324,6 mét, rộng 75,5 mét, mớn nước 11 mét, tải trọng tiêu chuẩn 65000 tấn, 79000 tấn đầy tải. Thủy thủ đoàn 2300 người. 4 động cơ tuabin hơi nước 4 trục công suất 200,000 mã lực. Tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, tầm hoạt động chỉ giới hạn bởi nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn.

Đồ án 1143.7 Ulyanovsk được trang bị hệ thống vũ khí cực mạnh, đúng trường phái Liên Xô biến tàu sân bay thành “thùng thuốc súng”. Bao gồm 12 quả tên lửa chống hạm tầm xa P-700 Granit (NATO định danh là SS-N-19 Shipwreck) tầm bắn lên đến 700km mang theo đầu đạn thông thường nặng 750kg hoặc đầu đạn hạt nhân chiến thuật 500 kiloton; 24 ống phóng thẳng đứng cho tên lửa đối không đa kênh Shtil tầm bắn 50km; 8 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Kashtan, cùng với 8 pháo bắn siêu nhanh AK-630.

Đồ án 1143.7 Ulyanovsk được trang bị 4 lò phản ứng hạt nhân KN-3 công suất 300MW. Lò phản ứng này hiện đang được sử dụng trên chiếc tuần dương hạm nguyên tử lớp Kirov.

 

Âu cũng tại vì một chữ “tiền”

Năm 1991, Liên bang Xô Viết sụp đổ, đồ án 1143.7 Ulyanovsk rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ukraine tuyên bố độc lập, ngay tại thời điểm đó tàu sân bay Ulyanovsk đang nằm trong nhà máy thuộc quyền kiểm soát của Ukraine.

Một cuộc tranh cãi kịch liệt đã diễn ra giữa Nga và Ukraine về quyền sở hữu con tàu này. Bất chấp những nỗ lực khẩn cấp của Nga để cứu vãn dự án, Hội đồng Bộ trưởng Ukraine ra quyết định “khai tử “ siêu tàu sân bay này vào ngày 4.2.1992.

Con tàu đã bị tháo dỡ, bán sắt vụn và hoàn toàn biến mất vào năm 1994. Theo một báo cáo được trích dẫn bởi tạp chí Jane’s, tại thời điểm bị “xẻ thịt” siêu tàu sân bay này đã hoàn thành được 70% khối lượng công việc. Trong khi đó, theo một số nguồn tin từ Hải quân Nga, con tàu mới hoàn thành được 45%, phía Ukraine lại tuyên bố con tàu chỉ mới hoàn thành 20% mà thôi.

 

Năm 1994, người ta đã tìm thấy một số lượng lớn thép tấm từ con tàu được bán ra thị trường thế giới.

Cùng với việc siêu tàu sân bay Ulyanovsk “chết yểu”, dự án phát triển máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không Yak-44 cũng chịu chung số phận. Nó bị “khai tử” khi vừa mới bắt đầu hình thành và phát triển.

Số phận thê thảm của Đồ án 1143.7 Ulyanovsk chỉ là một phần trong hệ lụy kéo theo từ sự sụp đổ của Liên Xô. Điều đó cũng khiến cho lực lượng hải quân lớn thứ 2 thế giới chỉ còn là cái bóng của chính mình. Người Nga sẽ còn phải chờ rất lâu nữa mới có thể chứng kiến một siêu tàu sân bay khác xuất hiện trong biên chế của hải quân mình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại