Trao giải: Tại sao bộ đội phải lau chùi súng thường xuyên?

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

“Súng không lau súng mau han rỉ. Người không rèn ý chí không cao”. Kinh nghiệm đó của bộ đội không bao giờ lạc hậu và sẽ mãi còn giá trị cho hôm nay và cả mai sau.

ĐÁP ÁN

Súng nói riêng và trang bị vũ khí nói chung là phương tiện chiến đấu mà Nhà nước, quân đội trao cho các quân nhân để thực hiện nhiệm vụ của mình. Súng và các trang bị khác đều phải được thường xuyên lau chùi, bảo dưỡng vì mấy lý do sau đây:

Thứ nhất - Là phương tiện chiến đấu nên súng và các trang bị vũ khí phải luôn đảm bảo tình trạng kỹ thuật, đạt hệ số sẵn sàng chiến đấu cao nhất, kịp thời đối phó với mọi tình huống xảy ra bất kỳ thời điểm, hoàn cảnh nào.

Trong điều kiện chiến tranh hiện đại ngày nay, các loại súng và vũ khí nhìn chung đều có cấu tạo phức tạp, tinh xảo, bao gồm nhiều chi tiết khác nhau.

Bên cạnh đó chúng cũng chịu nhiều tác động của môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, bụi bặm, hơi nước biển...

Đặc biệt, sau khi bắn đạn thật thì các loại súng đều bị tác động rất lớn của nhiệt độ, áp suất khí thuốc phóng, mạt kim loại do ma sát giữa đạn với nòng súng, va đập giữa các chi tiết chuyển động...

Vì vậy, muốn đảm bảo được tình trạng kỹ thuật và hệ số sẵn sàng chiến đấu cao thì chúng phải được thường xuyên lau chùi, bảo dưỡng theo đúng quy trình, quy tắc đã được nhà sản xuất đề ra.

Chính vì lý do trên mà Điều lệnh Quản lý bộ đội của QĐND Việt Nam đã quy định nội dung “Lau chùi, bảo quản vũ khí, trang thiết bị” là 1 trong 11 chế độ trong ngày mà bất cứ quân nhân cũng như đơn vị nào cũng phải chấp hành và thực hiện.

Thứ hai - Thường xuyên lau chùi súng và vũ khí có tác dụng thiết thực nâng cao hiểu biết của bộ đội về cấu tạo, nguyên lý làm việc, cách tháo lắp và sửa chữa những hư hỏng thông thường để phục vụ trực tiếp cho quá trình sử dụng.

Thông thường quy trình lau chùi súng gồm các bước sau:

1. Chuẩn bị vị trí, phụ tùng, dụng cụ và vật liệu (giẻ lau, dầu nhờn v.v..)

2. Kiểm tra an toàn. Làm sạch sơ bộ bên ngoài bằng giẻ khô.

3. Tháo rời các bộ phận, chi tiết.

4. Lau sạch bụi bặm, rỉ sét hoặc dầu mỡ cũ của các bộ phận, chi tiết.

5. Đối với nòng súng sau khi bắn đạn thật về thì phải thông kỹ bằng hóa chất chuyên dùng hoặc nước xà phòng, rửa lại bằng nước sạch rồi lau khô.

6. Bôi một lớp dầu nhờn mỏng lên bề mặt các bộ phận, chi tiết.

7. Lắp lại như cũ, kiểm tra hoạt động của súng.

8. Thu dọn dụng cụ, vật liệu.

Việc tháo lắp, lau chùi thường xuyên như vậy sẽ làm cho bộ đội nắm vững hơn cấu tạo, nguyên lý làm việc của vũ khí, thành thạo động tác tháo lắp và có khả năng sửa chữa những hư hỏng thông thường trong bất cứ điều kiện nào- kể cả trong đêm tối.

Thứ ba- Thường xuyên lau chùi, chăm sóc bảo dưỡng súng và vũ khí sẽ góp phần hình thành nên tình cảm yêu mến, trân trọng của bộ đội với trang bị vũ khí mà Nhà nước, Quân đội đã trao cho mình. Qua đó, họ sẽ có trách nhiệm hơn đối với vũ khí theo truyền thồng: “Súng là đạn, vợ là con” mà Quân đội ta đã dựng xây lên.

Qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế trước đây các thế hệ tiền bối của chúng ta đã tổng kết ra một kinh nghiệm rất quý giá, đó là:

“Súng không lau súng mau han rỉ. Người không rèn ý chí không cao”. Kinh nghiệm đó của bộ đội không bao giờ lạc hậu và sẽ mãi còn giá trị cho hôm nay và cả mai sau.

TRAO GIẢI

Sau khi cân nhắc các đáp án, chúng tôi quyết định trao giải cho bạn Lê Hạnh với câu trả lời như sau:

Chủ đề này, xin được nói riêng về người lính bộ binh và vũ khí cá nhân là khẩu súng được đơn vị trang bị. Nhiệm vụ chung của người lính là chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chính quyền và nhân dân.

Muốn chiến đấu, cùng đơn vị giành chiến thắng, ngoài ý chí, sức khỏe, kinh nghiệm, chiến thuật, kỷ luật chiến trường... phải cần tới vũ khí.

Khẩu súng là vật bất ly thân và là người bạn vô cùng thân thiết của người lính. Tại sao?

Các loại vũ khí, phương tiện cá nhân khác như dao găm, thủ pháo, lựu đạn, mìn, kiếm... kể cả kỹ năng võ thuật chỉ áp dụng được ở cự ly gần.

Riêng khẩu súng nhỏ, gọn, mà uy lực lớn lao, súng bắn không bị tắc đạn hoặc xảy ra sự cố, với kỹ năng bắn súng được khổ luyện, người lính có thể bắn như xạ thủ, làm cho quân thù khiếp sợ, chùn bước, bỏ chạy, bỏ mạng, cuối cùng trận chiến của kẻ địch sẽ thất bại.

Muốn người bạn thân thiết bảo vệ mình, sẵn sàng nhả đạn vào kẻ thù, mình phải yêu quý, chăm sóc, nâng niu, lau chùi sạch sẽ, bảo quản đúng theo quy định kỹ thuật, để vũ khí lúc nào cũng trong tình trạng tốt, có độ an toàn và tin cậy cao.

Người lái xe yêu xe như con, quý xăng như máu. Người lính cũng coi “súng là vợ, đạn là con”.

Súng được để trên giá súng, gần chỗ ngủ, dễ lấy, tránh nước, lửa, tránh mưa, tránh bụi bẩn khi bảo quản trong doanh trại hoặc nơi đóng quân cố định. Khi súng bị ướt, bụi bẩn, dễ bị tắc đạn.

Khi đi tập trên thao trường, không được quăng quật, làm rơi súng, ảnh hưởng tới độ bền, độ chính xác của vũ khí.

Hàng ngày, khi sử dụng xong, phải lau súng thường xuyên. Nếu bụi bẩn nhiều phải rửa qua bằng nước ấm, dùng giẻ sạch lau khô, tiếp đến dùng dầu lau súng lướt qua một lớp mỏng để chống han gỉ. Sau đó lại lau khô bằng giẻ sạch để chống bắt bụi.

Thông, lau nòng súng khi ngắm nòng thấy không còn vết bụi mới đạt yêu cầu.

Quy trình và kỹ thuật lau súng rất chặt chẽ. Người lính phải tập tháo, lắp súng đúng trình tự trong khoảng thời gian nhanh nhất. Có đơn vị tổ chức thi hội thao, bịt mắt tháo lắp súng, phổ biến kinh nghiệm cho toàn đơn vị học tập.

Ngoài giờ lau súng bắt buộc theo quy định (chỉ huy kiểm tra chất lượng), chiến sĩ còn tùy hứng trong lúc giải lao, ngồi đâu lau đấy. Đúng là coi súng còn hơn cả vợ.

Lau súng thường xuyên để sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện ý thức kỷ luật, tạo thói quen cho tình bạn giữa người lính và súng ngày càng bền chặt.

Đồng thời, giúp họ hiểu sâu về súng, phát huy hết hiệu quả vũ khí, góp phần giành chiến thắng trên chiến trường, đánh thắng mọi kẻ thù của đất nước và dân tộc.

“Súng là vợ, đạn là con” câu nói vui của các thế hệ bộ đội, ngày nay vẫn được lưu truyền, nhắc nhở ở các đơn vị.

Ngoài Đáp án với nội dung chính đã gửi Ban Biên tập, tôi cũng xin bình luận thêm về câu nói “Súng là vợ, đạn là con”, góp phần để các chiến sĩ yêu quý, trân trọng khẩu súng - người bạn thân thiết của mình hơn.

Xét theo nghĩa đen và các hành vi, thái độ, tình cảm của người lính đối với vợ, với người yêu và khẩu súng thân thiết, thấy có nhiều điểm tương đồng:
- Vợ là người bạn đời (đời thường, phổ thông).
- Súng là người bạn đời lính.
- Vợ là người bạn hậu phương.
- Súng là người bạn tiền tuyến.
- Súng được khoác trước ngực như bế, khoác sau lưng như cõng, vác trên vai như bồng.
- Lúc ngủ chợp mắt trong trực chiến, ôm súng vào lòng.
- Lúc bình yên, mệt mỏi, đặt súng ra bên cạnh cho khỏi vướng, để dễ ngủ.
- Lúc ngắm súng thì tì vai, áp má.
- Lúc lau súng thì nâng niu, vuốt ve, lau chùi sạch sẽ...

So với vợ ... súng cũng không khác là mấy.
- Đạn nhỏ hơn súng, ở nòng súng đi ra, gọi là “con” cũng phải. Nếu không, chẳng lẽ gọi bom, mìn, lựu đạn hay tên lửa... là “con”.

Vậy kết luận: Câu nói “Súng là vợ, đạn là con” là đúng.

Có một câu chuyện nhỏ, tôi muốn kể với mọi người, nhân ngày 17-2 kỷ niệm Chiến tranh Biên giới 1979. Một người lính thời chống Mỹ vừa trở về sau chiến tranh, được Nhà nước tuyển đi học tại nước ngoài.

Mấy tháng sau, các lưu học sinh bất ngờ nghe tin bọn bành trướng tấn công phía Bắc đất nước. Những cuộc mít tinh ủng hộ Việt nam, phản đối chiến tranh được tổ chức...

Những người lính còn chưa lành vết thương của cuộc kháng chiến vừa đi qua, nghe tin đất nước bị tấn công, nhà cửa, công trình bị tàn phá, dân lành bị giết dã man, lòng căm thù trỗi dậy, muốn về nước tham gia chống bọn xâm lược.

Trong một đoạn thư gửi người vợ nơi quê nhà thân yêu, người cựu chiến binh viết:
Anh trở lại, ôm em trong giấc ngủ
Vuốt óc mai cho đôi má hồng lên.
Anh trở về lại ôm cây súng nhỏ
Nhằm tim thù, bảo vệ nước... và em.

Tình yêu quê hương đất nước và gia đình hòa quyện vào nhau. Và dư âm đâu đây từ những dòng thư ấy vẫn là người vợ và khẩu súng thân thương...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại