Sức mạnh của 'đại bàng thầm lặng' F-15SE

Saudi Arabia vừa trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của tiêm kích F-15SE. Loại tiêm kích của hãng Boeing này hấp dẫn đối tác nhờ những ưu điểm nào?

Ngày 5.7 vừa qua, tập đoàn Boeing đã chuyển giao cho Không quân Saudi Arabia 3 chiếc tiêm kích F-15SE-biến thể mới nhất trong gia đình F-15. Việc chuyển giao này là một phần trong hợp đồng mua bán khổng lồ trị giá 29,4 tỷ USD.

Sức mạnh của 'đại bàng thầm lặng' F-15SE
 

F-15SE (Silent Eage-Đại bàng thầm lặng) là biến thể mới nhất trong gia đình F-15 của Tập đoàn chế tạo máy bay khổng lồ Boeing (Mỹ). Tiêm kích này được áp dụng rất nhiều công nghệ mới nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu.

Biến thể F-15SE xuất khẩu cho Saudi Arabia không được trang bị khoang vũ khí bên trong. Biến thể này được chỉ định là F-15SA (Saudi Advanced).

Được biết, hợp đồng giữa hai bên có số lượng lên tới 84 chiếc F-15SA với tổng giá trị lên đến 29,4 tỷ USD, đây được xem là hợp đồng xuất khẩu máy bay lớn nhất từ trước đến nay.

Hơn thế, để xứng danh Đại bàng thầm lặng, thiết kế của F-15SE có một số thay đổi so với nguyên mẫu để tăng khả năng tàng hình. Theo đó, cánh đuôi của tiêm kích này hơi ngả ra ngoài khoảng 15 độ để giảm mặt cắt radar; hai khoang vũ khí được thiết kế ngay dưới hóc cánh và thân để tăng khả năng tàng hình.

Thân máy bay được phủ một lớp sơn có khả năng hấp thụ sóng radar để tăng khả năng tàng hình.

Một điểm mạnh khác của F-15SE chính là ở hệ thống điện tử hoàn toàn mới. Tiêm kích này được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động, radar AESA AN/APG-63V3. Đây là một biến thể hiện đại hóa từ dòng radar AN/APG-63 với bộ vi xử lý tương tự như radar AN/APG-79 được sử dụng trên tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet.

Sức mạnh của 'đại bàng thầm lặng' F-15SE
 

Radar AN/APG-63V3 có phạm vi tìm kiếm mục tiêu vượt quá 296km. Radar này cung cấp chế độ giám sát không đối không, đối hải, đối đất cùng lúc. Tuy nhiên, số lượng mục tiêu mà radar này có thể tham chiến đang được bảo mật.

Hỗ trợ cho radar AN/APG-63V3 là hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại AN/AAS-42.

Buồng lái của F-15SE được thiết kế kiểu “nhà kính” hiện đại tạo thuận lợi cho phi công trong việc kiểm soát trạng thái máy bay và các mục tiêu.

Phi công được trang bị hệ thống mũ bay tích hợp với khả năng nhắm mục tiêu thông qua kính che mắt của phi công. F-15SE được trang bị một bộ chiến tranh điện tử kỹ thuật số Dews hoàn toàn mới được phát triển bởi tập đoàn BAE Systems.

Sức mạnh của 'đại bàng thầm lặng' F-15SE
 

Về vũ khí F-15SE có thể trang bị tất cả các vũ khí dành cho tiêm kích trong kho vũ khí của Không quân Mỹ như: tên lửa không đối không tầm trung AIM-120, AIM-7; tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9; vũ khí không đối đất dẫn đường chính xác như bom thông minh JDAM; tên lửa hành trình tấn công mặt đất.

Theo một số nguồn tin, không loại trừ khả năng F-15SE xuất khẩu cho Saudi Arabia sẽ kèm theo đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-154 JSOW. Đây là loại đạn mà Mỹ chưa từng xuất khẩu cho những quốc gia “đồng minh hạng 2” của họ.

F-15SE được trang bị 2 động cơ phản lực General Electric F110-GE-129 hoặc 2 động cơ Pratt & Whitney F100-229. Động cơ này cung cấp lực đẩy có đốt sau 129kN mỗi chiếc. Hệ thống động cơ giúp F-15SE đạt tốc độ tối đa 2.655km/h, bán kính chiến đấu với lượng nhiên liệu nội bộ là 800km, phạm vi hoạt động tối đa với thùng nhiên liệu phụ là 3.900km, trần bay tối đa 18,2km.

F-15SE là tiêm kích hiện đại nhất từng được Mỹ xuất khẩu cho những nước “đồng minh hạng 2”. Đây có thể coi là một sự chuyển biến trong xuất khẩu vũ khí của Mỹ. Washington vốn rất khắt khe trong việc xuất khẩu các vũ khí công nghệ cao đến quốc gia thứ 3 vì lo ngại bị mất bản quyền.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại